ĐHĐCĐ 2020 Eximbank lần 3: Không thông qua Quy chế, Đại hội không thể tiến hành

Bài cập nhật

ĐHĐCĐ 2020 Eximbank lần 3: Không thông qua Quy chế, Đại hội không thể tiến hành

Sáng ngày 26/04/2021, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, HOSE: EIB) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2020 lần thứ 3 tại Hà Nội.

Các vấn đề được HĐQT trình cổ đông sáng nay gồm kết quả kinh doanh 2018, 2019 và kế hoạch kinh doanh 2019, 2020; điều chỉnh Điều lệ EIB; chấp thuận đầu tư trụ sở Eximbank và quan trọng là bầu cử thành viên HĐQT và BKS nhiệm kỳ 2020-2025.

Trước đó, phiên họp ĐHĐCĐ thường niên 2020 lần thứ nhất của Eximbank được triệu tập vào ngày 30/06/2020 và lần hai vào ngày 29/07/2020 đã không đủ điều kiện tiến hành.

Và Đại hội lần 3 dự kiến tổ chức tại Hà Nội vào ngày 15/12/2020 nhưng Eximbank phải dời Đại hội sang thời gian thích hợp nhằm tuân thủ chỉ đạo của chính quyền địa phương tổ chức ĐHĐCĐ do dịch Covid-19.

Theo điều lệ của Eximbank, cuộc họp lần 3 sẽ được tiến hành không phụ thuộc vào số lượng cổ đông hay đại diện uỷ quyền tham dự và được coi là hợp lệ và có quyền quyết định tất cả các vấn đề mà ĐHĐCĐ lần thứ nhất có thể phê chuẩn.

Khi biểu quyết Quy chế tiến hành họp ĐHĐCĐ thường niên lần 3, một cổ đông có ý kiến việc biểu quyết phải có Chủ tọa đoàn, nhưng hiện tại Chủ tọa đoàn là ai. Cổ đông này cho biết phải có phiếu miễn nhiệm từng thành viên và phiếu bầu từng thành viên, không thể gộp miễn nhiệm chung trên phiếu biểu quyết vừa nhận được.

Ông Dũng cho biết yêu cầu biểu quyết với tư cách Trưởng ban thẩm tra tư cách cổ đông và quy chế này xin thông qua trước khi có Ban chủ tọa.

Cổ đông tiếp tục chất vấn quy chế nào cho biết Ban thẩm tra có quyền thông qua quy chế Đại hội?

Ông Dũng cho biết việc này là ĐHĐCĐ thông qua, bước đầu khi tiến hành Đại hội, nếu Chủ tọa đoàn không được thành lập trước đó, thì không ai có tư cách công bố, phải thông qua quy chế thì Chủ tọa đoàn mới có thể điều hành cuộc họp.

Cổ đông này tiếp tục cho rằng nếu như theo ý kiến ông Dũng thì từ đầu Đại hội sáng nay không ai có tư cách chủ trì.

Đại hội lại không thể tiến hành

Ông Trần Ngọc Dũng - Trưởng Ban thẩm tra tư cách cổ đông cho biết tính đến 9h30, đã có 94.51% cổ phần tham dự với với hơn 1.16 tỷ cổ phần, dù chỉ có 95 cổ đông.

Tuy nhiên, có một cổ đông cho biết nghi ngờ về tính pháp lý của số cổ phần tham gia Đại hội hôm nay, yêu cầu được kiểm tra. Những lần trước tỷ lệ tham dự rất thấp, nhưng lần này tỷ lệ tham gia tăng cao đột biến.

Đại diện Ngân hàng cho biết số lượng người tham dự có thể ít hơn ở TPHCM, nhưng nhận được rất nhiều ủy quyền, đủ túc số tham dự. Nếu cổ đông muốn kiểm tra, Đại hội cứ tiến hành tiếp, sau đó mới kiểm tra sau.

Đến 10h15, đại diện Eximbank thông báo Ngân hàng Nhà nước đã có chấp thuận về việc bầu thành viên HĐQT của Eximbank.

