Dệt may Thành Công đề xuất thưởng cổ phiếu 10% và không chia cổ tức tiền mặt năm 2023 

Dệt may Thành Công đề xuất thưởng cổ phiếu 10% và không chia cổ tức tiền mặt năm 2023 

Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2023, CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (HOSE: TCM) đề xuất không trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông. Thay vào đó, TCM muốn thưởng cổ phiếu tỷ lệ 10% nhằm tăng vốn điều lệ lên gần 1,020 tỷ đồng.

Phương án trên sẽ được TCM xin ý kiến cổ đông thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, dự kiến tổ chức ngày 05/04 tại số 431 Hoàng Văn Thụ, phường 4, quận Tân Bình, TPHCM, theo danh sách chốt ngày 02/04/2024.

Trụ sở chính TCM

Nghị quyết ĐHĐCĐ ngày 30/06/2023 đã thông qua kế hoạch phân phối lợi nhuận, trong đó dự kiến mức cổ tức 2023 là 15%. 

Tuy nhiên, trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng hàng dệt may giảm mạnh, trong khi chi phí đầu vào, logistics tăng cao khiến kết quả kinh doanh 2023 của Công ty không đạt mục tiêu đề ra, HĐQT TCM đề nghị ĐHĐCĐ thông qua việc điều chỉnh tỷ lệ phân phối lợi nhuận.

Công ty sẽ không trả cổ tức bằng tiền năm 2023, thay vào đó đề xuất phương án thưởng cổ phiếu cho cổ đông với tỷ lệ 10% (sở hữu 100 cp được thưởng thêm 10 cp).

Cụ thể, TCM sẽ phát hành hơn 9.25 triệu cp, nhằm tăng vốn điều lệ lên gần 1,020 tỷ đồng. Nguồn vốn được lấy từ Quỹ đầu tư phát triển (số dư tại thời điểm 31/12/2023 trên BCTC riêng là hơn 293 tỷ đồng). Thời điểm tăng vốn dự kiến vào tháng 7/2024, thời điểm phát hành cụ thể giao HĐQT quyết định.

Nếu được thông qua, 2023 sẽ là năm thứ 6 liên tiếp, TCM duy trì thói quen thưởng cổ phiếu cho cổ đông kể từ 2017. 

Còn nhớ, vào năm 2021, do sự ảnh hưởng nặng nề của đại dịch, thời gian làm việc “3 tại chỗ” kéo dài, tốn kém nhiều chi phí, TCM cũng điều chỉnh cổ tức từ mức 25% xuống 15%/mệnh giá (được thanh toán bằng cổ phiếu thưởng). Đây cũng là năm đầu tiên, Công ty không trả cổ tức bằng tiền mặt sau 8 năm liên tiếp (từ 2013-2020).

Một năm sau, TCM quay lại trả cổ tức tiền mặt tỷ lệ 7% và phát hành cổ phiếu thưởng 13%, qua đó nâng tổng tỷ lệ cổ tức 2022 lên 20%.  

Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2024, TCM dự kiến trích 20% lợi nhuận thực đạt cho Quỹ đầu tư phát triển (khoảng 32 tỷ đồng) và trình cổ đông chấp thuận kế hoạch chi trả cổ tức 2024 với tỷ lệ dự kiến 12% bằng tiền và/hoặc cổ phiếu tùy theo tình hình thực hiện kinh doanh 2024.

Về kế hoạch kinh doanh 2024, TCM đặt mục tiêu doanh thu thuần 3,707 tỷ đồng và lãi ròng 161 tỷ đồng, tăng lần lượt 11% và 20% so với thực hiện 2023.

Hai tháng đầu năm, doanh thu Công ty ước đạt 25.19 triệu USD (hơn 624 tỷ đồng) và lãi sau thuế 1.65 triệu USD (khoảng 41 tỷ đồng), tăng lần lượt 20% và 40% so với cùng kỳ; thực hiện gần 19% chỉ tiêu doanh thu và hơn 25% mục tiêu lợi nhuận năm.

*Thu hơn 600 tỷ trong 2 tháng đầu năm, TCM dự kiến mua dự án hàng trăm tỷ từ đối tác

Đề cử tân Tổng Giám đốc vào Ban quản trị nhiệm kỳ 2021-2025

Về tình hình nhân sự, Tổng Giám đốc Jung Sung Kwan đã gửi đơn xin từ nhiệm sau gần 3 năm giữ chức vụ này, đồng thời xin rút khỏi vị trí Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2021-2025 vì lý do cá nhân. Thời hạn từ nhiệm đề xuất từ ngày 01/03/2024.

Đến ngày 05/03, HĐQT TCM ra quyết định chấp thuận việc từ nhiệm của ông Jung Sung Kwan; thay vào đó, bổ nhiệm ông Song Jae Ho giữ chức vụ Tổng Giám đốc kiêm Người đại diện theo pháp luật của Công ty nhiệm kỳ 3 năm (2024-2027).

Ông Song Jae Ho trước đó gia nhập TCM từ năm 2013 với vị trí Giám đốc Ngành May và đang giữ chức Giám đốc điều hành Công ty từ đầu tháng 12/2023. Hiện, ông không nắm giữ cổ phiếu TCM nào.

Tại Đại hội tới, HĐQT Công ty sẽ trình cổ đông chấp thuận việc từ nhiệm Thành viên HĐQT của ông Jung Sung Kwan theo nguyện vọng cá nhân. Đồng thời, xem xét bầu bổ sung tân Tổng Giám đốc Song Jae Ho thay thế vị trí này, theo đề cử và giới thiệu của cổ đông chiến lược E-Land Asia Holdings (sở hữu gần 47% vốn TCM).

Nếu được thông qua, Ban quản trị TCM nhiệm kỳ 2021-2025 có đến 5/9 nhân sự là người ngoại quốc (đều là mang quốc tịch Hàn Quốc) gồm ông Lee Eun Hong, ông Kim Soung Gyu, ông Song Jae Ho, ông Kim Jong Gak và ông Park Heung Su. Trong khi đó, 4 nhân sự người Việt gồm ông Nguyễn Văn Nghĩa, ông Trần Như Tùng, bà Nguyễn Minh Hảo và ông Đinh Tấn Tưởng.

Thế Mạnh

FILI