Mặt tối của các tổ chức quản lý tài sản gia đình (kỳ 1): Dễ bị lạm dụng

Mặt tối của các tổ chức quản lý tài sản gia đình (kỳ 1): Dễ bị lạm dụng

Các công ty quản lý tài sản tư nhân cho giới siêu giàu đang điều hành hàng ngàn tỷ USD trên toàn cầu. Thế nhưng, đằng sau vẻ hào nhoáng, các chuyên gia cho rằng các cỗ máy tài chính này rất dễ bị lạm dụng.

Một vụ bê bối gây chấn động tại Quốc đảo Singapore

Sáng sớm ngày 15/08/2023, hơn 400 cảnh sát Singapore đã đột kích vào hàng loạt dinh thự xa xỉ ở những khu phố thượng lưu của Quốc đảo. Chiến dịch này được thực hiện sau khi xuất hiện thông tin một số công dân nước ngoài đã rửa tiền với quy mô khổng lồ. Cảnh sát đã thu giữ 94 bất động sản, 50 chiếc xe và hàng loạt tài sản giá trị như tiền mặt, túi xách, trang sức, hai thỏi vàng và tiền ảo với tổng giá trị lên tới 3 tỷ Đôla Singapore (khoảng 2.2 tỷ USD).

Vụ bê bối không chỉ gây chấn động dư luận tại Singapore mà còn vạch trần các vấn đề của 6 văn phòng gia đình (family offices) - các công ty quản lý tài sản tư nhân cho người giàu, vốn chịu ít sự quản lý giám sát và thường được hưởng các ưu đãi thuế từ Chính phủ. Chính các công ty này tham gia vào vụ rửa tiền và sử dụng các khoản vốn bất chính.

“Đây thực sự là một hồi chuông cảnh tỉnh”, ông Yishan Lee, người đứng đầu bộ phận tuân thủ quy định tại châu Á của công ty dịch vụ đầu tư IQ-EQ và là cựu quản lý tại Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) - cơ quan quản lý tài chính và trên thực tế là ngân hàng trung ương của Singapore, chia sẻ.

“Các tên tội phạm đã khai thác những điểm yếu của hệ thống ngân hàng và văn phòng gia đình”, một nhân vật giấu tên trong ngành tại Singapore cho biết. “Một khi tiền đã vào hệ thống, nó sẽ luân chuyển và làm ô nhiễm toàn bộ hệ thống”.

Sự tăng trưởng toàn cầu của cả gia tài và tài sản do các văn phòng gia đình quản lý

Nguy cơ bị lạm dụng của các văn phòng gia đình

Vụ bê bối chỉ là một trong loạt các tranh cãi gần đây đã làm dấy lên mối lo ngại về cách thức sử dụng và nguy cơ bị lạm dụng của các văn phòng gia đình.

Thuật ngữ “văn phòng gia đình” thường chỉ các công ty tư nhân cung cấp dịch vụ đầu tư và các giải pháp tài chính khác cho một cá nhân hoặc gia đình giàu có. Tuy nhiên, ở hầu hết quốc gia, phạm vi hoạt động và cấu trúc pháp lý của những tổ chức này phần lớn vẫn chưa được xác định rõ ràng.

Ban đầu, các văn phòng gia đình ra đời nhằm giúp các gia tộc giàu có tự quản lý tài sản, xử lý các vấn đề pháp lý và điều hành kinh doanh nội bộ. Tuy nhiên, ngày nay lĩnh vực này đã mở rộng chức năng vượt xa khuôn khổ ban đầu, không chỉ đảm nhiệm việc phân bổ tài sản, đầu tư hay hoạt động từ thiện mà còn cung cấp các dịch vụ phong cách sống, ví dụ như chăm sóc thú cưng. Cần lưu ý rằng, văn phòng gia đình đơn lẻ khác với các văn phòng gia đình đa thành viên, nơi quản lý đầu tư và các hoạt động khác cho nhiều cá nhân hay gia đình cùng tham gia.

