Vinamilk và hành trình ESG: Gieo hạt bền vững, tận hưởng trái ngọt

Một thực tế không thể phủ nhận trong thế giới phẳng hiện nay, đó là nguồn tăng trưởng kinh tế toàn cầu phụ thuộc vào nhóm các nước đang phát triển. Tuy nhiên, việc này cũng kéo theo hệ lụy là tình trạng phát thải ngày một gia tăng cũng như sự phụ thuộc lớn vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Những tác động kinh tế, xã hội tiềm tàng suy thoái môi trường trở nên đặc biệt nghiêm trọng đối với nhóm quốc gia này, do tính phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên cho tăng trưởng kinh tế và tính dễ bị tổn thương đối với năng lượng, lương thực, an ninh nước, khí hậu thay đổi cùng rủi ro thời tiết khắc nghiệt.

Tất cả những yếu tố đó là sự thách thức cho khả năng đi lên của các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Để giải quyết thách thức ấy, thế giới đặt ra con đường gọi là “tăng trưởng xanh”, cùng những quy chuẩn khác nhau để các quốc gia, doanh nghiệp tuân thủ.

Nhưng về bản chất, sẽ không có giải pháp hay con đường nào phù hợp cho tất cả. Đây là nhận định trong buổi trao đổi gần đây từ ông Lê Thành Liêm - Giám đốc điều hành Tài chính Vinamilk, một trong những đơn vị tiên phong trong lĩnh vực phát triển xanh tại Việt Nam.

“Quốc gia đã phát triển, nền kinh tế đang nổi hay các nước đang phát triển đều phải đối mặt với thách thức và cơ hội khác nhau, trong bối cảnh kinh tế và chính trị khác nhau. Quá trình xanh hóa của một nền kinh tế phụ thuộc vào thể chế, mức độ phát triển, nguồn tài nguyên và áp lực môi trường cụ thể. Mỗi quốc gia có chiến lược phát triển dựa trên điểm mạnh và hạn chế riêng biệt” - trích lời ông Liêm.

Tuy vậy, ông Liêm khẳng định, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững sẽ là “con đường tất yếu” mà thế giới và Việt Nam phải đi.

Vinamilk đánh giá rằng Việt Nam - một quốc gia đang phát triển - có cơ hội chuyển đổi thách thức này thành lợi thế. Vinamilk tập trung vào phát triển bền vững như là một phần quan trọng của chiến lược kinh doanh. Điều này không chỉ thúc đẩy tăng trưởng dài hạn mà còn góp phần vào thúc đẩy tăng trưởng xanh của quốc gia”.

Khái niệm ESG những năm gần đây đang dần trở nên phổ biến hơn, là “kim chỉ nam” cho các doanh nghiệp muốn hướng đến một tương lai phát triển bền vững và đưa tầm vóc ra thị trường quốc tế.

Vinamilk nằm trong số những cái tên hiếm hoi để ý đến ESG ngay từ khi xu hướng này chưa được các doanh nghiệp khác chú trọng. Tiên phong, Vinamilk đã trải qua hành trình không quá dài nhưng chẳng phải ngắn. Nền móng vững chắc đó được đầu tư bài bản, tăng trưởng bền vững qua thời gian.

“Ngay những ngày đầu chuyển mình phát triển kinh tế, Vinamilk đã song song chú trọng đến yếu tố bền vững. Từ những năm 1990, Vinamilk đã cùng các nông hộ trên cả nước hợp tác chăn nuôi bò sữa, tiến đến xây dựng hệ thống trang trại ‘xanh’, nhà máy ‘hiện đại, giảm thải’ trên toàn quốc” - đại diện Vinamilk nói về cột mốc mở đầu.

Sau quá trình cổ phần hóa (2003) và niêm yết (2006), Vinamilk đã có sự cải tiến trong quy trình, đầu tư vào phát triển bền vững, tạo tiền đề phát triển kinh doanh lâu dài và nâng cao khả năng huy động vốn để phát triển hệ thống trang trại, nhà máy. Hoạt động đáng chú ý nhất cho nỗ lực chuyển đổi xanh là việc hợp tác cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường với Quỹ 1 triệu cây xanh cho Việt Nam, kéo dài từ năm 2012 - 2020.

