Chủ tịch Lộc Trời: Nông dân sẽ nhận toàn bộ doanh thu bán tín chỉ carbon

“Net Zero sẽ giúp Việt Nam gia nhập vào thị trường tín chỉ carbon trên thế giới, từ đó gia tăng thu nhập cho nông dân. Tối ưu lợi nhuận cho nông dân cũng là một trong những sứ mệnh mà Lộc Trời theo đuổi” - trích lời của doanh nhân Huỳnh Văn Thòn.

Lúa gạo đang ngày càng khẳng định vị thế là ngành chủ lực của nền nông nghiệp nước ta, thể hiện qua những con số ấn tượng về sản lượng và giá trị xuất khẩu.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu gần 8.3 triệu tấn gạo, mang về 4.78 tỷ USD - mức cao kỷ lục trong hơn 30 năm xuất khẩu gạo của Việt Nam. Dù đã đạt được nhiều thành tích ấn tượng, sự phát triển của ngành lúa gạo nước ta vẫn được cho là chưa bền vững. Những hàng rào kỹ thuật, câu chuyện tiêu chuẩn xanh hay xanh hóa sản xuất được nhắc đến suốt năm 2023.

Tại hội nghị COP 26, Thủ tướng Chính phủ đã ký cam kết phấn đấu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 (Net Zero). Có thể thấy, ngành lúa gạo Việt Nam đang đứng trước rất nhiều khó khăn và yêu cầu phải “chuyển mình”.

Nhân dịp này, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Lộc Trời (UPCoM: LTG) về câu chuyện sản xuất lúa chất lượng, giảm phát thải, phát triển theo hướng xanh và bền vững.

Trồng lúa phát thải khí nhà kính ở công đoạn nào, thưa ông? Đâu là thời điểm khiến Lộc Trời nhận thấy sản xuất lúa gạo đang không “bền vững” và cần một sự thay đổi mang tính chiến lược?

Ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch HĐQT LTG: Trồng lúa tiêu tốn tài nguyên thiên nhiên và phát thải khí nhà kính thông qua sử dụng phân bón, đốt hoặc vùi rơm rạ vào đất, sử dụng lúa giống liên tục.

Lộc Trời đã nhận thấy việc sản xuất lúa gạo không bền vững từ nhiều năm nay và chúng tôi đã có những biện pháp cùng quy trình canh tác giảm phát thải được nghiên cứu, thực nghiệm và nhân rộng ra các cánh đồng lớn.

Với việc đạt 100 điểm tuyệt đối theo mô hình canh tác lúa bền vững SRP, Lộc Trời hiện là doanh nghiệp đầu tiên tạo được tín chỉ carbon cho cây lúa tại Việt Nam. Xin ông chia sẻ chi tiết hơn về mô hình canh tác SRP này và các thang điểm đánh giá như thế nào?

SRP là tổ chức do Chương trình môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) và Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) đồng sáng lập vào tháng 12/2011. Đây là một liên minh đa đối tác toàn cầu, gồm hơn 100 thành viên tổ chức từ các cơ quan chính phủ, đơn vị tư nhân, viện nghiên cứu, tổ chức phi lợi nhuận. Liên minh có mục đích chuyển đổi ngành lúa gạo toàn cầu bằng cách cải thiện sinh kế của các hộ sản xuất nhỏ, giảm tác động đến xã hội, môi trường và khí hậu. Tiêu chuẩn SRP mang lại cho các hộ sản xuất nhỏ nhiều lợi ích khác nhau như năng suất được cải thiện, chi phí sản xuất thấp hơn, thu nhập ròng tăng, chất lượng gạo an toàn hơn, nông dân và công nhân khỏe mạnh hơn, sử dụng ít nước hơn và giảm thiểu phát thải khí nhà kính (GHG).

SRP thiết lập 41 yêu cầu, được cấu trúc theo 8 chủ đề chính, bao gồm: quản lý trang trại, trước khi gieo trồng, sử dụng nước, quản lý dinh dưỡng, quản lý dịch hại, thu hoạch và sau thu hoạch, sức khỏe và an toàn lao động cũng như quyền lao động, tạo nên hệ thống tính điểm theo thang điểm 0-100.

