Hơn 6 năm “trắng” doanh thu, doanh nghiệp vốn ngàn tỷ PAP “sống” bằng gì?

Hơn 6 năm “trắng” doanh thu, doanh nghiệp vốn ngàn tỷ PAP “sống” bằng gì?

Tính đến giữa năm nay, CTCP Dầu khí Đầu tư Khai thác Cảng Phước An (UPCoM: PAP) đánh dấu 6.5 năm liên tiếp “trắng” doanh thu.

Mập mờ việc hạch toán lãi tiền gửi

PAP thành lập vào tháng 04/2008, là doanh nghiệp thực hiện dự án cảng và khu dịch vụ hậu cần cảng Phước An do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và tỉnh Đồng Nai thỏa thuận hợp tác đầu tư.

Giai đoạn 2009 – 2011, PAP đều đặn có doanh thu và lợi nhuận. Tuy nhiên, từ 2012 đến 2015, Công ty kinh doanh thua lỗ và từ 2017 đến nay, doanh thu đều là con số 0.

Trong BCTC quý 2/2023 , PAP tiếp tục không có bất kỳ khoản doanh thu nào, lỗ sau thuế hơn 3.3 tỷ đồng.

Đvt: Tỷ đồng. Nguồn: VietstockFinance

Giải thích cho việc không có doanh thu thuần, PAP cho biết doanh nghiệp hiện đang trong quá trình đầu tư, chưa đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, nên chưa phát sinh doanh thu . Việc “trắng” doanh thu xuất hiện từ năm 2017 trong khi dự án cảng Phước An đã được chấp thuận đầu tư từ năm 2009.

Tại thời điểm 30/06/2023, tổng tiền mặt và tiền gửi ngắn hạn của PAP là 96 tỷ đồng, giảm 85% so với đầu năm. Ngược lại, Công ty phát sinh khoản vay nợ dài hạn gần 775 tỷ đồng, trong khi đầu năm không ghi nhận khoản vay nợ nào.

Mặt khác, khoản phải trả cho CTCP Phát triển Khu Công nghiệp Tín Nghĩa (HOSE: TIP) tăng từ 1,054 tỷ đồng lên 1,116 tỷ đồng. Được biết, đây là khoản mục có tỷ trọng lớn nhất nợ phải trả khi chiếm hơn 59%.

Dù hoạt động kinh doanh chính không tạo ra doanh thu, PAP có được khoản doanh thu tài chính đáng kể từ lãi tiền gửi ngân hàng. Đây cũng chính là nguồn thu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng doanh thu của Công ty. Thế nhưng, từ năm 2021, PAP viện dẫn Điểm 32 Khoản 2 Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC về việc Hướng dẫn thi hành Nghị định số 218/2013/NĐ-CP và hướng dẫn thi hành luật thuế thu nhập doanh nghiệp, theo đó, Công ty không hạch toán lãi tiền gửi vào khoản mục doanh thu tài chính từ quý 3/2021 vì theo quy định, khoản tiền này được tính vào giá trị đầu tư của dự án cảng Phước An. Vì vậy, PAP “trắng” doanh thu tài chính trong nửa đầu năm nay.

Điều đáng nói là năm 2022, Công ty lại hạch toán lãi tiền gửi vào doanh thu tài chính dù đã viện dẫn nguyên văn quy định trên.

Đvt: Tỷ đồng. Nguồn: VietstockFinance

Dù “trắng” doanh thu và thua lỗ nhiều năm, nhưng PAP liên tục tăng vốn trong những năm gần đây. Từ vốn điều lệ 440 tỷ đồng năm 2009, Công ty đã tăng lên 900 tỷ đồng năm 2016; lên 1,100 tỷ đồng năm 2017; lên 1,500 tỷ đồng năm 2021; và gần đây nhất là lên 2,000 tỷ đồng năm 2022. Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, Công ty tiếp tục thông qua phương án tăng vốn điều lệ lên 2,380 tỷ đồng.

Nguồn: VietstockFinance

Các đợt tăng vốn của PAP đều từ phát hành cổ phiếu riêng lẻ với mức giá tối thiểu 10,000 đồng/cp. Số tiền thu được từ các đợt chào bán đều để thanh toán chi phí liên quan đến các gói thầu thuộc Phân khúc  dự án cảng Phước An và khu dịch vụ hậu cần, bên cạnh đó là thanh toán các khoản nợ vay.

PAP còn dự kiến trong năm 2023 sẽ hoàn thành bồi thường và nhận bàn giao toàn bộ phần diện tích còn lại trong khu dịch vụ hậu cần; thực hiện các thủ tục nhận lại diện tích tuyến đường vào cảng Phước An theo hình thức BOT sau khi UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận tách tuyến đường qua cảng ra khỏi dự án BOT để bổ sung vào phân khúc 1 của dự án.