“9 năm miệt mài với hành trình phủ xanh Tổ quốc, chương trình Quỹ 1 triệu cây xanh cho Việt Nam đã khép lại vào năm 2020 với hơn 1.1 triệu cây xanh được trồng tại 56 địa điểm thuộc 20 tỉnh, thành phố trên cả nước” - ông Liêm chia sẻ.

Không chỉ trồng cây, giai đoạn này, Vinamilk đã có nhiều giải pháp, ứng dụng nhằm đáp ứng tiêu chuẩn phát triển bền vững. Năm 2011, Doanh nghiệp tiên phong triển khai ứng dụng đèn LED thay thế đèn cao áp tại các đơn vị trực thuộc, giúp tiết kiệm đến 80% điện năng sử dụng. 3 năm sau, toàn bộ hệ thống nhà máy của doanh nghiệp đã đạt chứng nhận ISO 14001:2004 về quản lý môi trường và ISO 50001:2011 về quản lý năng lượng.

Vinamilk cũng đưa vào hoạt động 2 siêu nhà máy công nghệ hiện đại, hướng đến sản xuất xanh. Đó là Nhà máy sữa Việt Nam và Nhà máy sữa bột Việt Nam. Trong đó, Nhà máy sữa Việt Nam được xác nhận là Top 5 nhà máy sữa hiện đại nhất trên thế giới, với các ứng dụng giảm thải hàng đầu như robot LGV (giảm 62% phát thải so với xe nâng truyền thống), kho thông minh (tiết kiệm 70% năng lượng so với so truyền thống)…

Năm 2014, Trang trại Vinamilk Nghệ An trở thành trại bò sữa đầu tiên tại Đông Nam Á đạt chuẩn thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu Global G.A.P. Sữa tại trang trại cho phép truy xuất nguồn gốc sản phẩm, như một sự đảm bảo về an toàn thực phẩm, sức khỏe, an sinh xã hội cho người lao động và bảo vệ môi trường. Những năm sau đó, Vinamilk liên tục ứng dụng đa dạng năng lượng xanh, tái tạo như biogas, biomass, khí tự nhiên (CNG), năng lượng mặt trời tại các trang trại và nhà máy nhằm giảm thiểu chi phí và các ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường.

“Các hoạt động xanh đã giúp Vinamilk xây dựng sự bền vững trong sản xuất, sự uy tín cho thương hiệu, đồng thời thu hút đầu tư từ các quỹ ngoại” - ông Liêm tiếp lời.

Những năm gần đây, một trong những thành công lớn nhất trong công cuộc “xanh hóa” của Vinamilk là mô hình được áp dụng trong các trang trại GreenFarm. Mô hình được xây dựng dựa trên 3 khía cạnh chủ đạo là: chọn lọc đầu vào kỹ lưỡng, thực hành nông nghiệp tái tạo và ứng dụng công nghệ tiên tiến vào nông nghiệp bền vững.

Vinamilk có 3 trang trại GreenFarm đặt tại Tây Ninh, Quảng Ngãi và Thanh Hóa, nằm trong hệ thống 13 trang trại tại Việt Nam. Các trang trại đặt tại những vị trí chiến lược, kết nối khoa học với các nhà máy hiện đại nhất của Vinamilk để đảm bảo chất lượng sữa tươi nguyên liệu trong quá trình vận chuyển.

Hệ thống GreenFarm có tổng diện tích gần 950ha, quản lý đàn bò sữa hơn 20 ngàn con, thuộc giống bò sữa nhập khẩu từ Mỹ, Úc, New Zealand, thuần chủng 100%. Đàn bò giúp cung cấp 250 tấn sữa nguyên liệu/ngày, kết hợp với 3 nhà máy hiện đại có công suất lớn, mỗi ngày có khoảng 7 triệu hộp sữa được cung cấp ra thị trường. 100% nguồn thức ăn của đàn bò sữa đạt chuẩn Global G.A.P.

