Khủng hoảng năng lượng và sự sống còn của công nghiệp châu Âu

Doanh nghiệp và chính trị gia đang lo sợ một làn sóng phi công nghiệp hoá mà khủng hoảng năng lượng có thể gây ra ở châu Âu.

Trong bối cảnh các doanh nghiệp ở châu Âu rơi vào tình trạng thiếu năng lượng, công nhân tại một nhà máy ở miền đông nam nước Pháp có thêm một tủ quần áo mùa đông mới.

Saint-Gobain, tập đoàn vật liệu xây dựng của Pháp, đã đặt mua áo khoác và găng tay siêu ấm cho nhân viên tại nhà kho của họ ở thị trấn Chambéry, sau khi đồng ý giảm sử dụng hệ thống sưởi vào mùa đông này. Để cắt giảm lượng tiêu thụ khí đốt, nhiệt độ tại nhà kho của họ sẽ được để ở gần 8 độ C, thay vì 15 độ C như bình thường.

Benoit d’Iribarne, Phó Chủ tịch cấp cao mảng sản xuất của tập đoàn, cho biết: “Nó sẽ giống như bạn đang làm việc ngoài trời nên chúng tôi phải cung cấp cho họ tất cả công cụ cần thiết để có thể làm việc ở môi trường như thế”.

Hạ máy điều hoà nhiệt độ là cách tiết kiệm chi phí mà nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp ở châu Âu áp dụng để tồn tại qua một mùa đông khắc nghiệt. Trong điều kiện giá năng lượng lên cao chưa từng thấy sau khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, đây rõ ràng đã trở thành vấn đề sống còn.

Lĩnh vực công nghiệp của châu Âu sử dụng khoảng 35 triệu người, tương đương khoảng 15% dân số trong độ tuổi lao động. Đầu tháng 10/2022, các nhà tư bản công nghiệp hàng đầu của khu vực này đã cảnh báo cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại có thể tàn phá kinh tế châu Âu. 

“Giá năng lượng tăng mạnh khiến khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp tiêu thụ năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp tại châu Âu bị suy giảm đáng báo động”, Hội đồng Công nghiệp châu Âu cho biết trong một bức thư gửi Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Ursula von der Leyen và người đứng đầu Hội đồng châu Âu Charles Michel. Nếu không hành động ngay lập tức để áp trần giá khí đốt dành cho các doanh nghiệp thâm dụng năng lượng, thiệt hại sẽ không thể khắc phục được, theo đánh giá của tổ chức này.

Nhìn bề ngoài, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp của châu Âu đang tỏ ra rất kiên cường khi nói về kế hoạch tiết kiệm năng lượng cũng như cắt giảm chi phí. Trong khi một số doanh nghiệp trở lại dùng than đá và các nhiên liệu hoá thạch khác để vượt qua mùa đông, số khác vẫn lạc quan rằng cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại đang thúc đẩy cuộc cách mạng xanh.

Tuy nhiên, có bằng chứng cho thấy các công ty lớn đang giảm sản lượng trong một số lĩnh vực do thiếu hụt năng lượng, ngay cả trước khi mùa đông bắt đầu. Lãnh đạo của một loạt doanh nghiệp, từ mảng hoá chất tới phân bón, gốm sứ, đều cảnh báo rằng họ có nguy cơ mất thị phần vĩnh viễn và có thể phải chuyển một phần dây chuyền sản xuất sang các khu vực khác trên thế giới, là những nơi có thể có nguồn cung năng lượng rẻ hơn và đảm bảo hơn.

Những hồi chuông cảnh báo đặc biệt đã vang lên trong giới chính khách châu Âu. Alexander De Croo, Thủ tướng Bỉ, cho biết: “Chúng ta đang có nguy cơ trải qua thời kỳ phi công nghiệp hóa lớn ở lục địa này”.

Doanh nghiệp trong các lĩnh vực từ thép, hoá chất, gốm sứ đến sản xuất giấy, phân bón, ô tô, đang chạy đua để giảm tiêu thụ năng lượng, vừa để cắt giảm hoá đơn vừa để chuẩn bị cho tình trạng thiếu khí đốt trong mùa đông sắp tới, nếu các chính phủ áp dụng chính sách phân phối theo định mức.

Nhiều doanh nghiệp đang tìm cách giảm tiêu thụ năng lượng một cách khéo léo. Ví dụ, hãng ô tô Renault của Pháp đang giảm thời gian giữ sơn nóng, một quy trình chiếm tới 40% nhu cầu khí đốt của họ.

