Hòa Phát sẽ tạm dừng lò cao ở Hải Dương vào tháng 9/2023

Hòa Phát sẽ tạm dừng lò cao ở Hải Dương vào tháng 9/2023

Hòa Phát (HOSE: HPG) đã lên kế hoạch dừng lò cao ở Hải Dương từ tháng 9/2023 để bảo dưỡng. Thời gian bảo dưỡng dự kiến kéo dài 3 tháng.

Trong báo cáo, SSI Research - bộ phận phân tích của CTCK SSI - cho biết sản lượng có thể của Hòa Phát cải thiện trong quý 3/2023 do đã mở lại lò cao cuối cùng tại Dung Quất vào đầu tháng 7. Lò cao này có công suất hàng năm khoảng 1.4 triệu tấn.

Tuy nhiên, sản lượng sản xuất có thể giảm bớt trong giai đoạn tháng 9-11/2023, do công ty dự kiến tạm dừng lò cao số 3 tại tổ hợp Hải Dương để bảo dưỡng từ tháng 9. Công suất của lò cao này ở mức 1.2 triệu tấn/năm, chiếm 14% tổng công suất của hãng thép này.

"Sản lượng sản xuất có thể sẽ tăng trong quý 3/2023 để tích trữ thành phẩm cho quý 4", các chuyên viên phân tích tại CTCK SSI nhận định.

Đã ký hợp đồng xuất khẩu HRC đến tháng 9

SSI Research dự báo nhu cầu từ một số nước nhập khẩu duy trì mức khá trong quý tới, mặc dù cạnh tranh từ Trung Quốc và khoảng cách giá thép giữa Mỹ/Châu Âu so với châu Á đang thu hẹp.

Theo Hòa Phát, công ty đã ký trước đơn đặt hàng xuất khẩu HRC cho đến tháng 9. Các chuyên viên phân tích đánh giá điều này có thể giúp sản lượng tiêu thụ HRC của công ty duy trì ổn định trong quý 3/2023 ở mức trung bình 250 ngàn tấn/tháng.

Tuy nhiên, so với các tháng trước, nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường này có thể giảm tốc do tiêu dùng chậm lại và hàng nhập khẩu giá rẻ từ châu Á. Điều này có thể được phản ánh thông qua việc giá thép tại các thị trường này giảm hơn 20% so với mức đỉnh trong tháng 4/2023.

Chênh lệch giữa giá HRC tại thị trường Mỹ và Châu Âu so với Việt Nam theo giá trị tuyệt đối cũng đã thu hẹp đáng kể gần 60%, lần lượt từ 350-700 USD/tấn tại thời điểm cuối tháng 4 xuống mức 180-400 USD/tấn vào cuối tháng 6.

Cần cẩn trọng trước sự cạnh tranh của các hãng thép Trung Quốc

Cũng trong báo cáo, SSI Research nhấn mạnh tới sự cạnh tranh từ các nhà sản xuất thép Trung Quốc.

Trong nửa đầu năm 2023, xuất khẩu thép thành phẩm của Trung Quốc tăng 31.3% so với cùng kỳ, đạt 43.6 triệu tấn, do nhu cầu trong nước chậm lại và sản lượng sản xuất của Trung Quốc tăng trong quý gần đây.

SSI Research cũng lưu ý rằng giá thép xây dựng ở Trung Quốc thấp hơn khoảng 7-8% so với sản phẩm thép tương đương của Việt Nam, điều này một phần có thể là do than nhập khẩu giá rẻ từ Nga, khiến việc xuất khẩu phôi thép của Việt Nam sang Trung Quốc gần như bằng 0 trong năm 2023.

Giá thép có thể hồi phục nhưng không mạnh

Các chuyên viên phân tích dự báo giá thép có thể cải thiện trong thời gian tới, nhưng khó có biên độ phục hồi cao.

Theo SSI Research, trong nửa cuối năm 2023, giá thép có thể sẽ được hỗ trợ nhờ việc cắt giảm sản lượng sản xuất tại một số tỉnh của Trung Quốc trong nửa cuối năm và các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế của Chính phủ Trung Quốc.

Gần đây, Chính phủ Trung Quốc gần đây đã cam kết tăng cường hỗ trợ chính sách cho nền kinh tế và tối ưu hóa các chính sách bất động sản một cách kịp thời, giúp giá thép tại Trung Quốc phục hồi nhẹ khoảng 4-5% trong 2 tháng qua và đây vẫn sẽ là yếu tố hỗ trợ trong các quý tới.

Tuy nhiên, vẫn chưa có biện pháp chi tiết cụ thể nào được tiết lộ và có thể sẽ mất thêm thời gian để các chính sách tác động đáng kể đến nhu cầu thực tế.

Theo SSI Research, giá thép bình quân của Việt Nam có thể diễn biến đồng pha với xu hướng giá của Trung Quốc nhưng dự báo ở biên độ độ thấp hơn, do giá thép trung bình của Việt Nam vẫn cao hơn 6-8% so với sản phẩm thép tương đương của Trung Quốc.

“Do đó, chúng tôi cho rằng giá thép Việt Nam vẫn có thể biến động, nhưng với biên độ chỉ trong khoảng 50-70 USD/tấn trong các tháng tới”, các chuyên viên phân tích của CTCK SSI nhận định.

Thiên Vân

FILI