Hệ thống sở hữu những cánh đồng rộng hàng ngàn héc-ta, với các giống cỏ chỉ sử dụng phân bón hữu cơ, không thuốc trừ sâu hóa học, là nguồn thức ăn tự nhiên giàu dưỡng chất, xanh, sạch cho đàn bò sữa.

Các trang trại cũng được ứng dụng công nghệ tiên tiến vào nông nghiệp bền vững. Đàn bò sữa tại đây được chăm sóc với các chế độ đặc biệt, đảm bảo yếu tố phúc lợi động vật (được massage, đo lường sức khỏe, có hệ thống thu gom phân tự động…).

Những nguồn tài nguyên đất, nước và năng lượng đều được bảo vệ tại GreenFarm. Nguồn nước được đảm bảo tuần hoàn 100% - nước thải được xử lý, tái sử dụng cho hoạt động tưới tiêu. Tài nguyên đất được quản lý tối ưu với vòng tuần hoàn tái tạo, khi các trang trại đều thực hiện canh tác theo phương pháp hữu cơ, không sử dụng phân bón hóa học, không thuốc trừ sâu. Vòng tuần hoàn đất và phương pháp canh tác của Nhật Bản cũng được vận dụng để đảm bảo dưỡng chất trong đất, hình thành nên những đồng cỏ chuẩn hữu cơ rộng lớn.

Về thực hành nông nghiệp tái tạo, 100% trang trại GreenFarm sử dụng năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời; hệ thống xử lý chất thải hiện đại cùng công nghệ biogas giúp giảm thiểu đáng kể lượng phát thải CO2, chuyển hóa chất thải thành các tài nguyên như: phân bón hữu cơ cho đồng cỏ, khí metan để thanh trùng sữa cho bê, sấy cỏ làm thức ăn cho đàn bò; ứng dụng công nghệ carbon nguyên tử hữu cơ làm giảm phát thải khí methane và mùi trong chăn nuôi.

Thông qua thực hành nông nghiệp bền vững một cách bài bản, Vinamilk đang tận hưởng những trái ngọt mà “hạt giống ESG” mang lại. Ông Liêm cho biết, những năm qua, Vinamilk được công nhận là thương hiệu có tính bền vững cao nhất tại Việt Nam. Đối với quốc tế, Vinamilk là thương hiệu sữa duy nhất của Đông Nam Á lọt vào Top 5 thương hiệu sữa bền vững nhất toàn cầu.

Chiến lược phát triển bền vững cũng phản ánh một cách tích cực đến sức khỏe tài chính của Vinamilk. Doanh nghiệp đã duy trì vốn đầu tư từ nước ngoài nhờ ESG tốt, khi từ 2017 đến nay luôn nằm trong Top 20 doanh nghiệp trong Bộ chỉ số Phát triển bền vững của HOSE (theo Việt NamSI). Bên cạnh đó là khả năng tiết kiệm chi phí. Trang trại GreenFarm Tây Ninh với quy mô 8,000 con bò và bê, thải ra 500 tấn phân mỗi ngày và hệ thống xử lý với công nghệ biogas đã cung cấp 100% phân bón hữu cơ cho 500ha đồng cỏ, xử lý được các vấn đề về môi trường.

Đồng thời, trang trại cũng tiết kiệm được hơn 100 triệu đồng tiền điện mỗi tháng khi dùng năng lượng khí đốt từ biogas thay thế. Sáng kiến máy sấy khăn và quần áo bảo hộ lao động với năng lượng từ biogas đã cắt giảm khoảng hơn 140,000 kwh điện mỗi năm, tương ứng tiết kiệm được hơn 274 triệu đồng/năm.

