Rồi mùa toóc rạ rơm khô…

Rồi mùa toóc rạ rơm khô…

Quê tôi mỗi năm có hai mùa lúa, tháng ba và tháng mười âm lịch. Canh chừng mùa lúa, nhằm tận dụng những lợi thế cây lúa mang lại, người ta nuôi thêm gà, vịt. Tuy nhiên, nuôi gà hay bị dịch bệnh nên không nuôi nhiều; người ta nuôi vịt là chủ yếu. Ở nông thôn ngày trước, hầu như nhà nào cũng nuôi dăm bảy con vịt để lấy trứng và giết thịt. Còn nuôi vịt chạy đồng từ hàng trăm đến hàng nghìn con thì chỉ một số hộ có nghề và kinh nghiệm. Con vịt là loài vật gần gũi với người nông dân, dân quê: “Vịt nằm bờ mía rỉa lông/ Cám cảnh thương chồng đi lạc đường xa” (Ca dao); “Người ta giàu thì đầu heo nọng thịt/ Tụi mình nghèo thì cặp vịt, đôi bông” (Hát đối).

Nuôi vịt thả đồng ở miền Trung.

Cùng với nghề đóng cối xay, đi đơm tôm cá, cha tôi còn có thêm nghề nuôi vịt chạy đồng. Tuy nhiên, đồng ruộng ở miền Trung nhỏ bé nên nuôi vịt chạy đồng chỉ ban ngày, tầm chiều lại đưa vịt về nhà ngủ qua đêm. Vịt có thể nuôi quanh năm, nhưng nuôi nhiều chỉ có hai đợt: đón vụ lúa tháng ba và vụ lúa tháng mười. Khi cây lúa bắt đầu trổ bông cũng là thời điểm bắt đầu nuôi vịt. Đợt chính này nuôi từ ba trăm đến năm trăm con. Vịt con mua từ lò ấp nở về, giai đoạn mới nở này vịt con cần được chăm sóc chu đáo vì chúng chưa đủ sức để tìm mồi. Thức ăn cho chúng là cám, bột bắp trộn lẫn với cua đồng, ốc vằm nhỏ. Khi vịt đã cứng cáp rồi sẽ lùa vịt ra môi trường tự nhiên, cho vịt sục vào các ruộng lúa để tìm ăn tôm tép, cá con, giun ốc, châu chấu, sâu bọ. “Quặc quặc, quạc quạc/ Con vịt, con vạc/ Có thương em tao/ Thì lội xuống ao/ Bắt ba con ốc/ Thì lội xuống rộc/ Bắt năm con rô/ Thì lội xuống hồ/ Bắt mười con diếc” (Đồng dao). Khi lúa tháng ba đến kỳ chín, lúa gặt xong là “Rồi mùa toóc rạ rơm khô…” (Ca dao). Đàn vịt lúc này đã trưởng thành nên tha hồ tung hoành ở các thửa ruộng vừa gặt xong, còn “toóc rạ rơm khô”, chạy từ thửa ruộng này sang thửa ruộng khác, ăn no nê những hạt lúa rơi vãi. Đàn vịt béo múp. Vịt nuôi chạy đồng ở quê tôi là giống vịt cỏ, vịt lai, có sức đề kháng cao và nhanh nhẹn. Do vận động nhiều nên trọng lượng không lớn, tầm chỉ hai ki-lô-gam mỗi con nhưng thịt lại săn chắc, thơm ngon và giàu chất dinh dưỡng. Nuôi vịt hai tháng là có thể bán vịt để làm thịt. Bởi lúc này đã đến thời điểm Tết Mồng 5, bán được giá. Ở quê tôi có câu nói: “Mồng Năm ngày Tết”, hàm ý Tết Mồng 5 (Tết Đoan ngọ, nhằm 5/5 âm lịch) ở nông thôn cũng tổ chức tết to như Tết Nguyên đán. Tết Đoan ngọ với phong tục các gia đình đi hái lá Mồng 5 và gia đình nào cũng làm thịt vịt cúng ông bà với nhiều món ăn làm từ vịt: vịt luộc, vịt hoong, tiết canh vịt, xáo vịt, bún vịt… Còn muốn nuôi vịt đẻ thì phải nuôi thêm hai tháng nữa, vịt qua hai lần thay lông sẽ đẻ trứng.

Đến mùa gặt lúa tháng mười cũng canh để nuôi lứa vịt chính thứ hai trong năm mà lần này còn nuôi nhiều hơn để bán vào dịp Tết Nguyên đán được giá hơn. Nuôi vịt vào tháng mười còn có nỗi gian nan riêng, vào mùa mưa rét. Gió bấc thổi về, rét cắt da vẫn phải mang tơi đội nón đi chăn vịt. Những ngày thời tiết lạnh giá đành nhốt vịt trong chuồng; thức ăn cho vịt là thân cây chuối cắt nhỏ trộn với cám. Có khi, để dưỡng sức cho đàn vịt thì cũng phải vãi ra chuồng một bao lúa lép: “Vịt chê lúa lép không ăn/ Chuột chê nhà trống ra nằm bụi tre” (Ca dao).

Có lẽ, hình ảnh nông thôn, làng quê yên bình nhất là khi đi ngang qua cánh đồng lúa xanh rì, gợn sóng từ ngọn gió nồm mát rượi, bên bàu nước với hoa sen trắng hồng có đàn vịt đang bơi đủng đỉnh. “Chiều chiều vịt lội bàu sen/ Để anh lên xuống làm quen với nàng”, “Chiều chiều vịt lội bờ làng/ Thương người áo trắng vá quàng nửa vai” (Ca dao).

Qua bao biến thiên thời cuộc, trong ba nghề gia truyền của gia đình tôi (đóng cối xay lúa, đi đơm tôm cá, nuôi vịt chạy đồng) thì chỉ có nghề chăn nuôi vịt chạy đồng còn được tiếp nối. Chú em thứ năm ở quê làm ruộng, sau bao nghề loay hoay lại thành công với nghề chăn nuôi vịt. Tuy nhiên, đồng ruộng giờ đây bị ô nhiễm bởi thuốc trừ sâu, phân bón hóa học nên môi trường sống tự nhiên cho vịt bị co hẹp lại. Mỗi đợt, chú em chỉ nuôi tầm trăm con. Dù sao, vẫn còn lưu giữ chút nghề truyền thống của gia đình. Về quê vào đúng dịp Tết Mồng 5, trong bữa họp mặt gia đình, trên mâm cỗ có nhiều món ăn từ vịt: vịt luộc chấm nước mắm gừng, vịt hoong, canh măng hầm vịt, lòng vịt xào miến, cháo bột vịt…, trong lòng tôi rưng rưng khó tả. Miếng thịt vịt cỏ béo ngậy, thơm phức, chan hòa trong tình anh em, con cháu sum họp. Nhìn lên trên bàn thờ, giữa hương khói nghi ngút, tôi tưởng như thấy cha tôi hiển hiện về với khuôn mặt hiền hậu, tay vân vê chòm râu, gật đầu hài lòng…  

Nhà văn Nguyễn Linh Giang - Hội Nhà văn TP.Hồ Chí Minh

FILI