Lợi nhuận doanh nghiệp bảo hiểm tăng trưởng 2 con số

Lợi nhuận doanh nghiệp bảo hiểm tăng trưởng 2 con số

Trong năm COVID-19 thứ 2, ngành bảo hiểm phi nhân thọ vẫn duy trì được sức đề kháng trước đại dịch khi phần lớn doanh nghiệp đều báo lãi tăng trưởng 2 con số.

Lợi nhuận phân hóa trong quý 4

Quý 4/2021, các tỉnh, thành phố trên cả nước đều đã mở cửa trở lại để phát triển kinh tế sau thời gian thắt chặt giãn cách chống dịch. Tuy nhiên, phải đến cuối tháng 10, các doanh nghiệp bảo hiểm mới rục rịch khởi động lại hoạt động kinh doanh trong bối cảnh thị trường vẫn còn khó khăn.

Dữ liệu của VietstockFinance cho thấy, trong quý 4/2021, doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm của 11 doanh nghiệp khối bảo hiểm phi nhân thọ trên cả 3 sàn HOSEHNX, UPCoM đạt gần 16,680 tỷ đồng, tăng thêm 976 tỷ đồng, tương đương tăng 6% so với cùng kỳ năm trước.

Nguồn: VietstockFinance

Tuy nhiên, lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp lại tăng mạnh, gấp 4.7 lần cùng kỳ do chi phí bảo hiểm tăng chậm hơn doanh thu. Nhờ đó, tổng lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp này đã tăng 16%, đạt 1,042 tỷ đồng, dù hoạt động tài chính có lợi nhuận gộp “giậm chân tại chỗ”.

Nguồn: VietstockFinance

Xét riêng từng doanh nghiệp bảo hiểm trong ngành, mức lợi nhuận lại có sự phân hóa rõ rệt. 5/11 đơn vị báo lãi sau thuế tăng mạnh nhờ hoạt động kinh doanh bảo hiểm và tài chính tăng trưởng. Đơn cử, trong quý 4/2021, PGI giữ vị trí quán quân về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận nhờ hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng mạnh 57%, lên 230 tỷ đồng, dù lợi nhuận hoạt động tài chính giảm đến 41%, còn gần 11 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, 4/11 doanh nghiệp bảo hiểm có lãi sau thuế đi lùi do biến động nghịch chiều giữa lợi nhuận kinh doanh bảo hiểm và đầu tư tài chính.

Đáng chú ý, 2 doanh nghiệp là ABIBLI lần lượt báo lỗ 16 tỷ đồng và 29 tỷ đồng trong quý 4/2021 do lợi nhuận đầu tư tài chính giảm và gánh nặng chi phí kinh doanh bảo hiểm.

Lợi nhuận tăng trưởng 2 con số

2021 là một năm đầy khó khăn của hầu hết doanh nghiệp, song doanh thu phí bảo hiểm của khối bảo hiểm phi nhân thọ vẫn tăng đáng kể so với năm 2020, nhờ 4 nghiệp vụ chính có những yếu tố hỗ trợ.

Cụ thể, đối với 2 nghiệp vụ bán lẻ bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh là bảo hiểm xe cơ giới và bảo hiểm con người, doanh thu được thúc đẩy nhờ những chính sách mới của Nhà nước như giảm 50% phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Theo các chuyên gia, chính sách này có hiệu lực từ 01/12/2021 nên tỷ lệ tăng trưởng doanh thu bảo hiểm quý 4/2021 của 2 nghiệp vụ không cao, nhưng vẫn đạt mức cao trong cả năm 2021.

Hai nghiệp vụ bán buôn là bảo hiểm tài sản kỹ thuật và hàng hải có cơ hội tăng trưởng nhiều hơn. Đầu tư công được đẩy mạnh, giao thương hàng hóa sôi động dịp cuối năm... là đòn bẩy để 2 nghiệp vụ duy trì đà tăng trưởng doanh thu trên 10%, qua đó kéo tốc độ tăng trưởng chung của toàn ngành.

Theo dữ liệu thống kê của VietstockFinance, lũy kế cả năm 2021, lợi nhuận sau thuế của 11 doanh nghiệp khối bảo hiểm phi nhân thọ đạt 4,342 tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2020.

Nguồn: VietstockFinance

Với kết quả lợi nhuận tăng mạnh nhất trong quý 4/2021, PGI đạt gần 352 tỷ đồng lãi ròng cả năm, cao gấp đôi năm trước, nhờ lợi nhuận gộp từ kinh doanh bảo hiểm và đầu tư tài chính đều tăng.

Nguồn: VietstockFinance

Ngược lại, ABI là doanh nghiệp duy nhất có lợi nhuận sau thuế giảm trong năm 2021 với mức giảm 7% so với năm 2020, còn 273 tỷ đồng, do chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng nhanh hơn doanh thu, cộng thêm lợi nhuận tài chính đi lùi.

MIG không hoàn thành kế hoạch năm

Lũy kế cả năm 2021, MIG đạt gần 494 tỷ đồng lợi nhuận từ kinh doanh bảo hiểm (tăng 13%) và hơn 230 tỷ đồng lợi nhuận từ hoạt động tài chính (tăng 6%) nên lợi nhuận ròng đạt hơn 224 tỷ đồng, tăng 16% so với năm trước đó.

Nguồn: VietstockFinance

Tuy nhiên, so với kế hoạch đề ra, MIG chỉ thực hiện được 78% mục tiêu lợi nhuận trước thuế cả năm. Đây cũng là doanh nghiệp bảo hiểm duy nhất không hoàn thành mục tiêu lợi nhuận 2021.

Trong báo cáo chiến lược đầu tư 2022 mới đây, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định, ngành bảo hiểm vẫn sẽ giữ được tốc độ tăng trưởng 5-10% nhờ sự hồi phục của nhu cầu bảo hiểm cá nhân khi kinh tế phục hồi. Trên thực tế, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh - chủng mới Omicron và số ca nhiễm tăng cao, nhu cầu bảo hiểm của một bộ phận người dân cũng tăng lên, dự báo sẽ góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của các doanh nghiệp khối bảo hiểm phi nhân thọ.

Cùng với đó là tăng trưởng doanh thu bảo hiểm bán buôn như tài sản, cháy nổ được hỗ trợ bởi giá dầu duy trì ở mức cao, các dự án đầu tư công có giá trị lớn cùng giao thương quốc tế phục hồi.

"Trong dài hạn, bức tranh ngành bảo hiểm vẫn tương đối tích cực khi tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm đang ở mức khá thấp so với khu vực, trong khi thu nhập bình quân đầu người nhìn chung có xu hướng gia tăng", báo cáo nhận định.

Nhóm nghiên cứu tại BVSC cho rằng, lợi nhuận tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm trong năm 2022 có thể cải thiện so với năm 2021 khi lãi suất sẽ không còn nhiều khả năng có thể giảm thêm, trái lại còn kỳ vọng tăng nhẹ từ nửa cuối năm 2022.

Ái Minh

FILI