LG Electronics tạm dừng đầu tư mở rộng tại Hải Phòng vì cú sốc thuế quan Mỹ

LG Electronics tạm dừng đầu tư mở rộng tại Hải Phòng vì cú sốc thuế quan Mỹ

Cú sốc thuế quan Mỹ đang đẩy 64 doanh nghiệp tại Hải Phòng vào tình thế khó khăn, một số đã buộc phải cắt giảm sản lượng, thậm chí ngừng đầu tư mở rộng. 

Sáng ngày 03/04 (giờ Việt Nam), Mỹ gây sốc khi công bố áp thuế đối ứng tới 46% với Việt Nam, khiến hàng loạt doanh nghiệp có thị trường chính là Mỹ phải lao đao. Hiện tại Mỹ đã tạm hoãn thuế đối ứng trong 90 ngày và chỉ áp mức thuế tối thiểu 10% cho Việt Nam. 

Trước tình hình này, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng đã tổ chức hội nghị đối thoại vào ngày 11/04/2025 nhằm lắng nghe ý kiến và tìm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn.

Hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp Hải Phòng diễn ra vào ngày 11/04

Năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp và Khu kinh tế Hải Phòng đạt 31.4 tỷ USD, chiếm đến 90% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn thành phố. Riêng trong quý 1/2025, con số này đã đạt 7 tỷ USD, với lượng hàng hóa xuất khẩu sang thị trường Mỹ - đặc biệt thông qua hình thức xuất khẩu gián tiếp - lên tới 6.11 tỷ USD.

Thiệt hại ước tính lên đến 2.81 tỷ USD

Chính sách thuế mới của Mỹ đã gây ra tổn thất nặng nề cho cộng đồng doanh nghiệp tại đây. Theo khảo sát từ 64 doanh nghiệp trong tổng số 130 doanh nghiệp có hoạt động liên quan đến thị trường Mỹ, tổng thiệt hại ước tính lên đến 2.81 tỷ USD. Trong đó, 10 doanh nghiệp có giá trị xuất khẩu cao nhất đã gánh chịu tới 64% tổng mức thiệt hại và chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ của toàn bộ KCN, KKT.

Đáng chú ý, LG Electronics Hải Phòng đang phải đối mặt với thiệt hại lên tới 460 triệu USD và đơn vị này đã dừng kế hoạch đầu tư mở rộng sản xuất lò vi sóng, đồng thời tạm dừng sản xuất tủ lạnh, ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 400 lao động. Cùng cảnh ngộ, Pegatron Việt Nam phải gánh chịu mức thiệt hại cao nhất lên tới 485.27 triệu USD.

Đại diện LG Electronics Việt Nam

Các doanh nghiệp lớn khác cũng chịu thiệt hại như Regina Miracle (172.25 triệu USD), Lian Yue (144.24 triệu USD), Green Works (138,14 triệu USD), Amtran (138 triệu USD), General Electric (114.28 triệu USD), Điện máy Đại Dương (113.85 triệu USD), Autel Việt Nam (102.95 triệu USD) và Greatstar (95,68 triệu USD). Không chỉ các doanh nghiệp FDI, nhiều doanh nghiệp Việt như Pha Lê Group với kim ngạch xuất khẩu trực tiếp sang Mỹ đạt 67 triệu USD cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ.

Hệ lụy từ việc tăng thuế suất không chỉ dừng lại ở việc doanh nghiệp giảm lợi nhuận, mất khả năng cạnh tranh và thị phần tại Mỹ, mà còn lan rộng tới môi trường đầu tư nói chung. Nhiều doanh nghiệp buộc phải cắt giảm sản lượng, thu hẹp quy mô hoạt động, cắt giảm lao động và trì hoãn kế hoạch đầu tư, gây ảnh hưởng tiêu cực tới chuỗi cung ứng công nghiệp-logistics tại địa phương và tạo sức ép lớn đến an sinh xã hội.

Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp đã thẳng thắn kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành cần sớm có các biện pháp đàm phán với phía Mỹ để điều chỉnh chính sách thuế phù hợp. Đồng thời, họ đề xuất các chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn-giảm một số loại phí tạm thời nhằm hỗ trợ vượt qua giai đoạn khó khăn. Một hướng đi được nhiều doanh nghiệp đề cập là đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đẩy mạnh tiếp cận các thị trường có ưu đãi FTA như Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN và các nước CPTPP.

Thiên Vân

FILI

  • Mới