Nhiều doanh nghiệp xi măng thua lỗ nặng vì xuất khẩu ảm đạm
Nhiều doanh nghiệp xi măng thua lỗ nặng vì xuất khẩu ảm đạm
Lạm phát, lãi suất, chi phí nguyên vật liệu tăng cao, tiêu thụ sụt giảm làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh trong quý 1/2023 của phần lớn doanh nghiệp xi măng, dẫn đến một số đơn vị thua lỗ.
Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA), xuất khẩu xi măng, clinker quý 1/2023 tiếp tục bị ảnh hưởng bởi lạm phát từ các thị trường lớn như Trung Quốc, Bangladesh, Philippines… khiến cả sản lượng lẫn trị giá xuất khẩu xi măng của Việt Nam đều sụt giảm kỷ lục.
Sản lượng xuất khẩu trong quý 1 đạt 8.1 triệu tấn với kim ngạch 345 triệu USD, giảm 25% (tương ứng mức giảm trên 100 triệu USD) so với cùng kỳ năm trước.
Trong năm 2023, VNCA nhận định, xuất khẩu xi măng và clinker tiếp tục khó khăn khi nhu cầu của thị trường chính là Trung Quốc vẫn “bất động”. Tuy Trung Quốc có mở cửa trở lại, nhưng chưa thực sự khởi sắc. Trong khi, thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam là Philippines mới đây cũng đã công bố áp thuế chống bán phá giá tạm thời với xi măng Việt Nam.
Ngoài ra, việc tăng thuế xuất khẩu với mặt hàng clinker từ 5% lên 10% từ ngày 01/01/2023 cũng đang khiến doanh nghiệp điêu đứng vì giá bán không đủ bù đắp chi phí sản xuất và thuế.
Các khoản lỗ
Không bất ngờ khi các doanh nghiệp ngành xi măng thông báo tình hình kinh doanh quý 1/2023 với nhiều doanh nghiệp có lỗ nặng.
Nguồn: VietstockFinance
|
Theo thống kê của Vietstock, 24 doanh nghiệp xi măng (trên HOSE, HNX và UPCoM) đã công bố BCTC quý 1/2023 có 5 doanh nghiệp lãi tăng, 9 doanh nghiệp lãi giảm, 2 doanh nghiệp có lãi (năm trước lỗ) và 8 doanh nghiệp báo lỗ.
Tổng doanh thu của các doanh nghiệp này đạt 6,141 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, tổng lợi nhuận ròng âm 94 tỷ đồng, trong khi quý 1/2022 lãi 258 tỷ đồng. Kết quả chung cuộc bị ảnh hưởng đáng kể bởi khoản lỗ của những doanh nghiệp đầu ngành.
Cụ thể, ba tháng đầu năm nay, Xi Măng Vicem Hà Tiên (HOSE: HT1) đạt doanh thu 1,691 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ. Trong khi đó, giá vốn tăng 30% do tác động giá than, giá dầu thế giới tăng cao làm ảnh hưởng tới giá thành sản xuất, khiến HT1 lỗ kỷ lục 86 tỷ đồng, đây là mức lỗ quý nặng nhất từ khi niêm yết 2007 tới nay.
Doanh thu của Xi măng Bỉm Sơn (HNX: BCC) đạt 875 tỷ đồng, giảm 26%. Kết quả lỗ 47 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lãi hơn 70 tỷ đồng. Xi măng VICEM Bút Sơn (HNX: BTS) cũng lỗ 15 tỷ đồng với doanh thu 653 tỷ đồng, giảm 12%. BTS cho biết dư cung tiếp tục ở mức cao, tiêu thụ trong nước gần như không tăng. Thị trường xuất khẩu đối diện với hàng loạt yếu tố không thuận lợi, các nước nhập khẩu xi măng, clinker chính của Việt Nam như Philippines tiếp tục thực hiện nhiều chính sách bảo hộ sản xuất trong nước, dựng hàng rào kỹ thuật thương mại. Trung Quốc chưa gia tăng nhu cầu nhập clinker, dẫn đến việc lợi nhuận giảm so với cùng kỳ năm 2022.
Những ông lớn đầu ngành đều đón nhận kết quả kém tích cực trong quý đầu năm, điều này cho thấy phần nào việc đưa ra chỉ tiêu năm 2023 của các doanh nghiệp đều rất thận trọng. Hầu hết đều đặt mục tiêu giảm sản lượng clinker, trong đó BBC giảm 9%, HT1 giảm 4%, BTS giảm 1% so với thực hiện năm 2022.
Doanh thu và lợi nhuận mục tiêu của HT1 tăng trưởng khiêm tốn lần lượt là 1% và 7%. BBC và BTS dù đặt doanh thu cao hơn năm 2022 nhưng lợi nhuận lại giảm sâu lần lượt 56% và 41%.