Sau đó, Đại hội tiến hành biểu quyết thông qua Quy chế tiến hành họp ĐHĐCĐ thường niên 2020. Kết quả là chỉ có 521 triệu cp biểu quyết đồng ý (44.92%), trong khi có gần 636 triệu cp (54.69%) không đồng ý. Do đó, Đại diện Ban tổ chức, ông Dũng tuyên bố không thông qua Quy chế, Đại hội không thể tiến hành.

Vượt chỉ tiêu lợi nhuận 2020 dù chưa được thông qua

Theo tài liệu dự định trình tại ĐHĐCĐ 2020, Eximbank đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế và trích bổ sung dự phòng tất toán trái phiếu VAMC đạt 1,918 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận trước thuế là 1,318 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2019.

Là nhà băng duy nhất không tổ chức thành công ĐHĐCĐ trong năm 2020, nhưng theo kế hoạch 1,318 tỷ đồng lãi trước thuế đã đề ra, Eximbank đã hoàn thành chỉ tiêu. Lũy kế cả năm 2020, nhờ tiết giảm một số chi phí như chi phí hoạt động (-10%), chi phí dự phòng rủi ro (-3%), Eximbank báo lãi trước và sau thuế tăng 22% và 24% so với năm trước, đạt gần 1,340 tỷ đồng và hơn 1,070 tỷ đồng.

Nguồn: VietstockFinance. Đvt: Tỷ đồng

Biến động nhân sự trước mỗi lần tổ chức ĐHĐCĐ

Ngày 25/04 vừa qua, các nhóm cổ đông lớn tiếp tục gửi văn bản kiến nghị miễn nhiệm hàng loạt các thành viên HĐQT Eximbank.

Cụ thể, ngày 19/04/2021, HĐQT Eximbank nhận được văn bản kiến nghị vấn đề đưa vào chương trình họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 của bà Kiều Vũ Thuỵ Uyên, đại diện theo uỷ quyền của nhóm cổ đông gồm: (1) Công ty CP Rồng Ngọc; (2) Công ty CP đầu tư và dịch vụ Helios (3) Công ty CP Thắng Phương (4) Thái Thị Mỹ Sang (5) Lưu Như Trân. Nhóm cổ đông này sở hữu 10.3% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tại Eximbank đề nghị miễn nhiệm 5 thành viên HĐQT Eximbank nhiệm kỳ VI (2015-2020) gồm ông Yasuhiro Saitoh, ông Lê Minh Quốc, ông Cao Xuân Ninh, ông Lê Văn Quyết, ông Ngô Thanh Tùng.

Tiếp tục đến ngày 20/04/2021, HĐQT Eximbank tiếp tục nhận được văn bản kiến nghị của nhóm cổ đông gồm (1) ông Nguyễn Tiến Dũng (2) ông Trần Công Cận, (3) Lafelle Limited (4) Education Management Holdings Limited. Nhóm cổ đông này sở hữu 11.2% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, đề nghị Eximbank miễn nhiệm 3 thành viên HĐQT nhiệm kỳ VI (2015-2020) gồm: ông Hoàng Tuấn Khải, ông Đặng Anh Mai, bà Lương Thị Cẩm Tú.

Hiện HĐQT Eximbank gồm 9 thành viên: ông Yasuhiro Saitoh (Chủ tịch HĐQT), ông Nguyễn Quang Thông (Phó Chủ tịch HĐQT), ông Lê Minh Quốc (thành viên độc lập), ông Cao Xuân Ninh (thành viên), ông Đặng Anh Mai (thành viên), ông Hoàng Tuấn Khải (thành viên), ông Ngô Thanh Tùng (thành viên), ông Lê Văn Quyết (thành viên), bà Lương Thị Cẩm Tú (thành viên).

Như vậy, chỉ còn mỗi ông Nguyễn Quang Thông là không bị 2 nhóm cổ đông trên đề nghị miễn nhiệm. 

Và mới đây, Eximbank đã có động thái khó hiểu khi Chủ tịch HĐQT - ông Yasuhiro Saitoh bị miễn nhiệm và bầu lại trong cùng một ngày qua 2 nghị quyết được ban hành ngày 13/04/2021 vừa qua.

Cát Lam

FILI