Những doanh nghiệp có thể làm như vậy lại đang tăng giá sản phẩm. Công ty hoá chất Lanxess có trụ sở tại Cologne – chuyên sản xuất hoá chất cơ bản và chất hoạt tính cho ngành dược phẩm – đã tăng giá cơ bản 35% khi hoá đơn năng lượng bắt đầu tăng mạnh.

Tuy nhiên, việc tăng giá sản phẩm sẽ không giải quyết được vấn đề thiếu khí đốt. Tập đoàn sản xuất giấy và bao bì DS Smith đã yêu cầu các nhà máy của họ cắt giảm tiêu thụ năng lượng 15%, mức giảm tự nguyện được các nước thành viên EU đồng ý hồi tháng 07/2022. Những cỗ máy từng nghỉ chạy giữa các đợt sản xuất sẽ bị tắt hoàn toàn và máy điều hoà nhiệt độ cũng sẽ được hạ xuống. “Nếu làm như thế và giảm điều hoà nhiệt độ từ 20 độ C xuống 18.5 độ C, chúng ta sẽ giảm được đáng kể lượng tiêu thụ khí đốt”, Miles Robert, CEO của DS Smith, cho biết.

Valeo, nhà cung cấp ô tô của Pháp, cũng yêu cầu các nhà máy giảm tiêu thụ năng lượng 20%, bằng một số biện pháp như ngừng sản xuất vào cuối tuần và giảm nhiệt độ trong tuần. Solvay, công ty hoá chất của Bỉ, cho biết đang sắp xếp để các nhà máy hoạt động với lượng khí đốt ít hơn 30%, bằng cách sử dụng năng lượng tái tạo và các lò hơi chạy bằng diesel di động.

Khí đốt là nguồn năng lượng quan trọng nhất đối với các công ty công nghiệp ở châu Âu. Khí đốt cũng là một nguyên liệu quan trọng được sử dụng trong các ngành hoá chất và phân bón. Tính chung, lĩnh vực công nghiệp tiêu thụ khoảng 27 – 28% tổng nguồn cung khí đốt của châu Âu, theo Anouk Honoré, phó giám đốc chương trình nghiên cứu khí đốt tại Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford.

Tuy nhiên, cắt giảm khí đốt ra khỏi nhiều quy trình công nghiệp không phải là điều dễ dàng. Khoảng 60% lượng tiêu thụ khí đốt trong lĩnh vực công nghiệp là dành cho các quá trình cần nhiệt độ cao từ 500 độ C trở lên, chẳng hạn như sản xuất thuỷ tinh, xi măng hoặc gốm sứ. Với các quy trình cần nhiệt độ thấp hơn, có thể sử dụng năng lượng tái tạo và máy bơm nhiệt thay thế.

Vì vậy, một số doanh nghiệp đang chuyển sang sử dụng nhiên liệu hoá thạch, dù nó là trở ngại cho kế hoạch chuyển đổi xanh của EU. Bayer, công ty dược phẩm và công nghệ sinh học của Đức, vào năm 2019 công bố kế hoạch chuyển hoàn toàn sang năng lượng tái tạo, song hiện tại, họ đã tái sử dụng than để đề phòng không thể đáp ứng nhu cầu nhiệt cho sản xuất.

Hãng ô tô Volkswagen sẽ sử dụng than để vận hành các nhà máy điện ở Wolfsburg, cơ sở lớn nhất của hãng, trong hai mùa đông tới, thay vì chuyển sang sử dụng khí đốt như kế hoạch khử cacbon.

Ngay cả với các quy tình công nghiệp ở nhiệt độ thấp hơn, năng lượng tái tạo cũng khan hiếm một cách bất thường vào thời điểm hiện tại. Hạn hán vào mùa hè năm nay đã kéo giảm công suất thuỷ điện, trong khi các lò phản ứng hạt nhân cũ kỹ của Pháp không thể đáp ứng nhu cầu do vấn đề bảo trì và do đóng cửa quá lâu.

Vì vậy, những ngành công nghiệp đang phải đối mặt với giá năng lượng cao và nhu cầu yếu đã quyết định rằng cách tốt nhất là cắt giảm sản lượng.

Các chuyên gia phân tích tại ngân hàng đầu tư Jefferies ước tính rằng một số nhà máy thép thô với tổng công suất gần 10% toàn khu vực đã không hoạt động trong những tháng gần đây. ArcelorMittal, nhà sản xuất thép lớn nhất châu Âu, dự kiến ​​sản lượng từ các nhà máy ở đây sẽ giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý 4/2022 do họ cố tình giảm sản lượng.

