Ca sĩ “Chiếc khăn gió ấm” Khánh Phương tham gia HĐQT công ty bất động sản, cổ phiếu tăng 840% dù thua lỗ

Ca sĩ “Chiếc khăn gió ấm” Khánh Phương tham gia HĐQT công ty bất động sản, cổ phiếu tăng 840% dù thua lỗ

ĐHĐCĐ bất thường mới đây của CTCP Sông Đà 1.01 (UPCoM: SJC) đã bầu ra HĐQT mới, trong đó xuất hiện một số nhân vật đáng chú ý như ca sĩ “Chiếc khăn gió ấm” Phạm Khánh Phương.

Dù kết quả kinh doanh bết bát, cổ phiếu bị hạn chế giao dịch, giá cổ phiếu SJC liên tiếp ghi nhận những phiên xanh - tím, thanh khoản theo đó cũng tăng đáng kể.

Kinh doanh thua lỗ, nợ chồng chất nhưng cổ phiếu vẫn tăng trần liên tiếp

SJC thành lập vào năm 2003, hoạt động trong lĩnh vực xây lắp, kinh doanh bất động sản. Một số dự án do SJC làm chủ đầu tư có thể kể đến như chung cư cao cấp Vinafor, Eco Green Tower, Hemisco Xala và tòa nhà CT1 Văn Khê.

SJC từng là một trong những doanh nghiệp niêm yết trên HNX từ rất sớm, vào những năm 2007 - 2008. Đến năm 2014, Công ty có vốn điều lệ 72.3 tỷ đồng và giữ nguyên cho đến nay.

Đến ngày 24/06/2021, cổ phiếu SJC bị hủy niêm yết trên HNX do vi phạm chậm nộp BCTC năm trong ba năm liên tiếp từ 2018 - 2020, buộc phải xuống sàn UPCoM. 02/07/2021 là ngày SJC giao dịch đầu tiên trên sàn này với giá 1,400 đồng/cp. Tuy nhiên, SJC chỉ được giao dịch vào thứ 6 hàng tuần, do chưa khắc phục nguyên nhân dẫn đến tình trạng hạn chế giao dịch.

Đầu tháng 05/2022, cổ phiếu SJC tiếp tục duy trì diện hạn chế giao dịch do Công ty chậm công bố thông tin quá 45 ngày so với thời hạn quy định chung đối với BCTC năm 2021 đã được kiểm toán và không có biện pháp khắc phục. Đến giữa tháng 01/2023, việc hạn chế giao dịch của cổ phiếu SJC vẫn tiếp diễn.

Kết quả kinh doanh của SJC cũng không mấy khả quan khi 9 tháng đầu năm 2022, Công ty lỗ ròng hơn 144 triệu đồng, trong khi cùng kỳ năm trước đó lãi hơn 2.5 tỷ đồng. Được biết, SJC có lãi trong năm 2021 là nhờ hoàn thành quyết toán chuyển nhượng dự án bất động sản, nhờ đó bù đắp được chi phí quản lý. Tính đến cuối tháng 09/2022, SJC lỗ lũy kế gần 1.6 tỷ đồng. Nợ phải trả lên đến hơn 1,500 tỷ đồng, chiếm 94% tổng nguồn vốn. Nợ tập trung vào nợ vay gần 528 tỷ đồng và doanh thu chưa thực hiện dài hạn gần 700 tỷ đồng.

Nguồn: VietstockFinance (Đvt: Tỷ đồng)
Nguồn: VietstockFinance (Đvt: Tỷ đồng)

Dù kết quả kinh doanh thua lỗ, diễn biến cổ phiếu SJC lại trái ngược. Từ phiên 26/08 - 30/12/2022, cổ phiếu SJC ghi nhận chuỗi 18 phiên tăng liên tiếp, trong đó có đến 17 phiên tăng trần. Qua đó, từ mức giá chỉ 1,900 đồng/cp đã nhanh chóng vọt lên mức 17,900 đồng/cp, tương ứng tăng hơn 842%, vào phiên 30/12/2022. Qua tuần đầu tiên của năm 2023, cổ phiếu này giảm hơn 7%, còn 16,500 đồng/cp.

Bên cạnh thị giá, thanh khoản SJC trong giai đoạn tăng giá cũng tăng lên trung bình 29,123 cp/phiên, trong khi từ đầu năm 2022 đến cuối tháng 8 chỉ hơn 15,000 cp/phiên.

Diễn biến giá cổ phiếu SJC từ đầu năm 2022 đến nay
Nguồn: VietstockFinance

Ca sĩ Khánh Phương cùng nhóm Nhật Nam Group tham gia HĐQT

Giá cổ phiếu SJC tăng vọt trong bối cảnh Công ty này tổ chức ĐHĐCĐ bất thường ngày 31/12/2022 với nhiều nội dung quan trọng, trong đó đáng chú ý nhất là việc tái cấu trúc toàn bộ HĐQT.

Đại hội thông qua việc miễn nhiệm toàn bộ 3 thành viên HĐQT gồm ông Phạm Thanh Phong (Chủ tịch), ông Tạ Văn Trung (kiêm Giám đốc) và ông Nguyễn Bình Đông (kiêm Phó Giám đốc). Ngoài ra, số thành viên HĐQT của SJC nhiệm kỳ 2022 - 2027 cũng được tăng từ 3 lên 5 thành viên.

