Liệu Apple có giành được “miếng bánh” tài chính từ Phố Wall?

Việc Apple thành lập liên doanh dịch vụ tài chính cho thấy tham vọng lớn hơn của “gã khổng lồ” công nghệ này nhằm “cắt miếng bánh” của giới nhà băng trên Phố Wall.

Năm 2019, sau nhiều tháng làm việc miệt mài, các giám đốc điều hành tại Apple và Goldman Sachs chuẩn bị ra mắt Apple Card, một động thái mang tính bước ngoặt đối với tham vọng ngày càng lớn của nhà sản xuất iPhone trong lĩnh vực dịch vụ tài chính. Tuy nhiên, khi ngày ra mắt đến gần, các đối tác lại gặp trở ngại.

Apple, với mong muốn được coi là nhà cung cấp giá trị độc nhất cho khách hàng và có thói quen tuyên bố tiếp thị hoành tráng, muốn quảng cáo sản phẩm này là “thẻ tín dụng an toàn nhất từ trước đến nay”. Trong khi đó, Goldman coi Apple Card là một sản phẩm then chốt để chứng tỏ rằng họ có thể phục vụ cho các khách hàng của Main Street (thuật ngữ để chỉ các doanh nghiệp nhỏ độc lập của Mỹ).

“Lời đề nghị dành cho Goldman khi đó là 'Này, các ông không có sản phẩm dành cho người tiêu dùng và đoán xem, chúng tôi có thể giúp các ông tiếp cận với tất cả khách hàng của Apple”, một cựu giám đốc của Apple cho biết. Tuy nhiên, với tuyên bố tiếp thị của Apple, Goldman đã phải rút lui. Một nguồn thạo tin với các cuộc thảo luận cho biết Apple có thể bị kiện nếu nói một điều gì đó là nhất.

Cuối cùng, hai bên giải quyết bằng một tuyên bố bớt “kêu” hơn là “Apple Card mang đến cấp độ riêng tư và bảo mật mới”, và việc không có dãy số 16 con số hay mã bảo mật trên thẻ khiến chiếc thẻ này an toàn hơn bất kỳ chiếc thẻ tín dụng vật lý nào khác.

Banner quảng cáo Thẻ Apple ở New York.

Theo các nguồn thạo tin, đây là một trong những cuộc tranh luận lớn nhất giữa Apple và Goldman trong thời gian chuẩn bị ra mắt Apple Card và là một bài học ban đầu cho Apple về việc điều hướng quan liêu trong các dịch vụ tài chính của mình.

Giờ đây, sau 4 năm, nhà sản xuất iPhone ngày càng cảm thấy tự tin trong lĩnh vực tài chính và đang đẩy mạnh nỗ lực mở rộng hơn nữa vào lĩnh vực này. Chỉ trong ba tuần qua, Apple, với sự giúp đỡ của Goldman, đã tung ra hai sản phẩm lớn.

Apple Pay Later, một sản phẩm “mua ngay, trả sau”, là trường hợp đầu tiên Apple cho người tiêu dùng vay tiền trực tiếp từ bảng cân đối kế toán của chính mình. Thứ hai là Savings, một tài khoản tiết kiệm lãi suất cao, cung cấp cho khách hàng Mỹ mức lãi suất 4.15%, gấp 10 lần mức trung bình cả nước. Các khoản tiền gửi sẽ nằm trong tay Goldman, với tư cách là một ngân hàng được cấp phép và được chính phủ Mỹ bảo hiểm.

Câu hỏi đặt ra cho các ngân hàng và nhà cung cấp dịch vụ tài chính khác là họ nên lo lắng như thế nào khi có một công ty công nghệ có 1.2 tỷ người dùng iPhone, mức vốn hóa thị trường 2,600 tỷ USD và có lịch sử đổi mới đột phá, đang giành “miếng bánh” của họ.

Quy mô của Apple khiến ngay cả những ngân hàng lớn nhất thế giới cũng trở nên nhỏ bé. Chỉ riêng bộ phận dịch vụ của Apple đã kiếm được 55 tỷ USD lợi nhuận từ thuê bao định kỳ và thanh toán trên App Store trong năm 2022, cao hơn cả JPMorgan và Citi cộng lại. Nhưng con số đó cũng chỉ chiếm 1/5 tổng doanh thu.

Và “gã khổng lồ” này cũng không e ngại về tham vọng của mình trong lĩnh vực tài chính. Jennifer Bailey, người đứng đầu của Apple Pay, đã nói vào năm 2016 rằng Apple đang trên một hành trình dài và tốt đẹp để thay thế chiếc ví điện tử này.

Đối với giám đốc điều hành JPMorgan Chase, Jamie Dimon, rủi ro đủ rõ ràng để ông coi Apple là một ngân hàng. “Họ có thể không có tiền gửi được bảo hiểm, nhưng đó là một ngân hàng. Nếu bạn chuyển tiền, giữ tiền, quản lý tiền, cho vay tiền, thì họ vẫn được coi là ngân hàng”, ông nói hồi tháng 06/2022.

