IEA: Trung Quốc tiêu thụ dầu kỷ lục trong tháng 3

IEA: Trung Quốc tiêu thụ dầu kỷ lục trong tháng 3

Nhu cầu dầu của Trung Quốc đang tăng nhanh hơn dự báo, qua đó có thể siết chặt thị trường dầu thô và đẩy giá dầu lên cao hơn, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết.

Báo cáo triển vọng mới nhất của IEA cho thấy khoảng cách ngày càng rộng về nhu cầu dầu giữa các khu vực. Trong khi khu vực của các nền kinh tế có nhu cầu ngày càng cao, thì châu Âu và Bắc Mỹ lại khá ảm đạm.

IEA quan sát thấy sự không hợp lý giữa giá dầu và kỳ vọng về cung cầu. Theo cơ quan này, giá dầu đã giảm xuống mức thấp nhất trong 16 tháng. Trong khi đó, nhu cầu được kỳ vọng ở mức cao, còn nguồn cung hạn chế, điều này lẽ ra phải nhấc bổng giá dầu.

Trong báo cáo thị trường dầu hàng tháng vừa công bố, IEA nâng dự báo nhu cầu dầu toàn cầu lên 102 triệu thùng/ngày trong năm 2023, tăng 2.2 triệu thùng/ngày so với năm trước và cao hơn 100,000 thùng/ngày so với ước tính của tháng trước.

Trong đó, Trung Quốc đóng góp tới 60% mức tăng trong năm 2023. Theo IEA, nhu cầu ở nước này tiếp tục tăng vượt kỳ vọng và trong tháng 3/2023, đã chạm mức kỷ lục 16 triệu thùng/ngày.

Nhu cầu dầu được kỳ vọng tăng mạnh ở Trung Quốc và các nước đang phát triển. Trong khi đó, nhu cầu ở các nước phát triển lại khá thấp vì kinh tế bị tác động bởi lãi suất và lạm phát cao. Việc Chính phủ phương Tây kêu gọi giảm bớt nhiên liệu hóa thạch cũng góp phần nới rộng khoảng cách với các nền kinh tế đang phát triển. Các nước đang phát triển vẫn coi dầu thô và than đá là nhiên liệu có chi phí vừa phải.

Theo IEA, nhu cầu dầu ở các quốc gia thuộc Tổ chức Phát triển và Hợp tác Kinh tế (OECD) sẽ tăng thêm 350,000 thùng/ngày trong năm 2023, đóng góp 16% vào mức tăng trưởng về nhu cầu. Phần còn lại (khoảng 1.9 triệu thùng/ngày) sẽ đến từ các quốc gia bên ngoài OECD, chủ yếu là từ châu Á.

Thị trường dầu sẽ thiếu cung?

IEA cho rằng thị trường dầu sẽ rơi vào tình trạng thiếu cung trong năm 2023 vì các nhà sản xuất không thể bắt kịp đà tăng của nhu cầu. Nhu cầu được dự báo vượt nguồn cung trong quý 2/2023 và mức thiếu hụt sẽ tăng lên khoảng 2 triệu thùng/ngày vào cuối năm nay.

Nguồn cung dầu toàn cầu được dự báo đạt trung bình hơn 101 triệu thùng một ngày trong năm 2023, tăng 1.2 triệu thùng so với năm ngoái.

Những động thái gần đây của các ông lớn sản xuất dầu trên thế giới chỉ càng làm gia tăng thêm lo ngại thiếu cung. Một số thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu Mỏ (OPEC) dự kiến cắt giảm sản lượng hơn 1 triệu thùng/ngày từ tháng này. Trong khi đó, các nhà sản xuất dầu ở Mỹ tỏ vẻ không muốn đầu tư vào mở rộng sản xuất.

Tuy nhiên, bất chấp dự báo của IEA về thị trường dầu căng thẳng, giá dầu thô hiện vẫn trong xu hướng giảm. Lo ngại về sức khỏe hệ thống ngân hàng Mỹ là vấn đề mới nhất tác động lên triển vọng kinh tế toàn cầu, gây sức ép lên giá dầu thô.

Trong khi đó, nguồn cung từ Nga vẫn cao hơn dự báo, qua đó càng gây áp lực lên giá dầu. Xuất khẩu dầu của Nga chạm mốc 8.3 triệu thùng/ngày trong tháng 4/2023, mức cao nhất kể từ cuộc chiến ở Ukraine nổ ra.

Vũ Hạo (Theo WSJ)

FILI