Tổng số tài sản mà các văn phòng gia đình quản lý là con số khổng lồ và không ngừng tăng trưởng. Theo số liệu từ Deloitte, đến năm 2024, trên toàn cầu có hơn 8 ngàn văn phòng gia đình đơn lẻ quản lý tài sản trị giá 3.1 ngàn tỷ USD, và dự kiến đến năm 2030, số lượng này sẽ tăng gần 11 ngàn văn phòng, tổng giá trị tài sản đạt 5.4 ngàn tỷ USD. Trong một khảo sát đối với 320 văn phòng gia đình vào năm 2024 của UBS, trung bình mỗi văn phòng gia đình quản lý khối tài sản ròng khoảng 2.6 tỷ USD.

Để so sánh, số liệu từ công ty nghiên cứu HFR năm 2024 cho thấy toàn ngành quỹ phòng hộ trên toàn cầu đã quản lý khối tài sản 4.5 ngàn tỷ USD.

Một chiếc Rolls-Royce Dawn bị cảnh sát thu giữ tại căn hộ của một trong những nghi phạm liên quan đến vụ rửa tiền tại Singapore vào tháng 10/2023 - Ảnh: Bloomberg

Các quy định hoạt động còn lỏng lẻo

Theo thống kê của Chính phủ Singapore, chỉ riêng tại Đảo quốc Sư tử, số lượng văn phòng gia đình đơn lẻ đã cán mốc 2 ngàn vào cuối năm 2024, tăng 43% so với năm trước. Trong khi đó, Deloitte ước tính tại Bắc Mỹ, con số này sẽ nhảy vọt lên 4.2 ngàn vào năm 2030, gần gấp đôi so với mức năm 2019.

Dù là một trong những lĩnh vực tài chính phát triển nhanh nhất, các văn phòng gia đình cũng là mảng ít được hiểu rõ và ít bị giám sát nhất. Sự mở rộng không ngừng của họ trên toàn cầu đang gợi lên ngày càng nhiều dấu hỏi về mục đích thực sự và những quy định nào ràng buộc hoạt động của các công ty này.

Khi nền kinh tế Hồng Kông (Trung Quốc) gặp khó khăn, Chính phủ đã đặt mục tiêu thu hút các văn phòng gia đình mới nhằm mời gọi các khách hàng giàu có đến với vùng đất này. Một vụ gian lận nghiêm trọng gần đây ở châu Âu đã thu hút thêm sự chú ý vào nguy cơ lạm dụng danh xưng “văn phòng gia đình”; trong khi ở Mỹ, chúng đã là tâm điểm gây tranh cãi kể từ vụ sụp đổ của Công ty Quản lý Vốn Archegos vào năm 2021, cũng được phân loại là văn phòng gia đình nhưng hoạt động như một quỹ phòng hộ có rủi ro cao. Quốc hội Mỹ đã có nhiều nỗ lực nhằm siết chặt quy định đối với các văn phòng gia đình nhưng đến nay vẫn chưa được thông qua.

Bill Hwang, người sáng lập Công ty Quản lý Vốn Archegos, rời tòa án liên bang sau khi bị tuyên phạt tại New York vào tháng 11 năm ngoái - Ảnh: Bloomberg

Theo một số nhà phê bình, các văn phòng gia đình có thể trở thành nguồn rủi ro tiềm ẩn trong hệ thống tài chính, nằm ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan quản lý. Đặc biệt trong bối cảnh chính quyền Trump đang hạ thấp mức độ ưu tiên trong công cuộc chống tội phạm kinh tế, những lo ngại về khả năng lạm dụng này có khả năng sẽ càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Theo Chuck Collins - Giám đốc Chương trình về bất bình đẳng và phúc lợi chung tại Viện Nghiên cứu chính sách ở Washington cho rằng nguy cơ lạm dụng cấu trúc này không hề biến mất kể từ vụ sụp đổ của Archegos.

Các văn phòng gia đình là “một thiên đường ít bị giám sát cho vốn đầu tư tại Mỹ”, ông cho biết. Một số văn phòng gia đình là “những công ty đầu tư rủi ro cao... tập hợp những nguồn vốn khổng lồ để đầu tư vào các lĩnh vực khác nhau mà không phải chịu bất kỳ yêu cầu báo cáo hay giám sát nào”.

Quốc An

FILI

  • Mới