Đáng chú ý là trường hợp của ông Nguyễn Bình Đông. Cá nhân này không được xem là miễn nhiệm vì được bổ nhiệm vào HĐQT mà không thông qua ĐHĐCĐ. Theo giải thích của SJC, trong thời gian từ tháng 11/2018 đến nay, do Công ty gặp nhiều khó khăn nên chưa thể tổ chức ĐHĐCĐ để kiện toàn bộ máy quản lý. Do đó, trường hợp bức thiết, HĐQT thống nhất bổ nhiệm bà Nguyễn Như Mai vào HĐQT từ ngày 01/11/2018 - 08/07/2019. Sau khi bà Mai miễn nhiệm, ông Đông được bổ nhiệm thay thế cho đến ngày ĐHĐCĐ bất thường 31/12/2022.

HĐQT mới của SJC gồm bà Vũ Thị Thúy (sinh năm 1983, thường trú tại Hà Nội), ông Phạm Khánh Phương (sinh năm 1981, TPHCM), ông Trịnh Văn Tôn (sinh năm 1984, Thái Bình), ông Nguyễn Văn Đức (sinh năm 1982, Hà Nội) và ông Tạ Văn Trung (sinh năm 1956, Hà Nội).

Trừ ông Trung từng làm việc cho HĐQT SJC nhiệm kỳ trước, các cá nhân còn lại đều đang kinh doanh tự do và không thuộc biên chế của bất kỳ Công ty nào. Ngoài ra, trước đó còn có ông Lã Đình Khôi (sinh năm 1987, Ninh Bình) cũng tham gia ứng cử vào HĐQT SJC nhưng không trúng cử.

Thông tin về các Thành viên HĐQT mới của SJC cho thấy nhiều điều thú vị.

Ông Phạm Khánh Phương là cổ đông lớn của SJC, sở hữu 24.26% cổ phần. Từ ngày 28/10/2022, sau khi mua gần 3.2 triệu cp chỉ trong 1 phiên, ông Phương trở thành cổ đông lớn của Công ty với tỷ lệ sở hữu 45.51%. Sau 3 lần giao dịch mua bán tiếp theo, đến nay phần sở hữu của ông giảm còn gần 1.7 triệu cp SJC, tương đương 24.26%.

Thông tin ứng cử vào HĐQT SJC của ca sĩ “Chiếc khăn gió ấm” Phạm Khánh Phương.

Tương tự, bà Thúy cũng đang là cổ đông lớn của SJC với tỷ lệ sở hữu 23.53%, sau khi mua vào hơn 1.6 triệu cp SJC vào phiên 25/11/2022, ước tính giá trị giao dịch khoảng 12 tỷ đồng. Dù theo sơ yếu lý lịch, bà Thúy hiện đang kinh doanh tự do, nhưng theo tìm hiểu của người viết, bà đang là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Thương mại Bất động sản Nhật Nam (hay Nhật Nam Group). Doanh nghiệp thành lập tháng 07/2019, hiện có vốn điều lệ 80 tỷ đồng. Các cổ đông sáng lập gồm bà Thúy, ông Vũ Đức Tại, ông Mai Thanh Tùng.

Bên cạnh bà Thúy, ông Tôn và ông Đức cũng đang là Phó Tổng giám đốc và thành viên Ban chiến lược của Nhật Nam Group. Ông Đức còn đồng thời là Tổng Giám đốc CTCP Nam Nhật Khang - một công ty kinh doanh bất động sản khác.

Các Thành viên HĐQT còn lại, theo sơ yếu lý lịch, đều không sở hữu bất kỳ cổ phần nào tại SJC. Tuy nhiên, tại thời điểm 30/09/2022, SJC ghi nhận khoản phải thu ngắn hạn gần 47 tỷ đồng đối với ông Trung.

Sau cuộc họp, HĐQT mới của SJC đã bầu bà Thúy làm Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật công ty, đồng thời là người thực hiện công bố thông tin.

Tân Chủ tịch SJC Vũ Thị Thúy (thứ hai, từ phải sang) ra mắt HĐQT tại ĐHĐCĐ bất thường

Bên cạnh biến động trong HĐQT, ĐHĐCĐ của SJC cũng thông qua giải thể Ban Kiểm soát, đồng thời miễn nhiệm chức vụ Trưởng Ban Kiểm soát của ông Lê Trung Hiếu. Thay vào đó, SJC sẽ chuyển sang mô hình quản trị có Ủy ban Kiểm toán nội bộ. Tuy nhiên, thành viên của ủy ban vẫn chưa được công bố.

Vào ngày tổ chức ĐHĐCĐ bất thường, các cá nhân thuộc HĐQT và Ban Kiểm soát bị miễn nhiệm đều không có mặt.

Trong một diễn biến khác, một ngày trước khi Đại hội diễn ra, Kế toán trưởng của SJC Ngô Thị Ánh Nam đã nộp đơn từ chức vì lý do sức khỏe. Dù vậy, đến nay, việc thông qua đơn từ nhiệm của bà Nam và bổ nhiệm nhân sự mới vẫn chưa được SJC công bố.

Ngoài những thay đổi của bộ máy lãnh đạo, đại hội SJC cũng thảo luận một số nội dung liên quan đến hoạt động kinh doanh. SJC cho biết sẽ chấm dứt hoạt động toàn bộ 3 chi nhánh trực thuộc Công ty với lý do các chi nhánh này nhiều năm qua không đạt hiệu quả và ban lãnh đạo SJC cũng muốn tinh giản lại bộ máy Công ty. Dù là  3 chi nhánh, tất cả đều có cùng địa chỉ tại trụ sở ở tầng 4, tòa nhà CT1 Văn Khê, quận Hà Đông, Hà Nội.

Còn tiếp…

Kỳ 2: Lận đận với 2 dự án lớn, SJC còn có gì?

Hà Lễ

FILI