SRP cũng thiết lập hệ thống đánh giá, xác nhận và truy xuất nguồn gốc gạo SRP với 3 cấp độ: xác nhận nội bộ, xác nhận bởi người có chứng nhận SRP và tự công bố điểm số, xác nhận bởi bên thứ ba được ủy thác bởi SRP và được cấp con dấu “SRP verified” nếu đạt yêu cầu (cấp xác nhận cao nhất).

Quá trình tạo tín chỉ carbon của Lộc Trời khác biệt gì so với những doanh nghiệp khác?

Về mặt kỹ thuật, quá trình tạo tín chỉ carbon của Tập đoàn Lộc Trời không khác biệt gì so với các doanh nghiệp khác. Cơ bản, tín chỉ carbon từ quá trình canh tác lúa được tạo ra trên cơ sở giảm sử dụng nước, tăng số lần mặt ruộng khô trong suốt vụ, giảm phân đạm, xử lý rơm rạ đúng cách.

Về nhân lực, Tập đoàn Lộc Trời có đội ngũ cán bộ kỹ thuật nông nghiệp (đội ngũ “3 cùng” - cùng ăn, cùng ở, cùng làm), được đào tạo bài bản về kỹ thuật nông nghiệp và bảo vệ thực vật, có hiểu biết và kinh nghiệm thực tiễn đồng ruộng, có mối liên kết chặt chẽ với nông dân vùng nguyên liệu, sẵn sàng hỗ trợ nông dân trong việc áp dụng kỹ thuật mới, các tiêu chuẩn tiên tiến trong canh tác lúa bền vững, giảm phát  thải khí nhà kính.

Về quy mô triển khai, Tập đoàn Lộc Trời có lợi thế về vùng nguyên liệu rộng khắp Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), liên kết sản xuất và tổ chức thu mua lúa cho nông dân hơn 15 năm. Việc liên kết này đã hình thành khả năng tiếp cận và ứng dụng kỹ thuật tiên tiến, nâng cao nhận thức của nông dân trong việc áp dụng công nghệ để giảm ảnh hưởng của canh tác lúa gạo đến môi trường và sức khỏe người lao động.

Công ty nhìn nhận thế nào về cơ hội của ngành nông nghiệp khi tham gia thị trường tín chỉ carbon?

Thị trường tín chỉ carbon được đánh giá rất tiềm năng và là xu hướng tất yếu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Mỗi năm, ngành nông nghiệp có khả năng tạo ra khoảng 57 triệu tín chỉ carbon, với con số này, doanh thu thu về từ tín chỉ carbon dự kiến đạt hàng trăm triệu USD mỗi năm.

Năm 2023, ngành lâm nghiệp đã bán thành công 10.3 triệu tín chỉ carbon rừng thông qua Ngân hàng Thế giới với giá 5 USD/tín chỉ, thu về 51.5 triệu USD. Đây là minh chứng rõ ràng nhất về tiềm năng thị trường tín chỉ carbon, “bán không khí - thu tiền thật” để chúng ta tiếp tục vững vàng theo đuổi mục tiêu này.

 

Lộc Trời tính toán gì với nguồn thu tín chỉ carbon? Tiền thu được có  chia cho người dân hay không?

Tháng 9/2023, HĐQT Tập đoàn Lộc Trời đã thông qua nghị quyết về chia sẻ lợi nhuận cho nông dân khi gia nhập vào thị trường tín chỉ carbon. Cụ thể, Lộc Trời cam kết toàn bộ nguồn thu từ việc bán tín chỉ carbon, sau khi trừ chi phí đầu tư và chi phí chứng nhận, sẽ thuộc về bà con nông dân. Ngoài ra, Lộc Trời cũng cam kết đóng góp cho nhà nước 30% tín chỉ và chỉ bán 70% số tín chỉ do mình tạo ra.

Gần đây, Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030", trong đó có đề ra mục tiêu đến năm 2025, lợi nhuận bình quân của người trồng lúa đạt trên 35% và đến năm 2030 là trên 40%. Vậy, bài toán tăng lợi nhuận trồng lúa trong mối liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp sẽ được giải ra sao?