Tổ chức thương mại kim loại Eurometaux cho biết tất cả nhà máy luyện kẽm của EU đã phải giảm, thậm chí ngừng hoạt động hoàn toàn. Sản lượng nhôm sơ cấp của khu vực giảm 50%. Khoảng 27% sản lượng silicon và hợp kim sắt cũng bị huỷ bỏ, 40% công suất lò nung bị tạm ngừng.

Mảng phân bón, vốn sử dụng khí đốt để làm nguyên liệu tạo ra amoniac, cũng bị ảnh hưởng với 70% công suất bị huỷ bỏ, theo Fertilizers Europe. Goldman Sachs ước tính 40% mảng công nghiệp hóa chất của châu Âu có nguy cơ phải áp dụng chính sách phân phối theo định mức, trừ phi giá năng lượng được kiềm chế.

Tập đoàn hóa chất Covestro của Đức cho biết trong một tuyên bố: “Với đà tăng chóng mặt của giá năng lượng, chúng tôi phải liên tục xem xét mức sản lượng của mình trên khắp châu Âu”.

Câu chuyện tương tự cũng đang diễn ra trong ngành nhựa, gốm sứ và những ngành công nghiệp thâm dụng năng lượng khác. Công ty tư vấn Rhodium ước tính 5 lĩnh vực, gồm hóa chất, kim loại cơ bản như thép và sắt, các sản phẩm khoáng phi kim loại như xi măng và thủy tinh, lọc dầu và luyện cốc, giấy và in ấn, chiếm khoảng 81% nhu cầu khí đốt của châu Âu.

Với một số ngành trong đó, việc ngừng hoạt động tạm thời không chỉ gây tốn kém, mà gần như không thể thực hiện được vì sẽ làm hỏng thiết bị vĩnh viễn.

Saint-Gobain’s d’Iribarne cho biết các nhà máy sản xuất thuỷ tinh của họ khó có thể giảm tiêu thụ năng lượng do các lò nung phải liên tục đốt để giữ cho thủy tinh không đông đặc. “Bạn không thể giảm tiêu thụ 30% bởi vì điều đó có nghĩa là bạn sẽ phải đóng cửa và việc này sẽ gây thiệt hại cho nhà máy. Bạn sẽ cần 6 tháng đến một năm để khởi động lại”.

Trong khi đó, Arc International, hãng sản xuất đồ thủy tinh của Pháp, đã phải làm điều đó. Thông thường, các lò nung tại nhà máy của họ ở miền bắc nước Pháp cần chạy cả ngày, và chúng chiếm khoảng một nửa mức sử dụng năng lượng của nhà máy. Hiện công ty đã ngừng hoạt động 2 trong 9 lò nung và kéo dài thời gian bảo trì đối với 2 lò khác, sau khi hóa đơn khí đốt tăng gần gấp bốn lần trong năm nay.

Nicholas Hodler, giám đốc điều hành của Arc International, cho biết công ty cũng bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm đột ngột trong nhu cầu đối với một số sản phẩm. Kết quả là, khoảng 1/3 nhân viên bị đưa vào diện làm việc hai ngày một tuần.

Làn sóng ngừng hoạt động trên diện rộng làm dấy lên lo ngại rằng cuộc khủng hoảng năng lượng đang mở ra cơ hội cho các đối thủ từ những khu vực có chi phí năng lượng thấp hơn. Giovanni Savorani, Chủ tịch của Confindustria Ceramica - cơ quan thương mại của ngành gốm sứ Italy, cảnh báo: “Việc giảm hoặc ngừng xuất khẩu, mặc dù là tạm thời, có nguy cơ dẫn đến mất thị phần vĩnh viễn”.

Các nhà sản xuất châu Âu từ lâu đã phàn nàn về bất lợi cạnh tranh do tính phân mảnh của thị trường năng lượng ở EU gây ra. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, trong 10 năm đến năm 2020, giá khí đốt của châu Âu trung bình cao hơn Mỹ từ hai đến ba lần. Khoảng cách này đã tăng lên gấp 10 lần kể từ khi Nga bắt đầu cắt giảm nguồn cung.

“Bạn có thể nhập khẩu phân bón với mức giá chỉ bằng một nửa giá sản xuất của chúng tôi”, ông Jacob Hansen của Fertilizers Europe cho hay.

Cefic, cơ quan thương mại của ngành hóa chất châu Âu, chỉ ra rằng kể từ tháng 03/2022, lần đầu tiên khu vực này trở thành nhà nhập khẩu ròng hóa chất cả về khối lượng lẫn giá trị. Tổng giám đốc của Marco Mensink cho biết: “Điều này rất đáng lo ngại. Chúng tôi đang có giá quá đắt so với thế giới vì chi phí năng lượng”.