Trong tháng này, Dimon một lần nữa cảnh báo các nhà đầu tư về mối đe dọa đang rình rập khi cho rằng các công ty công nghệ lớn có nguồn tài nguyên khổng lồ về dữ liệu và hệ thống độc quyền sẽ mang lại cho họ lợi thế cạnh tranh phi thường.

Stephen Squeri, giám đốc điều hành của American Express, đã thừa nhận với các nhà phân tích vào tuần trước rằng ông cũng bị choáng ngợp về Apple và Amazon, hai doanh nghiệp mà ông gọi là những hiện tượng có mối liên hệ sâu sắc với người tiêu dùng. “Chúng tôi nghĩ mọi người đang đuổi theo chúng tôi”, ông nói.

Apple thường mở rộng sang lĩnh vực mới không phải thông qua các thương vụ mua lại chớp nhoáng, mà thông qua các bước hành động từ từ để tạo lợi thế bền vững theo thời gian.

Trong lĩnh vực tài chính, chiến lược đi chậm của Apple đã cho thấy thành quả rõ ràng nhất với sản phẩm Apple Pay. Đây là công nghệ thanh toán không dây của Apple được công bố lần đầu tiên cùng với iPhone 6 vào năm 2014, với mục tiêu biến đổi mảng thanh toán di động.

Tuy nhiên, người dùng chậm áp dụng Apple Pay đến mức Apple bị chế giễu trong những năm đầu tiên hoạt động. Đến năm 2016, chỉ 1/10 chủ sở hữu iPhone trên toàn cầu sử dụng Apple Pay. Nhưng cơ sở người dùng đã tăng lên 50% vào năm 2020, theo Deepwater Asset Management. Đến năm 2022, tỷ lệ áp dụng đạt 75% và Ủy ban châu Âu đã mở một cuộc điều tra chống độc quyền.

Gene Munster, đối tác quản lý của Deepwater, cho biết: “Họ chuyển động với tốc độ và sức mạnh giống như một sông băng”. Còn nhận xét về những động thái tiếp theo của Apple trong lĩnh vực ngân hàng, ông nói thêm: “Việc này sẽ mất 5 - 10 năm, nhưng sau đó chúng ta sẽ nhớ về Apple giống như với Citi, JPMorgan và Wells Fargo”.

Ba cựu nhân viên của Apple cho biết nhà sản xuất iPhone đang thực hiện chiến lược lâu dài về lĩnh vực tài chính và thanh toán, và những động thái gần đây của họ sẽ tạo một tiền đề vững chắc để chiếm thị phần lớn hơn trên thị trường này.

Apple đã dành nhiều năm cho kế hoạch vốn được nội bộ biết đến là dự án Muirfield, cho phép iPhone không chỉ gửi thanh toán mà còn nhận tiền. Tính năng này đã được công bố vào tháng 02/2022. Khi đó, một thông cáo báo chí của Apple đã mô tả rằng những người bán hàng sử dụng iPhone có chip NFC “chạm và đi” hiện có thể chấp nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng mà không cần phần cứng bổ sung hoặc thiết bị đầu cuối. Dịch vụ này được triển khai kết hợp với các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán bao gồm Stripe, Adyen và Square.

Những người quen thuộc với công nghệ cho biết ý nghĩa của nó còn rộng hơn nhiều: nếu cả người mua và người bán đều sử dụng iPhone hoặc iPad để xử lý thanh toán, điều đó mang lại cho Apple khả năng tạo ra một mạng kín không cần tới các đối tác ngân hàng hoặc mạng điều hành bởi Visa và Mastercard.

Một cựu nhân viên của Apple cho biết: “Hiện tại, họ không thể làm phật lòng các ngân hàng và họ không thể tách rời các đối tác mạng. Nhưng bạn thử tưởng tượng khi ngày càng có nhiều người sử dụng Apple Pay, sau đó đòn bẩy chuyển sang phe của Apple và họ có thể thực hiện các dịch vụ khác mà không quá phải phụ thuộc vào ngân hàng”.

Ông Munster nói thêm rằng Apple lâu nay đều hợp tác với các đối tác trong một khoảng thời gian dài, cho đến khi họ có lợi thế để đi một mình. Và ông nghi ngờ rằng đó cũng là chiến lược mà họ sử dụng để thâm nhập vào lĩnh vực tài chính.

Sam Shawki, giám đốc điều hành của MagicCube - công ty cung cấp công nghệ tương tự cho thiết bị Android, cho biết khả năng người bán hàng chấp nhận thanh toán một cách an toàn thông qua điện thoại thông minh và máy tính bảng có thể khiến toàn bộ thị trường thiết bị thanh toán trị giá 48 tỷ USD hiện tại trở nên lỗi thời.

