Chỉ số giá sản xuất của Trung Quốc giảm mạnh nhất trong 7 năm qua

Chỉ số giá sản xuất của Trung Quốc giảm mạnh nhất trong 7 năm qua

Lạm phát ở Trung Quốc vẫn ở mức thấp trong tháng 5/2023, khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hồi phục chậm vì nhu cầu yếu và xuất khẩu giảm mạnh.

Trung Quốc vẫn duy trì lãi suất thấp, trong khi hầu hết các quốc gia lớn đều nâng mạnh lãi suất để chống lạm phát. Trong tuần này, Canada và Australia gây sốc khi nâng lãi suất một lần nữa.

Trong tháng 5/2023, chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc giảm 4.6% so với cùng kỳ, mạnh hơn mức giảm 3.6% của tháng 4/2023 và là mức giảm mạnh nhất trong 7 năm qua. Trước đó, các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Reuters dự báo PPI giảm 4.3%.

Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng 0.2% trong tháng 5/2023, dữ liệu từ Trung Quốc cho thấy. Mức này yếu hơn dự báo tăng 0.3% của các chuyên gia kinh tế. Trước đó, CPI tháng 4 ở mức 0.1%, thấp nhất trong 2 năm.

Nếu so với tháng trước, CPI tháng 5 của Trung Quốc giảm 0.2%.

Rủi ro giảm phát ngày càng lớn

Dữ liệu giá tiêu dùng và giá sản xuất cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ hạ nhiệt thêm trong tháng 5. Trước đó, các báo cáo cho thấy hoạt động sản xuất ở Trung Quốc tiếp tục thu hẹp, xuất khẩu giảm lần đầu tiên trong 3 tháng qua và thị trường nhà ở chững đà hồi phục.

“Rủi ro giảm phát tiếp tục đè nén nền kinh tế”, Zhiwei Zhang, Chuyên gia kinh tế tại Pinpoint Asset Management, cho hay. “Các chỉ báo kinh tế gần đây đều chỉ ra nền kinh tế đang hạ nhiệt”.

Trong bối cảnh đó, nhiều chuyên gia lên tiếng kêu gọi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) giảm lãi suất. Trong đó, một chuyên gia kinh tế nổi tiếng và một cố vấn Chính phủ kêu gọi nới lỏng chính sách thêm.

Liu Yuanchun, Chủ tịch của Đại học Tài chính và Kinh tế Thượng Hải, cho rằng Trung Quốc nên hạ lãi suất để giảm bớt gánh nặng tài chính với các doanh nghiệp tư nhân và thúc đẩy đà hồi phục. Ông Liu trước đó đã cố vấn cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và cựu Thủ tướng Lý Khắc Cường.

Vũ Hạo (Theo CNBC)

FILI