Theo kế hoạch được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, PAP sẽ giải ngân thêm 2,414 tỷ đồng để thực hiện dự án cảng Phước An, qua đó, nâng tổng mức đầu tư lũy kế tính đến cuối năm 2023 lên hơn 4,802 tỷ đồng. Số tiền này chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, triển khai dự án và chi phí khác.

Đáng chú ý, Công ty không có kế hoạch doanh thu, lợi nhuận cũng như phương án phân chia lợi nhuận cho năm 2023 như những năm trước đây.

Các mục tiêu tài chính của PAP trong năm 2023
Nguồn: PAP

Với vốn điều lệ 2,000 tỷ đồng hiện tại, PAP có hai cổ đông lớn theo công bố trên tài liệu ĐHĐCĐ là Công ty TNHH MTV Hoành Sơn và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) với tỷ lệ lần lượt là 20.1% và 17.5%, tương đương với số lượng cổ phiếu nắm giữ là 40.2 triệu cp và 35 triệu cp.

Dự án cảng Phước An có gì?

Như đề cập ở trên, PAP là doanh nghiệp thực hiện dự án cảng và khu dịch vụ hậu cần cảng Phước An. Trên website, PAP giới thiệu Cảng Phước An được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam, thuộc nhóm cảng biển số 5, là cảng tổng hợp quốc gia và đầu mối trong khu vực do PAP làm chủ đầu tư.

Dự án tọa lạc tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, cách trung tâm TPHCM và Bình Dương khoảng 40 km.

Dự án gồm hai phần. Đầu tiên là phần cảng Phước An với tổng diện tích 183 ha, chiều dài bến 3,050 m, với 6 bến container và 4 bến tổng hợp, chiều sâu trước bến là 15 m, tiếp nhận tàu hàng 60,000DWT, công suất 2.5 triệu TEU/năm và 6.5 triệu tấn hàng tổng hợp/năm.

Phối cảnh dự án Cảng Phước An

Phần còn lại là khu dịch vụ hậu cần cảng (logistics) với tổng diện tích hơn 550 ha. Khu dịch vụ dự kiến sẽ được đầu tư trọn gói theo hình thức “Door to Door” phục vụ nhu cầu của ngành Dầu khí, nhu cầu của khu công nghiệp Nhơn Trạch, các khu công nghiệp tại tỉnh Đồng Nai, TPHCM, Bình Dương và các khu vực lân cận.

Vị trí khu dịch vụ hậu cần cảng Phước An so với các trục giao thông trọng điểm

Đến năm 2021, PAP đã trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định hồ sơ đề xuất chấp thuận chủ trương đầu tư dự án KCN Phước An trên diện tích 330 ha, đưa vào cùng quần thể với cảng Phước An và khu dịch vụ. Tuy nhiên, theo tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2023, PAP đã xin rút hồ sơ trong tháng 06/2022 để hoàn thiện hồ sơ sau khi có sự thay đổi về mặt chính sách.

Dù vậy, để tránh lãng phí tài nguyên đất, Công ty đã có văn bản xin bổ sung 225.24 ha KCN Phước An giai đoạn 2 (chuyển đổi 725.24 ha đất logistics của khu dịch vụ hậu cần vào danh mục quy hoạch phát triển các KCN để tích hợp trong quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2020 - 2030 tầm nhìn đến 2050 và gửi UBND tỉnh Đồng Nai xem xét, chấp thuận làm cơ sở triển khai đầu tư. Hiện tại, các Sở, ban ngành chức năng đang xem xét kiến nghị của PAP.

Trở lại với cụm dự án Cảng Phước An, dù đã được cấp phép đầu tư từ năm 2009 nhưng đến nay Công ty vẫn chưa thể hoàn thiện. Theo tiến độ báo cáo, năm 2021, PAP đã hoàn thành đền bù giai đoạn 1 với tổng diện tích nhận bàn giao quản lý là 241 ha, gồm 157.3 ha khu cảng; 27.1 ha khu đường và 57.54 ha khu dịch vụ. Dự kiến, diện tích bàn giao đất giai đoạn 2 sẽ là 490 ha.

Đến năm 2022, Công ty đã hoàn thành lựa chọn và ký hợp đồng với nhà thầu là CTCP Xây dựng Tuấn Lộc để triển khai phân khúc 1 của cảng Phước An và khu dịch vụ hậu cần.

Dù cảng Phước An được đánh giá là dự án có tiềm năng, góp phần thúc đẩy kinh tế tỉnh Đồng Nai nhưng trên thị trường chứng khoán nhà đầu tư lại tỏ ra không mặn mà với chủ đầu tư dự án này. Chào sàn UPCoM từ tháng 07/2021, thanh khoản cổ phiếu PAP bình quân chỉ ghi nhận 730 cp/ngày.

Diễn biến giá cổ phiếu PAP từ khi giao dịch trên sàn UPCoM đến nay

Hà Lễ

FILI