Thước đo lạm phát yêu thích của Fed tăng vượt dự báo

Thước đo lạm phát yêu thích của Fed tăng vượt dự báo

Thước đo lạm phát yêu thích của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng mạnh hơn dự báo trong tháng 2, gióng lên hồi chuông cảnh báo cho nỗ lực kiềm chế giá cả của cơ quan này.

Theo báo cáo được Bộ Thương mại công bố vào ngày 28/03, chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi đã tăng 0.4% so với tháng trước - mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 1/2024. Nếu so với cùng kỳ, PCE tăng 2.8%. Cả hai con số đều cao hơn 0.1 điểm phần trăm so với dự báo từ các chuyên gia kinh tế.

Chỉ số PCE lõi không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng vốn thường biến động mạnh và được các nhà hoạch định chính sách coi là thước đo đáng tin cậy hơn về xu hướng lạm phát dài hạn.

Trong khi đó, khi bao gồm giá thực phẩm và năng lượng, PCE tổng thể tăng 0.3% so với tháng trước và 2.5% so với cùng kỳ năm ngoái, phù hợp với dự báo.

Đồng thời, báo cáo của Cục Phân tích Kinh tế cũng chỉ ra rằng mặc dù thu nhập cá nhân tăng mạnh 0.8% (gấp đôi mức dự báo 0.4%), chi tiêu tiêu dùng chỉ tăng 0.4%, thấp hơn dự báo 0.5%. Điều này cho thấy người Mỹ đang trở nên thận trọng hơn trong chi tiêu.

"Có vẻ như Fed vẫn còn phải chờ đợi và đánh giá thêm”, Ellen Zentner, Chiến lược gia kinh tế trưởng tại Morgan Stanley Wealth Management nhận định. "Chỉ số lạm phát hôm nay tuy không quá nóng, nhưng chắc chắn sẽ không thúc đẩy Fed đẩy nhanh lộ trình cắt giảm lãi suất, đặc biệt khi xem xét những bất ổn xung quanh vấn đề thuế quan”.

Trong bức tranh chi tiết hơn, giá hàng hóa tăng 0.2%, với nhóm hàng hóa và phương tiện phục vụ giải trí dẫn đầu với mức tăng 0.5%. Giá xăng dầu là yếu tố tích cực hiếm hoi khi giảm 0.8%, giúp làm dịu một phần áp lực lạm phát. Trong khi đó, giá dịch vụ - thành phần luôn được Fed quan tâm đặc biệt - đã tăng 0.4%.

Đáng chú ý, tỷ lệ tiết kiệm cá nhân đã tăng lên 4.6%, mức cao nhất kể từ tháng 6/2024, phản ánh tâm lý thận trọng ngày càng tăng của người tiêu dùng Mỹ.

Báo cáo này xuất hiện vào thời điểm thị trường đang hết sức lo ngại về kế hoạch áp thuế quan mạnh tay của Tổng thống Donald Trump, vốn có thể làm trầm trọng thêm áp lực lạm phát.

Sau khi cắt giảm lãi suất 1 điểm phần trăm trong năm 2024, Fed đã giữ nguyên lãi suất từ đầu năm 2025 đến nay. Các quan chức ngân hàng trung ương gần đây đã bày tỏ lo ngại sâu sắc về tác động của thuế nhập khẩu đối với giá cả. Mặc dù các nhà kinh tế thường coi thuế quan là sự kiện một lần không gây ra áp lực lạm phát kéo dài, nhưng phạm vi rộng lớn của các biện pháp thuế quan do Trump đề xuất, cùng với nguy cơ xảy ra cuộc chiến thương mại toàn cầu quyết liệt đang làm thay đổi hoàn toàn cục diện.

Vũ Hạo (Theo CNBC)

FILI

  • Mới