Để không mất thị phần vào đối thủ, một số doanh nghiệp bắt đầu khai thác các nhà máy chi phí thấp hơn bên ngoài châu Âu.

Ilham Kadri, Giám đốc điều hành của Solvay tại Bỉ, cho biết tập đoàn hóa chất này có thể đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm thâm dụng năng lượng ở các thị trường có chi phí thấp hơn nếu cần. “Chúng tôi là công ty toàn cầu và có thể tận dụng các tài sản bên ngoài châu Âu để bù đắp cho bất kỳ sự giảm sút nào về sản lượng ở đây”, bà nói.

Giám đốc một công ty thép của Italy cho hay chi phí năng lượng cao và chính sách thuế carbon của châu Âu buộc họ phải suy nghĩ lại về nơi sản xuất khi giá sản xuất cho 1 tấn thép có thể lên tới 800 EUR. Ông nói: “Giá khí đốt từng khiến giá thép tăng 40 EUR/tấn, con số này giờ đã tăng lên 400 EUR. Nếu chúng ta tính thêm thuế carbon, tác động tổng thể của chi phí năng lượng là 600 EUR. Việc chuyển sản xuất sang châu Á sẽ có ý nghĩa hơn rất nhiều đối với chúng tôi”.

Các công ty chuyển sản xuất ra khỏi châu Âu càng chậm thì nguy cơ họ mất hoàn toàn công suất càng lớn, giới chuyên gia cảnh báo. Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford cho biết điều này đã xảy ra trước đây.

Bà nói: “Khi giá khí đốt ở châu Âu ở mức tương đối cao trong giai đoạn năm 2010 - 2014, chúng tôi nhận thấy có hiện tượng chuyển sản xuất đến các khu vực có chi phí thấp hơn, như Trung Đông, Bắc Phi và Mỹ. Và một khi quyết định này được đưa ra, rất khó để yêu cầu các doanh nghiệp quay trở lại”.

Điều này đặc biệt đúng với những nhà sản xuất hàng hoá có tỷ suất lợi nhuận thấp, thâm dụng khí đốt như phân bón. Đây có thể sẽ là nạn nhân đầu tiên, theo ông Trevor Houser của Rhodium. “Tính kinh tế của việc sản xuất phân bón từ khí đốt tự nhiên ở châu Âu sẽ giảm xuống trong một thời gian dài”.

Mối đe doạ đặc biệt nghiêm trọng ở Trung và Đông Âu, nơi nhiều quốc gia phụ thuộc lớn vào khí đốt của Nga. Trong 45 triệu tấn phân bón mỗi năm châu Âu sản xuất ra, riêng Ba Lan sản xuất 6 triệu tấn, theo các nguồn tin trong ngành. Cả 5 nhà máy của quốc gia này đều đang không hoạt động. Số công suất 3 triệu tấn khác cũng bị huỷ bỏ ở Hungary, Romania và Croatia. Ở Đông Âu, 20% công suất sản xuất phân bón của châu Âu đã ngừng hoạt động.

Nhà sản xuất phân bón có trụ sở tại Hungary Nitrogénművek nằm trong những công ty phải thu hẹp quy mô. Zoltan Bige, giám đốc chiến lược của công ty này, cảnh báo tác động của việc cắt giảm công suất trong mùa đông năm 2022 có thể rất tàn khốc. “Nếu chúng tôi không sản xuất vào mùa hè thì sẽ không có hàng dự trữ. Như vậy, khắp châu Âu sẽ không có hàng tồn kho có sẵn vào mùa xuân khi nhu cầu bắt đầu tăng”.

Xu hướng giảm sản lượng hóa chất, thép và các sản phẩm cơ bản, quan trọng khác đang khiến những người ở cuối chuỗi giá trị ngày càng lo ngại.

Các công ty như Volvo và Bayer bắt đầu tích trữ các linh kiện và vật liệu trong trường hợp các nhà cung cấp gặp khó khăn. Ông Berninger của Bayer cho biết: “Mối quan tâm chính của chúng tôi không phải là giá năng lượng mà là sự sẵn có của các nguyên liệu đầu vào mà chúng tôi sau đó sẽ chuyển đổi thành dược phẩm”.

Tương lai của ngành công nghiệp hóa chất của châu Âu nói chung và BASF, nhà máy hoá chất tổng hợp lớn nhất thế giới, là mối quan tâm sâu sắc đối với một số nhà tư bản công nghiệp. Ludwigshafen, Đức là nơi cung cấp vật liệu chính cho các nhà sản xuất mọi thứ, từ ô tô đến kem đánh răng, và là đầu tàu của lĩnh vực hóa chất của Đức.

