Xuất khẩu kém khả quan, doanh thu tháng 4 của FMC tiếp tục đi xuống 

Xuất khẩu kém khả quan, doanh thu tháng 4 của FMC tiếp tục đi xuống 

Theo báo cáo cập nhật kết quả kinh doanh, tháng 4, CTCP Thực phẩm Sao Ta (HoSE: FMC) ghi nhận doanh thu 14 triệu USD, thấp hơn 26% so với cùng kỳ năm trước. Đà sụt giảm của FMC diễn ra trong bối cảnh xuất khẩu thủy sản của Việt Nam không mấy tươi sáng trong các tháng đầu năm 2023.

Doanh thu tiêu thụ hàng tháng của Sao Ta
(Đvt: Triệu USD)
Nguồn: VietstockFinane

Tháng 4, sản lượng tôm thành phẩm của Sao Ta giảm 13% so với cùng kỳ, đạt 1,423 tấn. Tiêu thụ tôm thành phẩm cũng giảm 24%, còn 1,174 tấn.

Tương tự, sản lượng nông sản thành phẩm giảm 7%, còn 216 tấn. Tiêu thụ nông sản thành phẩm đạt 93 tấn, thấp hơn 51% so với cùng kỳ.

Kết quả, doanh số chung tháng 4 của FMC còn thụt lùi so với tháng trước, xuống 14 triệu USD, và đi lùi 26% so với tháng 4/2022.

Về tình hình nuôi trồng, FMC cho biết bắt đầu thu hoạch tôm ở khu nuôi cũ 320 ha. Khu nuôi trồng mới với 200 ha đang tiến trình làm ao, dự kiến cuối tháng 5 bắt đầu thả nuôi.

Sự ảm đạm của Sao Ta được dự báo sẽ lún sâu hơn nữa nếu xuất khẩu thủy sản của Việt Nam không chuyển biến tích cực trong nửa cuối năm 2023. Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong tháng 4/2023 tiếp tục giảm 28% so với cùng kỳ, chỉ đạt 810 triệu USD. Lũy kế 4 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản chỉ trên 2.6 tỷ USD, thấp hơn 31%.

Riêng xuất khẩu tôm bị tác động mạnh bởi sự sụt giảm sang thị trường tiêu thụ lớn nhất là Mỹ. Tính đến hết tháng 4, giá trị xuất khẩu tôm đạt trên 891 triệu USD, giảm 44% so với cùng kỳ. Còn tại hai thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản, mức độ sụt giảm ít hơn so với Mỹ, và xuất khẩu tôm dù giảm nhưng được bù đắp bằng doanh thu từ hoạt động gia công chế biến xuất khẩu các mặt hàng hải sản cho các nhà chế biến, kinh doanh hải sản nước ngoài.

Đối với Sao Ta, Công ty hiện xuất hàng sang nhiều thị trường; Nhật Bản là thị trường chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu doanh thu, tiếp theo là Mỹ.

Cụ thể, từ cuối năm 2020, nhận thấy chi phí logistics tăng quá cao, FMC đã chuyển hướng đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường trong khu vực châu Á, trong đó có Nhật Bản. Riêng quý 1, thị trường này đóng góp hơn 40% vào cơ cấu doanh thu của Công ty.

Theo đó, FMC ghi nhận doanh thu thuần quý 1/2023 đạt 1,008 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ. Dù vậy, Công ty vẫn báo lãi ròng tăng 7% lên gần 44 tỷ đồng, thực hiện 11% kế hoạch lợi nhuận đề ra.

Kết quả kinh doanh hợp nhất quý 1/2023 của FMC
(Đvt: Tỷ đồng)

Trước đó, ĐHĐCĐ thường niên 2023 của Sao Ta đã thông qua mục tiêu doanh thu đạt 5,900 tỷ đồng và lãi trước thuế 400 tỷ đồng, tăng 22% so với kết quả năm trước. Kế hoạch đề ra dựa trên nền tảng có thêm cơ sở chế biến và vùng nuôi mới.

FMC cho biết từ nửa cuối tháng 5/2023, Công ty sẽ tăng doanh thu nhờ thu hoạch tôm. Giá bán còn tùy thuộc xu hướng thị trường thế giới nhưng tôm Việt Nam có trình độ chế biến cao và hàm lượng lao động cao hơn các nước khác nên giá bán cũng cao hơn.

Thế Mạnh

FILI