Nông dân liên kết sản xuất lúa với Lộc Trời đều đạt lợi nhuận cao nhờ vào quy trình canh tác khoa học, các bộ giải pháp chăm sóc và bảo vệ cây trồng toàn diện, nguồn giống chất lượng cao và ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trên cánh đồng... Vì vậy, nông dân liên kết sản xuất cùng Lộc Trời luôn có lợi nhuận từ 30 - 50% mỗi vụ; năm 2023 ghi nhận giá lúa đạt kỷ lục, điều này đồng nghĩa lợi nhuận của nông dân cũng đạt kỷ lục. Chính vì vậy, mục tiêu lợi nhuận người trồng lúa đạt 35% năm 2025 và 40% năm 2030 của đề án 1 triệu ha là hoàn toàn khả thi và tối ưu lợi nhuận cho nông dân là một trong những sứ mệnh mà Lộc Trời theo đuổi.

Để góp phần thúc đẩy việc sớm hình thành thị trường carbon cũng như chinh phục mục tiêu Net Zero tại Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL, về phía Lộc Trời có kiến nghị gì không?

Việt Nam cần nhanh chóng thử nghiệm và hoàn thiện hệ thống MRV để làm cơ sở cấp tín chỉ carbon, đủ điều kiện gia nhập vào thị trường thế giới.

Nhà nước cần xây dựng cơ chế vận hành và quản lý thị trường cũng như phương thức giao dịch giữa các doanh nghiệp trong nước hoặc quốc tế. Bên cạnh đó, quy hoạch vùng trồng liền mảnh, tập huấn cho nông dân các quy trình canh tác khoa học, khuyến khích sử dụng giống xác nhận, bộ giải pháp chăm sóc và bảo vệ cây trồng toàn diện.

Các ngân hàng/tổ chức tín dụng cần có những chính sách ưu đãi về vốn hợp lý cho các doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi để đầu tư vật tư nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp cho nông dân. Ngoài ra, cần có nguồn tài chính để đầu tư dài hạn vào các nhà máy, kho bãi để mở rộng hoạt động sản xuất theo cánh đồng lớn.

Công ty có kế hoạch mở khóa đào tạo nhân lực cho thị trường tín chỉ carbon?

Lộc Trời đã thành lập Ban Phát triển bền vững và có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực với mục tiêu xây dựng các cánh đồng canh tác lúa giảm phát thải, cũng như thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn kỹ thuật cho đội ngũ kỹ thuật viên nông nghiệp “3 cùng”, nghiên cứu/ứng dụng các mô hình canh tác khoa học, phát thải thấp… bởi Lộc Trời hiểu rằng con người là yếu tố then chốt để thay đổi và phát triển, hướng đến mục tiêu chung và sẵn sàng gia nhập thị trường tín chỉ carbon trong tương lai.

Định hướng 5 năm tới và tầm nhìn dài hạn của Lộc Trời? Tín chỉ carbon sẽ đưa năng lực cạnh tranh của Lộc Trời đến đâu, đặc biệt là khi xuất khẩu?

Hiện tại, Lộc Trời đủ khả năng tạo ra tín chỉ carbon trên cây lúa. Tập đoàn cũng tiếp tục nghiên cứu, khảo nghiệm và ứng dụng các mô hình canh tác lúa bền vững, bám vào mục tiêu giảm phát thải.

Khi thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam chính thức khởi động và gia nhập với thế giới, năng lực cạnh tranh của Lộc Trời sẽ tăng mạnh. Các đối tác nước ngoài khi đó sẽ đánh giá thông qua nhiều yếu tố, trong đó có khả năng trung hòa carbon của Lộc Trời trước khi bắt tay hợp tác/xuất khẩu.

Song song việc xác lập tín chỉ carbon, Tập đoàn Lộc Trời cũng thực hiện xác nhận nhãn “gạo phát thải thấp” cho các dòng sản phẩm xuất khẩu sang thị trường châu Âu và Mỹ, tạo lợi thế cạnh tranh và đón đầu xu thế đánh thuế carbon đối với mặt hàng nhập khẩu vào các quốc gia này. Bên cạnh đó, các hoạt động sản xuất xanh cũng đóng góp đáng kể vào hồ sơ phát triển bền vững của doanh nghiệp muốn vươn tầm quốc tế.

Xin cảm ơn ông!

Thế Mạnh

FILI

Tin cùng chuyên mục