Cần Thơ: 02 dự án trọng điểm theo Nghị quyết số 45 của Quốc hội vướng do đâu?

Cần Thơ: 02 dự án trọng điểm theo Nghị quyết số 45 của Quốc hội vướng do đâu?

Nghị quyết số 45/2022/QH15 của Quốc hội đã giao cho thành phố Cần Thơ và các Bộ, ngành Trung ương phối hợp triển khai 02 dự án trọng điểm, mang ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đó là: Dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An – Cần Thơ và Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, việc triển khai 02 dự án này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An – Cần Thơ

Hệ thống mạng lưới đường thủy nội địa tại vùng ĐBSCL có độ dài và chất lượng cao hơn so với các vùng trong cả nước với hệ thống kênh dài 28,000 km (trong đó 23,000 km có khả năng khai thác và vận tải), đặc biệt, vùng hiện có 2 tuyến đường thủy huyết mạch từ TP. HCM đi Kiên Giang, Cà Mau và kênh Quan Chánh Bố có khả năng tiếp nhận tàu tải trọng lớn (đến 10,000 tấn) ra vào sông Hậu. Tuy nhiên, việc đầu tư và khai thác các tuyến đường thủy này trong thời gian vừa qua còn gặp rất nhiều khó khăn do tình trạng bồi lắng hằng năm lớn làm gia tăng kinh phí nạo vét, khiến cho mục tiêu khai thác, nâng công suất tiếp nhận các tàu hàng có tải trọng lớn (trên 10,000 tấn) không đạt như dự kiến và hiệu quả mang đến cũng không như kỳ vọng… Do đó, nhằm khơi thông điểm nghẽn dòng chảy hàng hóa, việc nạo vét luồng Định An – Cần Thơ là một việc làm cấp thiết. Dù việc nạo vét tiêu tốn nguồn ngân sách rất lớn. Cụ thể, việc nạo vét luồng đường thủy vùng ĐBSCL được thực hiện bằng dự án đầu tư công trong thời gian qua cho thấy, việc nạo vét 01 km đường thủy để đạt chuẩn tắc hàng hải cho tàu có trọng tải 10,000 tấn, tốn chi phí khoảng 180 tỷ đồng. Theo đó, nếu chỉ nạo vét 29 km cửa Định An, khu vực cấp thiết nhất đã được Bộ Giao thông vận tải công bố, chi phí nạo vét vào khoảng 1.050 tỷ đồng/lần nạo vét. Nếu nạo vét để đạt chuẩn tắc hàng hải cho tàu có trọng tải 10,000 tấn vào Cảng Cái Cui, Cần Thơ thì chi phí khoảng hơn 2,000 tỷ đồng/lần nạo vét.

Do đó, nhằm huy động nguồn lực xã hội đối với hoạt động nạo vét luồng Định An, giúp giảm nhẹ gánh nặng cho ngân sách, Quốc hội đã quy định nhiều chính sách ưu đãi đặc thù nhằm thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư nạo vét. Theo đó, các chính sách ưu đãi này bao gồm: (1) Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An – Cần Thơ được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời gian 15 năm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 04 năm và giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong 09 năm tiếp theo. (2) Miễn tiền thuê đất trong 15 năm và giảm 50% tiền thuê đất cho thời gian còn lại đối với diện tích đất được thuê đổ chất nạo vét của dự án.

Hội nghị tham vấn ý kiến các chuyên gia, ngành chức năng và địa phương có liên quan về Dự án nạo vét luồng Định An – Cần Thơ. Ảnh: Huỳnh Biển