Ông Mensink của Cefic đánh giá: “Nếu ngành công nghiệp hóa chất của Đức đi xuống, ba tuần sau, mọi chuỗi cung ứng ở châu Âu đều gặp vấn đề”.

Việc Đức thống trị chuỗi cung ứng cho ngành công nghiệp khổng lồ ở châu Âu đồng nghĩa là, ngay cả các công ty có trụ sở ở nơi khác cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi chính sách phân phối khí đốt theo định mức của nền kinh tế này.

“Nếu Đức không có khả năng cung cấp, khắp châu Âu sẽ bị ảnh hưởng theo”, ông D’Iribarne của Saint-Gobain khẳng định.

Chiếm 27% giá trị xuất khẩu hàng công nghiệp của châu Âu, Đức đang ở tuyến đầu trong cuộc chiến với tình hình giá năng lượng cao. Đầu năm nay, hơn 50% lượng khí đốt nhập khẩu của Đức đến từ Nga và lĩnh vực công nghiệp của họ chiếm hơn 1/3 nhu cầu.

Chính phủ Đức gần đây công bố gói hỗ trợ trị giá 200 tỷ EUR để bù đắp chi phí năng lượng cao cho các hộ gia đình và doanh nghiệp. Tuy nhiên, ngành sản xuất của Đức, như hãng sản xuất thép ThyssenKrupp, không loại trừ khả năng phải hành động quyết liệt nếu cuộc khủng hoảng năng lượng tiếp diễn.

Tập đoàn đã chuyển dây chuyền sản xuất từ hai nhà máy đến nhà máy chính ở Duisburg – nơi họ vận hành mạng lưới năng lượng riêng của mình và ít phụ thuộc vào khí đốt hơn. Tập đoàn cho biết họ cũng chuẩn bị đóng cửa các nhà máy nhỏ lẻ nếu hoá đơn năng lượng tiếp tục tăng.

“Chi phí khí đốt và điện là một mối đe doạ đối với các ngành công nghiệp thâm dụng năng lượng như sản xuất thép”, Thyssenkrupp nhận định.

Các quốc gia khác có thể không có sức mạnh công nghiệp như Đức, song nền kinh tế và việc làm của họ lại phụ thuộc nhiều hơn vào sản xuất. OECD ước tính Ba Lan, Cộng hòa Séc, Slovakia, Áo Slovenia, Thụy Điển, Phần Lan và miền bắc Italy có tỷ lệ việc làm trong các ngành thâm dụng khí đốt cao nhất.

Những quốc gia này đang nhanh chóng cung cấp các gói hỗ trợ cho lĩnh vực công nghiệp và công dân của họ khi thời tiết trở lạnh và nhu cầu năng lượng tăng lên. Nhưng nhiều công ty đã nhìn xa hơn tới mùa đông tiếp theo và dự đoán tình hình thậm chí khó khăn hơn. “Sang năm 2023 – 2024, nguồn cung khí đốt mới sẽ tăng lên, song hạ tầng còn lâu mới có thể bắt kịp”, ông Bige của Nitrogénművek cho hay.

CEO của Arc International cho biết khả năng tăng giá sản phẩm trong năm tới sẽ bị hạn chế. Ông nói: “Câu hỏi thực sự là liệu vào năm 2023, chi phí năng lượng có tiếp tục gia tăng đáng kể hay không. Chúng tôi sẽ không thể chuyển tất cả phần chi phí gia tăng đó cho khách hàng của mình mà gây ra tác động đáng kể về đơn hàng”.

Nhưng vẫn có những người tin rằng cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại sẽ tạo ra một nền công nghiệp xanh hơn, mạnh mẽ hơn.

Các công ty như Saint-Gobain, Solvay và Smurfit Kappa nói với Financial Times rằng họ đều đang đẩy nhanh kế hoạch chuyển đổi năng lượng vốn đang thực hiện trước xung đột Nga - Ukraine. Tony Smurfit, Giám đốc điều hành của Smurfit Kappa, cho biết công ty của ông đang chi tiêu gấp ba lần so với các kế hoạch trước đây. Vì vậy, vẫn có lý do để lạc quan.

“Điều này sẽ đẩy nhanh cuộc cách mạng xanh. 50 năm trước không có lựa chọn nào cho năng lượng xanh và bây giờ thì có. Tôi nghĩ điều này sẽ khiến châu Âu trở nên rất xanh ”, ông nói.

Kim Dung (Theo Financial Times) - Thiết kế: Thu Minh

FILI

Tin cùng chuyên mục