“Mục tiêu dài hạn của họ là chiếm thị phần của Visa và PayPal”, ông Shawki nói.

Trong khi đó, những doanh nghiệp khác trong ngành không xem Apple là mối đe dọa hiện hữu. Eva Wang, cựu giám đốc điều hành của American Express hiện là giám đốc quan hệ đối tác tại Firework - một giải pháp thương mại mua sắm qua video, cho biết mối quan tâm của Apple đối với thanh toán và ngân hàng chủ yếu là để mở rộng phạm vi tiếp cận của iPhone, để tăng thêm sự tiện lợi nhưng cũng để giữ người dùng ở lại trong  đến hệ sinh thái Apple.

Bà Wang nói: “Nếu tôi đang sử dụng tất cả dịch vụ này từ Apple, thì khả năng tôi chuyển sang Android sẽ ít hơn. Những gì họ quan tâm là một cái gì đó rất khác với các ngân hàng”.

Theo Boe Hartman, cựu giám đốc công nghệ của bộ phận bán lẻ tại Goldman và là người đã xây dựng cơ sở hạ tầng cho Apple Card, các công ty lớn đương nhiệm chắc chắn cần phải biết rõ về những gì Apple đang làm. Tuy nhiên, ông dự đoán Apple sẽ không sớm triển khai Bank of Cupertino.

Ông nói: “Các ngân hàng phải đáp ứng được các quy định thay đổi liên tục và bạn phải chứng minh rằng bạn đang tuân thủ quy định đó mỗi ngày. Google hay Apple chỉ muốn trải nghiệm để phục vụ người dùng, khiến người dùng gắn bó hơn với hệ sinh thái của họ. Đó là những gì họ muốn. Họ không muốn đối mặt với những quy định vì chúng rất khó khăn và phức tạp”.

Amit Daryanani, một nhà phân tích tại Evercore ISI, cho biết tham vọng của Apple chắc chắn chỉ giới hạn trong vấn đề trải nghiệm của khách hàng, và họ sẽ giao nó cho những bên khác để xây dựng cơ sở hạ tầng hoặc đối phó với rủi ro tín dụng và các quy định.

Điều đó buộc Apple phải tiếp cận ngân hàng một cách chọn lọc hơn, với biên lợi nhuận cao hơn và ít vốn đầu tư hơn. Để làm được điều đó, họ phải nhúng các công cụ vào hệ điều hành của iPhone, thay vì sử dụng một ứng dụng riêng biệt mà người dùng phải tìm và tải xuống.

Một cựu giám đốc điều hành của Apple cho biết chi phí để có được khách hàng mới cho Apple Card thấp hơn mọi công ty thẻ tín dụng khác, bởi vì họ có rất nhiều kênh phân phối. Ví dụ, Apple đã nhắc nhở người dùng đăng ký Apple Pay trong nhiều năm, thậm chí còn đưa ra thông báo màu đỏ trong menu cài đặt, ngụ ý rằng có điều gì đó không ổn nếu dịch vụ này không được cài đặt.

Jennifer Bailey, người đứng đầu của Apple Pay, đã nói vào năm 2016 rằng Apple đang trên một hành trình dài và tốt đẹp để thay thế chiếc ví điện tử này.

Theo Kim Schwendeman, phó chủ tịch cấp cao phụ trách áp dụng thanh toán tại Stax - một nền tảng thanh toán dành cho các doanh nghiệp nhỏ, các chiến thuật tương tự có thể mang lại lợi thế cho chương trình Apple Pay Later.

Bà nói: “Những người dùng có Apple Pay có thể dễ dàng tận dụng ứng dụng đó và vay tiền. Đối với một số doanh nghiệp lâu đời hơn, trải nghiệm họ mang lại không được dễ dàng như vậy”.

Apple cũng có một lợi thế dài hạn khác về dữ liệu người dùng iPhone. Dữ liệu này có khả năng được sử dụng để đánh giá rủi ro tín dụng toàn diện hơn so với điểm Fico truyền thống. Apple dường như bắt đầu quan tâm tới vấn đề này khi mua Credit Kudos, một startup chấm điểm tín dụng thay thế ở Anh vào năm ngoái.

Charlotte Principato, nhà phân tích tại Morning Consult, cho rằng nếu dữ liệu đó được triển khai để đánh giá rủi ro, thì nó có thể rất hiệu quả trong việc đưa ra các quyết định tín dụng thông minh. “Bạn càng có nhiều thông tin về người dùng, bạn càng có thể đưa ra các quyết định cho vay tốt hơn. Và Apple rõ ràng đang ngồi trên một núi dữ liệu”.

Kim Dung (Theo FT)

Thiết kế: Thu Minh

FILI

Tin cùng chuyên mục