Trên cơ sở đó, UBND thành phố Cần Thơ đã ban hành Quyết định số 878/QĐ-UBND ngày 2/3/2022 về việc thành lập Tổ công tác triển khai Dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An – Cần Thơ. Đồng thời, UBND thành phố cũng đã có Công văn số 548/UBND-KT ngày 15/2/2022 gửi Bộ Giao thông vận tải và Cục Hàng hải về việc phối hợp triển khai chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đối với Dự án. Ngoài ra, UBND đã tích cực phối hợp tổ chức các hội nghị trao đổi, tham vấn ý kiến của các Bộ, ngành và địa phương, các chuyên gia và đơn vị tư vấn về căn cứ khoa học, cơ sở thực tiễn, hiệu quả kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường để quyết định phương án nạo vét.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo và kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ ngày 13/6/2023, Bộ Giao thông vận tải đã chủ trì cuộc họp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lãnh đạo UBND thành phố Cần Thơ, tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng và các Vụ, Cục trực thuộc Bộ về Dự án. Qua nội dung thống nhất tại cuộc họp, trong tháng 11/2023, Bộ Giao thông vận tải đã tham mưu Chính phủ sửa đổi Nghị định số 159/2018/NĐ-CP ngày 28/11/2018 của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển, vùng nước đường thủy nội địa theo hướng sẽ phân cấp, phân quyền cho địa phương thực hiện nạo vét trong vùng nước cảng biến. Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải sẽ lấy ý kiến các Bộ, ngành liên quan để tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết giao UBND thành phố Cần Thơ là cơ quan có thẩm quyền tổ chức thực hiện Dự án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Hiện nay, vướng mắc lớn nhất trong quá trình triển khai Dự án chủ yếu liên quan đến nội dung phân cấp thẩm quyền cho thành phố Cần Thơ để thực hiện chưa được quy định cụ thể; chưa có quy định hoặc hướng dẫn liên quan đến phương án xác định giá tận thu sản phẩm nạo vét.

Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ

Từ nhiều năm qua, vấn đề nổi cợm của ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL là sản xuất và thị trường trong vùng chưa có sự kết nối chặt chẽ, cũng như với thị trường quốc tế, dẫn tới sản xuất kinh doanh hiệu quả thấp, khó thu hút các dự án đầu tư quy mô và dài hạn, kinh tế chậm phát triển, cuộc sống người dân mất ổn định. Thực trạng này hoàn toàn mâu thuẫn với nhu cầu tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ngày càng tăng về số lượng và đa dạng về hình thức chế biến, tiêu thụ cũng như các dịch vụ kèm theo.

Do đó, Dự án Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ (Trung tâm) là một cơ chế đặc thù nhằm gỡ điểm nghẽn trong quá trình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị không chỉ riêng cho Cần Thơ mà còn cho cả khu vực ĐBSCL. Qua đó, góp phần gia tăng giá trị nông sản, quản lý tốt nguồn cung, kết nối các lĩnh vực, hình thành trung tâm cung cấp và dịch vụ hỗ trợ, kết nối thị trường, tạo việc làm, nâng cao giá trị kinh tế ngành nông nghiệp của vùng ĐBSCL ngang tầm khu vực và thế giới.

Ngày 15/9/2023, Cần Thơ tổ chức Diễn đàn kinh tế thường niên để bàn về giải pháp triển khai hiệu quả Đề án thành lập Trung tâm. Nguồn: Viện Kinh tế - Xã hội thành phố Cần Thơ.

Theo Nghị quyết số 45, các dự án đầu tư tại Trung tâm ngoài được hưởng các chính sách ưu đãi về miễn giảm thuế thu nhập, miễn giảm tiền thuê đất còn được hưởng chế độ ưu tiên về thủ tục hải quan nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định. Trên cơ sở đó, UBND thành phố Cần Thơ đã tích cực phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cũng như các Bộ, ngành Trung ương xây dựng Đề án thành lập Trung tâm, tổ chức các hội thảo, hội nghị lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan Trung ương và đã hoàn chỉnh Đề án, tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt theo quy định.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo và kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ, ngày 08/6/2023, thành phố đã có buổi làm việc trực tiếp với các cơ quan chuyên môn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Chính phủ, trong đó tiếp tục lấy ý kiến 04 Bộ gồm: Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đến nay, đã thống nhất một số nội dung quan trọng như: quy mô dự án khoảng 250ha; hoạt động của Trung tâm là một khu vực sản xuất kinh doanh (không phải khu công nghiệp); cơ sở pháp lý về sử dụng đất thực hiện dự án. Bên cạnh đó, UBND thành phố Cần Thơ cũng đã ban hành Công văn số 2598/UBND-KT ngày 13/7/2023 gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Văn phòng Chính phủ về việc làm rõ hồ sơ trình thành lập Trung tâm.