Kế hoạch kinh doanh trong năm 2023 của HT1, BBC và BTS
Nguồn: VietstockFinance
|
Điểm sáng “le lói”
Các doanh nghiệp đầu ngành kinh doanh ảm đạm là vậy nhưng vẫn còn một số doanh nghiệp ngành xi măng tăng trưởng, điển hình như Bê tông Hòa Cầm - Intimex (HNX: HCC) doanh thu tăng 7% đạt 53 tỷ đồng, lợi nhuận tăng vượt trội 150%, đạt gần 2 tỷ đồng.
Tiếp đó là Sông Đà Cao Cường (UPCoM: SCL) doanh thu 92 tỷ đồng, tăng 30%; lãi ròng 4 tỷ đồng, tăng 42%. Xi măng VICEM Hoàng Mai (HNX: HOM) với doanh thu 449 tỷ đồng, tăng 5%; lãi ròng tăng 9% đạt hơn 400 triệu đồng.
Xi măng La Hiên VVMI (HNX: CLH) tuy doanh thu giảm 10% còn 157 tỷ đồng nhưng lãi ròng đạt 10 tỷ đồng, tăng 7%. Cuối cùng là Xi măng Sài Sơn (UPCoM: SCJ) doanh thu tăng 18%, đạt 252 tỷ đồng; lợi nhuận hơn 600 triệu đồng, tăng nhẹ 5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chi phí lãi vay tăng cao
Tổng chi phí lãi vay của 24 doanh nghiệp ngành xi măng nói trên tăng 58%, lên 116 tỷ đồng so với quý 1/2022. Với 19 doanh nghiệp chi phí lãi vay tăng, 4 doanh nghiệp giảm và 1 doanh nghiệp không biến động.
Chi phí lãi vay của 24 doanh nghiệp xi măng trong quý 1/2023
Nguồn: VietstockFinance
|
Trong đó, lãi vay tăng nhiều nhất là HOM với 187%, lên 4.4 tỷ đồng; theo sau là VICEM Thạch cao Xi măng (HNX: TXM) tăng 151%, mức 600 triệu đồng; Xây lắp và Vật liệu Xây dựng Đồng Tháp (UPCoM: BDT) 6 tỷ đồng, tăng 127% và HT1 là 35 tỷ đồng, tăng 112%. Đáng chú ý, Tấm lợp Vật liệu Xây dựng Đồng Nai (UPCoM: DCT) phát sinh 20 tỷ đồng lãi vay trong khi cùng kỳ không có.
Trái ngược, chi phí lãi vay của Xi măng Quán Triều VVMI (UPCoM: CQT) giảm 30% còn hơn 3 tỷ đồng; Xi măng VICEM Hải Vân (HOSE: HVX) giảm 27% còn 1.7 tỷ đồng; CLH và HCC hầu như không thay đổi nhiều so với cùng kỳ năm trước.
Dự báo mức tiêu thụ xi măng trong nước tiếp tục đi ngang
VNCA cho hay, nhu cầu tiêu thụ xi măng từ nửa cuối năm 2022 có xu hướng chững lại do nhu cầu xây mới và sửa chữa nhà cửa, công trình… ở mức thấp.
Số liệu của Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho thấy, dự kiến nhu cầu tiêu thụ toàn ngành xi măng trong năm 2023 đạt khoảng 100 - 105 triệu tấn (dự kiến tăng 7 - 10% so với năm 2022). Trong đó, tiêu thụ nội địa khoảng 60 - 65 triệu tấn và xuất khẩu khoảng 35 - 40 triệu tấn.
Theo phân tích của SSI Research, mức tiêu thụ xi măng trong nước năm 2023 sẽ đi ngang so với năm 2022 do thị trường bất động sản suy yếu, nhưng điểm sáng tích cực từ đầu tư công với kế hoạch năm 2023 ước tính sẽ tăng 25% so với cùng kỳ về giá trị, đóng vai trò là động lực hỗ trợ tiêu thụ xi măng trong nước.
Bên cạnh đó, SSI dự báo Trung Quốc mở cửa trở lại trong nửa cuối năm 2023. Điều này có thể giúp giảm áp lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp ở miền Bắc và miền Trung của Việt Nam. Tuy nhiên, áp lực trong nước cũng tăng lên khi công suất toàn ngành tăng từ 3 - 10% trong giai đoạn 2022 - 2023 và dẫn đến việc cạnh tranh giá bán xi măng.
Do đó, SSI Research kỳ vọng tỷ suất lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp xi măng cải thiện trong khoảng 2 - 3% so với cùng kỳ do giá than điều chỉnh giảm và thị trường xuất khẩu có thể phục hồi trong nửa cuối năm 2023.
Thanh Tú