Một vấn đề khác đến từ xu hướng hiện nay, theo ông Liêm, khi cộng đồng ngày càng yêu cầu cao về các vấn đề liên quan đến môi trường. Người tiêu dùng thậm chí còn có động thái quay lưng, “hạn chế” sử dụng sản phẩm của các doanh nghiệp gây ô nhiễm, sử dụng lãng phí tài nguyên hoặc sản phẩm có các tác động tiêu cực đến môi trường, cộng đồng. Do đó, phát triển bền vững hướng tới Net Zero là xu hướng tất yếu.

Ông Liêm thông tin thêm, Vinamilk đã đưa phát triển bền vững vào thành 1 trong 4 chiến lược phát triển giai đoạn 2022 - 2026, cụ thể: đẩy mạnh lộ trình phát triển bền vững theo các mô hình thành công của ngành sữa thế giới; ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp và sản xuất theo hướng bền vững; gia tăng năng lượng tái tạo và trồng cây xanh để trung hòa khí nhà kính, hướng đến mục tiêu đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Để làm được như Vinamilk thực chất không dễ. ESG có thể mang lại lợi ích lớn, nhưng đồng thời cũng có những rào cản và sự hy sinh, đánh đổi.

Theo ông Liêm, các thực hành phát triển bền vững thường cần đến sự đầu tư lớn, thậm chí là rất lớn cùng nhiều kinh nghiệm triển khai. Tuy nhiên, hoạt động đầu tư nào cũng cần đến chi phí và đầu tư cho ESG là doanh thu của tương lai.

“Chi phí hiện tại sẽ là khoản đầu tư cho tương lai và sẽ chuyển hóa thành doanh thu, lợi nhuận sau 5 - 10 năm nữa. Các thực hành phát triển bền vững cũng sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm nhiều chi phí vận hành và tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi”.

“Và hơn hết, hãy bắt đầu nghĩ về viễn cảnh những chi phí phát sinh khi không thực hành” - ông Liêm nhấn mạnh.

Phát triển bền vững và doanh thu là 2 yếu tố song hành, bổ trợ lẫn nhau. Không có lợi nhuận, sẽ không có doanh nghiệp nào bền vững. Tuy nhiên, để có lợi nhuận bền vững, doanh nghiệp cần có sự chuyển đổi bền vững, sáng suốt, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế càng tăng trưởng thì tình trạng khan hiếm nguyên - nhiên liệu, năng lượng ngày càng tăng thêm, môi trường thiên nhiên bị hủy hoại, cân bằng sinh thái bị phá vỡ.

“Đầu tư cho phát triển bền vững không giống như việc đầu tư cho hệ thống máy móc, chiến dịch marketing cho kết quả ngay lập tức hay trong khoảng 3 - 5 năm, mà đòi hỏi thời gian dài hạn và là yếu tố bắt buộc quyết định khả năng và thời gian tồn tại của doanh nghiệp” - ông Liêm nói thêm.

“Như Vinamilk, các thực hành cho phát triển bền vững đã bắt đầu thực hiện từ cuộc cách mạng trắng vào những năm 1990 và đẩy mạnh từ những năm 2010. Các kết quả vẫn được nhìn nhận qua các năm, tuy nhiên để tạo nên những cột mốc như có đơn vị đạt trung hòa carbon thì mất đến hơn chục năm. Do đó, doanh nghiệp cần kiên nhẫn và tin tưởng vào định hướng phát triển bền vững.

Nếu các doanh nghiệp thực sự quan tâm và muốn đưa phát triển bền vững thành chiến lược thì việc đầu tư chi phí là rất sức cần thiết. Nó giúp doanh nghiệp thấy được bức tranh tổng quan, dự đoán được chi phí cũng như những kết quả dài hạn mang lại”.

“Ở Vinamilk, các mục tiêu kinh doanh luôn song hành cùng mục tiêu về phát triển bền vững. Tại sao phải lựa chọn khi chúng ta có đủ nguồn lực, ý chí và quyết tâm để làm tốt cả 2”.

Châu An

Thiết kế: Tuấn Trần, Ảnh: TM

FILI

Tin cùng chuyên mục