Đồng thời, để triển khai có hiệu quả Đề án thành lập Trung tâm sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, UBND thành phố Cần Thơ đã ban hành Công văn số 3569/UBND-KT ngày 8/9/2023, phân công nhiệm vụ cụ thể của các sở, ngành thành phố và cơ quan, đơn vị có liên quan. Dự kiến Đề án sẽ được phê duyệt sau khi Quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt. UBND thành phố sẽ tập trung tổ chức thực hiện các thủ tục pháp lý có liên quan, sớm lựa chọn nhà đầu tư và đưa vào vận hành Trung tâm.

Ngày 23/11/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát hành Công văn số 8587/BNN-KH đề nghị UBND thành phố Cần Thơ tiếp tục rà soát và điều chỉnh Đề án theo Thông báo số 2821/TB-VPQH ngày 26/10/2023 của Văn phòng Quốc hội Kết luận của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại cuộc làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ; ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 9082/ VPCP-QHĐP ngày 20/11/2023 Văn phòng Chính phủ về việc xử lý kiến nghị của các tỉnh Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng tại buổi làm việc của Chủ tịch Quốc hội.

Cụ thể, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND thành phố Cần Thơ tiếp tục rà soát nội dung Đề án thành lập Trung tâm đảm bảo phù hợp với Quy hoạch của thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 (đang trình Thủ tướng Chính phủ), trong đó cần bổ sung, làm rõ hơn về những nội dung sau: (1) cập nhật cơ sở pháp lý của Đề án sau khi Quy hoạch thành phố Cần Thơ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; (2) thuyết minh rõ sự phù hợp của Trung tâm với Quy hoạch thành phố Cần Thơ và các quy hoạch liên quan khác (quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành…); (3) sự phù hợp của ranh giới Trung tâm với các quy hoạch liên quan; (4) Xác định rõ diện tích đất dự kiến thành lập, xây dựng Trung tâm thuộc loại đất nào trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất? Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị thuyết minh rõ về cơ chế đầu tư và hoạt động của Trung tâm (cơ chế thu hút đầu tư, cơ chế liên doanh liên kết, cơ chế quản lý vận hành,…), trong đó làm rõ cơ chế quản lý, liên kết giữa nhà đầu tư hạ tầng và nhà đầu tư các khu vực chức năng, sản xuất, chế biến, tiêu thụ tại Trung tâm.

Dự kiến khu vực quy hoạch làm Trung tâm. Nguồn: Đề án thành lập Trung tâm

Trong thời gian tới, nhằm tiếp tục triển khai hiệu quả 02 dự án đặc thù được Quốc hội giao, UBND thành phố Cần Thơ xác định:

Đối với Dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An – Cần Thơ, UBND thành phố xác định triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải tại Công văn số 9096/BGTVT-KCHT ngày 17/8/2023 về việc nghiên cứu Dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An – Cần Thơ. Bên cạnh đó, tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương trong công tác lập, thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi và đánh giá tác động môi trường dự án.

Đối với Dự án Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ. UBND thành phố cũng xác định cần tiếp tục tranh thủ sự ủng hộ của Trung ương trong công tác lập và phê duyệt Đề án thành lập Trung tâm. Đồng thời, triển khai các hướng dẫn của Trung ương về mô hình tổ chức hoạt động của Trung tâm làm cơ sở cho việc triển khai các bước tiếp theo như: cập nhật Kế hoạch sử dụng đất, Quy hoạch chung xây dựng, công tác lập thủ tục đầu tư và các chính sách ưu đãi đối với các dự án đầu tư vào Trung tâm.

Đinh Tấn Phong - Viện Kinh tế - Xã hội thành phố Cần Thơ

FILI