"Thuế cao và thị trường biến động không phải chuyện mới với dệt may Việt Nam"
"Thuế cao và thị trường biến động không phải chuyện mới với dệt may Việt Nam"
Phát biểu tại Hội thảo Thị trường cuối tuần qua, ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch HĐQT Vinatex xác định giai đoạn tạm hoãn thuế từ phía Mỹ là thời điểm toàn hệ thống phải đoàn kết, sáng suốt và dốc toàn lực, tương tự như cách ngành từng vượt qua hạn ngạch và thuế cao trước thời WTO.
Ngày 11/04, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex, UPCoM: VGT) tổ chức Hội thảo Thị trường nhằm cập nhật tình hình thực tế, xây dựng kịch bản ứng phó với chính sách thuế mới của Mỹ.
![]() Chủ tịch Lê Tiến Trường phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Vinatex
|
Theo Vinatex, việc Mỹ đột ngột công bố áp thuế 46% đối với hàng dệt may Việt Nam ngày 03/04 (giờ Việt Nam) đã gây hoang mang lớn trong toàn ngành. Chủ tịch HĐQT Vinatex, ông Lê Tiến Trường, đánh giá đây là mức thuế "hết sức đột ngột và nằm ngoài khả năng quản trị của các doanh nghiệp".
Tuy nhiên, nhờ nỗ lực ngoại giao từ Chính phủ Việt Nam và sự ủng hộ của hơn 75 quốc gia, Mỹ đã tạm hoãn áp thuế trong 90 ngày, kể từ ngày 10/04. Trong thời gian này, hàng dệt may Việt Nam sẽ chịu mức thuế cũ cộng thêm 10% - một mức thuế được đánh giá là không tạo ra khoảng cách lớn so với Indonesia, Bangladesh, Ấn Độ và vẫn thấp hơn nhiều so với Trung Quốc.
Ngay khi thông tin tạm hoãn được công bố, nhiều khách hàng quốc tế đã khôi phục đơn hàng, yêu cầu hoàn tất trong vòng 90 ngày tới. Các doanh nghiệp trong hệ thống Vinatex nhanh chóng kích hoạt phương án sản xuất thần tốc, song hành với xây dựng giải pháp dài hạn.
Lãnh đạo Tập đoàn yêu cầu toàn hệ thống duy trì tinh thần khẩn trương nhưng bình tĩnh. "Thị trường biến động và thuế suất cao không phải là điều mới với ngành dệt may Việt Nam", ông Trường nhấn mạnh, đồng thời nhắc lại thời kỳ trước khi Việt Nam ký BTA với Mỹ và gia nhập WTO (2006), khi ngành từng phải chịu thuế suất cao và hạn ngạch, nhưng vẫn vươn lên giữ vị trí xuất khẩu thứ hai thế giới.
Từ bài học trong quá khứ, Vinatex xác định "90 ngày thử lửa" này là thời điểm đoàn kết, sáng suốt, và dốc toàn lực sản xuất. Tập đoàn kêu gọi các đơn vị áp dụng cơ chế phối hợp chặt chẽ như giai đoạn COVID-19, chuẩn bị quỹ dự phòng, tối ưu quản trị và đa dạng chuỗi cung ứng. Công đoàn Dệt May Việt Nam cũng phát động Tháng Công nhân năm 2025, xem đây là "tháng cao điểm nâng cao năng suất, chất lượng", hướng tới hoàn tất toàn bộ đơn hàng ký kết với thị trường Mỹ trước ngày 05/07/2025.
Ban Sản xuất Kinh doanh May được giao chủ trì rà soát chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu, ưu tiên sử dụng nguồn nội khối đạt tiêu chuẩn, phân loại thị trường - mặt hàng tiềm ẩn rủi ro để chủ động đàm phán. Tập đoàn đồng thời kêu gọi các cổ đông, đối tác chia sẻ nguồn lực, đồng hành vượt khó.
Vinatex sẽ tổ chức chuỗi Hội thảo Thị trường định kỳ hàng tuần, cập nhật liên tục diễn biến và điều chỉnh chỉ đạo kịp thời. Lãnh đạo Tập đoàn cũng khẩn trương làm việc với cơ quan Nhà nước nhằm đề xuất chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, đảm bảo duy trì sản xuất, thu nhập và việc làm trong hệ thống.
Thế Mạnh