Sự kiện tắc nghẽn quanh Biển Đỏ tác động thế nào đến tình hình giá cả hàng hóa và năng lượng toàn cầu trong năm 2024?

Dịch vụ

Sự kiện tắc nghẽn quanh Biển Đỏ tác động thế nào đến tình hình giá cả hàng hóa và năng lượng toàn cầu trong năm 2024?

Trong năm 2024, sự kiện tắc nghẽn tại Biển Đỏ đã làm dấy lên mối lo ngại về ảnh hưởng của nó đến thị trường hàng hóa và năng lượng toàn cầu.

Ảnh hưởng lên giá cả các hàng hóa ra sao?

Trước tiên chúng ta khảo sát các số liệu từ các nhóm tàu hàng vận chuyển đang bị ảnh hưởng như thế nào. 

Sự thay đổi trong lưu thông qua kênh đào Suez - Nguồn: Kpler

Tàu chở hàng lỏng và Tàu chở hàng rời

Nhóm tàu này ít bị ảnh hưởng nhất do đặc điểm của hàng hóa vận chuyển. Với hơn 60% dầu thô qua Biển Đỏ có nguồn gốc từ Nga và được vận chuyển bằng phương tiện không thuộc phương Tây.

Nhóm tàu chở khí tự nhiên và khí hóa lỏng (LNG và LPG)

Nhóm này chịu ảnh hưởng nặng nề hơn với mức sụt giảm trong các chuyến hàng lần lượt là 73% và 65% so với giai đoạn trước đó. Sự chuyển hướng qua mũi Hảo Vọng không chỉ tăng chi phí bảo hiểm mà còn kéo dài thời gian vận chuyển, tác động đến giá cả và nguồn cung trên thị trường.

Cụ thể từng loại hàng hóa bị tác động như sau:

  • Nhiên liệu máy bay và dầu Diesel: khoảng 30% sản lượng nhiên liệu máy bay toàn cầu phụ thuộc vào tuyến đường này. Dầu Diesel cũng bị ảnh hưởng nhưng ít nghiêm trọng hơn, với chỉ khoảng 15% sản lượng vận chuyển qua khu vực.
  • Dầu thô và Xăng: Mặc dù chỉ khoảng 10% lưu lượng vận chuyển qua tuyến đường biển này là dầu thô và xăng, sự gián đoạn vẫn gây ra sự bất ổn nhất định trên thị trường năng lượng toàn cầu.
  • Khí Gas tự nhiên và lúa mì: Cả hai mặt hàng này chỉ chiếm khoảng 8% lưu lượng vận chuyển qua khu vực và do đó, tác động trực tiếp lên giá cả thị trường là tương đối khiêm tốn.

Chỉ số WCI và BDI

Trong bối cảnh hiện tại, chỉ số giá cước Container thế giới (WCI) và chỉ số Baltic Dry Index (BDI) là hai chỉ số quan trọng phản ánh tình hình vận chuyển hàng hóa và thị trường năng lượng toàn cầu.

Chi phí vận chuyển - Nguồn: Oxford Economics

Chỉ số WCI, đo lường giá cước vận chuyển container qua các tuyến đường chính bao gồm từ Mỹ, châu Âu, và châu Á, đã cho thấy một sự tăng cao kể từ đầu năm 2024. Sự tăng này cho thấy nhu cầu vận chuyển hàng hóa sản xuất trên toàn cầu đang trong giai đoạn tăng trưởng, phản ánh sự phục hồi của hoạt động kinh tế toàn cầu sau các sự kiện gần đây.

Ngược lại, chỉ số BDI, một chỉ số đo lường giá cước vận chuyển hàng rời bằng tàu lại cho thấy một sự sụt giảm mạnh từ cuối năm ngoái đến nay, báo hiệu một sự giảm nhu cầu đối với hàng hóa thô trên thị trường toàn cầu, có thể là dấu hiệu của sự chậm lại trong sản xuất công nghiệp và xây dựng.

Sự chênh lệch giữa WCI và BDI cho thấy một bức tranh phức tạp của nền kinh tế toàn cầu, nơi nhu cầu vận chuyển hàng hóa tiêu dùng và hàng container tăng cao trong khi nhu cầu đối với hàng hóa thô lại giảm.

Thị trường năng lượng trong năm 2024

Lưu trữ khí Gas tại Châu Âu - Nguồn: Oxford Economics

Phân tích thị trường năng lượng hiện tại cho thấy xu hướng giảm của nhu cầu trong năm nay, đồng thời với sự tăng nguồn cung dự kiến trong quý 2 khi các quốc gia thành viên OPEC+ bắt đầu điều chỉnh lại sản lượng sau thời gian cắt giảm. Sự mở rộng các cơ sở lưu trữ năng lượng bởi các nước OPEC+ cũng là yếu tố góp phần làm giảm áp lực giá cả trên thị trường. Đáng chú ý, tại châu Âu, mức độ lấp đầy của các kho chứa năng lượng hiện ở mức cao, với khoảng 70% sức chứa được sử dụng, cao hơn so với mức trung bình của nhiều năm qua. Dữ liệu lịch sử cho thấy các kho này có xu hướng giảm dần đến tháng 4 và bắt đầu tăng trở lại vào cuối năm. Do đó, nhu cầu nhập khẩu năng lượng tại thời điểm hiện tại không được dự kiến sẽ gia tăng ít nhất cho đến Q2, và điều này ít có khả năng gây ra biến động lớn trên thị trường giá năng lượng hiện tại, bất chấp những bất ổn tiềm tàng liên quan đến tuyến đường vận chuyển qua Biển Đỏ.

FILI