Tiến sĩ Hồ Quốc Lực (FMC): “Doanh nghiệp thủy sản đang thấm đòn lạm phát”

Tiến sĩ Hồ Quốc Lực (FMC): “Doanh nghiệp thủy sản đang thấm đòn lạm phát”

Lạm phát cao đang kìm hãm kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong thời gian gần đây, thậm chí nhiều doanh nghiệp còn bị yêu cầu hủy đơn hàng hoặc hoãn giao hàng.

Chia sẻ tại hội thảo “Nhu cầu và xu hướng thủy sản hậu COVID-19”, Tiến sĩ Hồ Quốc Lực, Chủ tịch CTCP Thực phẩm Sao Ta (FMC), cho rằng những doanh nghiệp xuất khẩu đều đang khốn đốn trước lạm phát.

“Doanh số xuất khẩu thủy sản như cá tra, tôm đều giảm do thấm đòn từ mức lạm phát cao ở nhiều nước trên thế giới”, ông Lực cho biết. “Hiện tại, vì lượng tiêu thụ không cao như trước nên hàng tồn kho của các nhà nhập khẩu vẫn còn rất lớn. Thậm chí, nhiều nhà nhập khẩu yêu cầu hoãn hoặc hủy hợp đồng”.

Trên thực tế, sau khi tăng nóng trong 4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thuỷ sản đã có dấu hiệu hạ nhiệt trở lại.

Theo bà Lê Hằng, Phó Giám đốc của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), nhu cầu thủy sản toàn cầu đã đạt đỉnh và sẽ giảm trong 6 tháng cuối năm 2022. Vị chuyên gia này cũng dự báo trong trường hợp xấu nhất, giá trị xuất khẩu nửa cuối năm nay sẽ ở mức 4.8-5 tỷ USD, tương đương với nửa cuối năm trước.

Bà nó thêm trong bối cảnh lạm phát cao, người tiêu dùng cũng sẽ ưu tiên cho các loài có giá vừa phải phù hợp với thu nhập đang bị sụt giảm. Tôm nhỏ, cá tra, chả cá, surimi, cá biển nhỏ vẫn có nhu cầu cao nhưng giá sẽ giảm so với nửa đầu năm.

Thế khó của doanh nghiệp ngành tôm trên đất Mỹ

Cũng tại hội thảo, Tiến sĩ Hồ Quốc Lực cũng chỉ ra vị thế của Việt Nam trong bức tranh ngành tôm thế giới. Theo ông, doanh nghiệp Việt Nam có trình độ chế biến cao nhất thế giới (bên cạnh Thái Lan) và sở hữu chuỗi giá trị tôm rất cân bằng. Tuy nhiên, khi đi ra thế giới, tôm Việt vẫn còn nhiều bất lợi, chẳng hạn như việc xuất khẩu đi Mỹ.

Theo ông Lực, Mỹ đang là thị trường có dung lượng lớn và có thể tăng mạnh hơn các thị trường khác. Vì thế, nhiều nước như Ấn Độ và Ecuador đổ xô bán hàng vào Mỹ. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt nếu muốn cạnh tranh trên đất Mỹ sẽ gặp rất nhiều bất lợi.

“Tại Việt Nam, giá mua nguyên liệu rất cao và kéo theo giá thành cũng cao. Nếu bán như Ấn Độ và Ecuador thì sẽ lỗ”, ông nói.

Bên cạnh giá thành cao, chi phí logistics cũng là một bất lợi khác của tôm Việt. Chi phí 1 container từ Việt Nam sang Mỹ mất 20,000 USD, thì với Ecuador chỉ mất 4,000 USD. "Việc gánh chi phí vận tải thấp giúp Ecuador bán với giá rẻ hơn Việt Nam", vị chuyên gia này nhận định.

Do đó, ông Hồ Quốc Lực cho rằng doanh nghiệp ngành tôm phải chuyển hướng và tìm tới thị trường phù hợp để tận dụng điểm mạnh của Việt Nam theo từng giai đoạn.

“Hiện nay, Việt Nam có 3 thị trường trọng điểm Mỹ, EU và Nhật Bản. Tuy nhiên, trong từng năm, vị thế của 3 thị trường này sẽ khác nhau. Có lúc Mỹ sẽ đứng đầu, có lúc EU sẽ đứng đầu và điều này sẽ tùy vào tình hình”, Chủ tịch FMC cho biết.

Ông chỉ tới thị trường Nhật Bản, nơi có vị trí gần Việt Nam hơn. Theo đó, việc tập trung vào thị trường gần hơn trước mắt sẽ giúp giảm được chi phí vận chuyển và không làm giá bán tăng ảo.

“Nếu chi phí vận chuyển quá cao sẽ đẩy giá bán lên cao hơn và khiến người tiêu dùng khó chấp nhận”, ông Lực cho biết. “Ngoài ra, hiện nay do nuôi khó khăn nên nguyên liệu tôm không nhiều nên doanh nghiệp có thể chế biến chậm hơn, tỉ mỉ và sâu hơn. Việc chế biến hàng kỹ càng hơn sẽ phù hợp với nhu cầu của thị trường Nhật Bản”.

Vì thế, trong 2 năm qua, FMC đã giảm tiêu thụ ở thị trường Mỹ và chuyển hướng sang tập trung vào thị trường Nhật Bản nhiều hơn.

Một động thái chuyển hướng cũng diễn ra ở CTCP Tập đoàn Minh Phú (UPCoM: MPC). Tại ĐHĐCĐ thường niên 2022, lãnh đạo Minh Phú cho biết đã giảm mạnh thị phần ở Mỹ vì chi phí bán tăng quá mạnh và Công ty sẽ chuyển hướng sang các thị trường khác có lợi nhuận tốt hơn.

Vũ Hạo

FILI