Startup giáo dục của “vợ cũ” Shark Bình gọi vốn 5 triệu USD từ quỹ đầu tư Singapore

Startup giáo dục của “vợ cũ” Shark Bình gọi vốn 5 triệu USD từ quỹ đầu tư Singapore

Theo DealStreetAsia, Teky Alpha JSC – startup giáo dục công nghệ do bà Đào Lan Hương sáng lập – đã gọi vốn thành công 5 triệu USD từ quỹ đầu tư Sweef Capital của Singapore. Đây cũng là khoản đầu tư đầu tiên của Sweef Capital với nguồn từ quỹ Trao quyền kinh tế cho Phụ nữ Đông Nam Á (Southeast Asia Women’s Economic Empowerment Fund).

Được biết, nhà đầu tư trước đó là Strategic Year Holdings – một doanh nghiệp đầu tư của Hồng Kông (Trung Quốc) – cũng tham gia vòng gọi vốn này.

Khoản đầu tư sẽ được dùng để hỗ trợ tăng trưởng trong mảng dịch vụ giáo dục của Teky tại các hệ thống trường học và chương trình ngoại khóa dành cho trẻ từ 5 - 18 tuổi tại Việt Nam, theo như thông báo từ Teky.

Teky (CTCP Công nghệ & Sáng tạo Trẻ Teky Holdings) do bà Đào Lan Hương – người còn được biết tới là “vợ cũ” (dù chưa chính thức ly hôn) của doanh nhân Nguyễn Hòa Bình (hay Shark Bình) – sáng lập vào năm 2016, tập trung vào phương pháp giáo dục STEAM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, nghệ thuật, toán học). Theo thông tin từ DealStreetAsia, Teky đã vận hành tại 5 thành phố lớn ở Việt Nam, hợp tác cùng hơn 45 trường học để cung cấp chương trình STEAM.

Tại ngày 04/05 mới đây, Teky vừa mới đăng ký thay đổi vốn điều lệ từ hơn 20.6 tỷ đồng lên gần 22 tỷ đồng. Trong đó phần vốn nước ngoài chiếm 6.25%, do Strategic Year Holdings Limited (trụ sở tại British Virgin Islands) góp. Được biết, Strategic Year đã đầu tư vào Teky từ năm 2020 và trở thành nhà đầu tư bên ngoài đầu tiên của startup này.

Cơ cấu vốn điều lệ của TEKY
Doanh nhân Đào Lan Hương

“Khoản đầu tư vào Teky sẽ đóng góp vào việc xây dựng kỹ năng nền tảng cho trẻ em, đặc biệt là khả năng giải quyết vấn đề, tư duy sáng tạo cũng như phản biện. Đó đều là những kỹ năng quan trọng với sự nghiệp và sự sáng tạo”, trích lời Jennifer Buckley, nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc Sweef Capital.  

Theo DealStreetAsia, Teky lên kế hoạch mở rộng thêm 40 trung tâm giáo dục cùng hàng trăm phòng thí nghiệm tại các trường học đến năm 2024. Với mức tăng trưởng này, doanh nghiệp hướng đến việc nắm thị phần mảng công nghệ giáo dục không chỉ tại Việt Nam, mà còn cả khu vực Đông Nam Á.

Chia sẻ thêm với DealStreeAsia, bà Đào Lan Hương cho rằng giáo dục Việt Nam phải sớm bắt kịp xu thế thay đổi hiện tại, để lực lượng lao động tương lai thu hẹp được khoảng cách giữa khu vực và toàn cầu, đồng thời nắm bắt cơ hội trong kỷ nguyên chuyển đổi số 4.0.

Được biết, Sweef Capital là công ty đầu tư tư nhân có trụ sở từ Singapore, tập trung rót vốn vào các công ty đang có giai đoạn tăng trưởng, chủ yếu ở Việt Nam, Indonesia và Philippines. Mục tiêu đầu tư là các mảng giáo dục, chăm sóc sức khỏe, hệ thống thực phẩm và ổn định khí hậu – đều là những mảng đang chứng kiến nhu cầu gia tăng trong những năm gần đây.

Trước đó vào tháng 4, một startup công nghệ giáo dục khác tại Việt Nam là MindX đã gọi được 15 triệu USD từ quỹ Kaizenvest, trong vòng gọi vốn thứ 2 (series B). Trong số nhà đầu tư khác tham gia vòng gọi vốn này có cả Aksorn từ Thái Lan, Mynavi từ Nhật Bản.

Ngoài ra, một vài startup cùng lĩnh vực khác cũng kêu gọi vốn thành công trong năm 2022 có cả VUIHOC, Marathon và Azota.

* Vợ Shark Bình đã thoái sạch vốn khỏi NextTech từ 2 năm trước

Châu An

FILI