Góc nhìn 26/05: Duy trì xu hướng phân hóa?

Góc nhìn 26/05: Duy trì xu hướng phân hóa?

Theo VCBS, xét về khung đồ thị giờ, RSI và MACD đã cho tín hiệu tạo đáy đầu tiên, tuy nhiên chỉ báo ADX vẫn đang ở mức thấp cho thấy VN-Index sẽ vẫn duy trì xu hướng phân hóa, tăng giảm đan xen từ 3-5 phiên tới.

Duy trì xu hướng phân hóa

CTCK Vietcombank (VCBS): Về góc nhìn kỹ thuật, lực cầu về cuối phiên 25/05 đã giúp cho VN-Index tạo nến tương tự mẫu hình nến hammer. Trong 10 phiên giao dịch gần nhất, VN-Index liên tục rung lắc và lực cầu luôn xuất hiện trở lại khi chỉ số chung chạm 1,055-1,060 điểm, thể hiện vùng điểm này hiện vẫn đang là hỗ trợ đáng tin cậy của thị trường trong ngắn hạn. Xét về khung đồ thị giờ, RSI và MACD đã cho tín hiệu tạo đáy đầu tiên, tuy nhiên chỉ báo ADX vẫn đang ở mức thấp cho thấy VN-Index sẽ vẫn duy trì xu hướng phân hóa, tăng giảm đan xen từ 3-5 phiên tới.

VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư tiếp tục duy trì tỷ trọng cổ phiếu, chỉ giải ngân thêm khi VN-Index có xu hướng vượt lên trên vùng điểm 1,070 điểm và thanh khoản mua chủ động gia tăng tốt trở lại.

Đang trong vùng điều chỉnh tích lũy

CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS):  Thị trường hồi phục trong phiên 25/05 giúp VN-Index vẫn duy trì điểm số trên nền tảng tích lũy nhỏ (1,055-1,060 điểm) và trong ngắn hạn vẫn đang trong sóng hồi hình thành gần 3 tuần qua và đang trong vùng điều chỉnh tích lũy. Trong kịch bản tích cực mục tiêu của chỉ số có thể là khu vực kháng cự 1,100-1,150 điểm tương ứng với vùng đỉnh cũ của các sóng hồi trước đây. Tuy nhiên rủi ro VN-Index đánh mất nền tích lũy trên vẫn có thể xảy ra dù không cao thì ngưỡng hỗ trợ của chỉ số sẽ quanh vùng 1,050 điểm.

SHS khuyến nghị nhà đầu tư ngắn hạn vẫn có thể xem xét mua vào trong các phiên điều chỉnh đối với các cổ phiếu thu hút được dòng tiền và vận động tích cực, tuy nhiên nên duy trì tỷ trọng ở mức trung bình.

Đi ngang trong ngắn hạn

CTCK KB Việt Nam (KBSV): VN-Index giảm điểm giằng co trong phiên 25/05 trước khi dần hồi phục và tăng điểm nhẹ về cuối phiên. Ngưỡng hỗ trợ gần quanh 1,055 điểm đã cho phản ứng sớm và giúp cho chỉ số hồi phục trở lại sau hai phiên giảm điểm liên tiếp. Mặc dù vậy, với xu hướng giảm điểm trong trung hạn vẫn đóng vai trò chủ đạo, VN-Index cần sớm vượt qua ngưỡng cản đáng lưu ý quanh 1,070 điểm (+/-3 điểm) nhằm tránh rủi ro bước vào nhịp điều chỉnh trở lại.

Với xu hướng giảm điểm chủ đạo trong trung hạn, đi ngang trong ngắn hạn, nhà đầu tư được khuyến nghị chỉ tham gia trading với 1 tỷ trọng thấp, kê mua khi giá cổ phiếu điều chỉnh về lại hỗ trợ và tránh mua đuổi trong các nhịp tăng vượt đỉnh.

Vận động trong kênh giá hẹp

CTCK Tiên Phong (TPS)VN-Index chững lại đà giảm khi chỉ số lui về sát mức hỗ trợ 1,055 điểm (nơi hội tụ của đường SMA 20, 50 và 100 ngày) ngay trong phiên 25/05. Kết quả này cho thấy vùng giá có sự góp mặt của nhiều hỗ trợ đáng tín cậy đã thu hút lực cầu trở lại.

Hiện tại, chỉ số chung vẫn đang vận động trong kênh giá hẹp với cận trên là mức 1,080 điểm (đỉnh liền kề và đường SMA 200 ngày) và cận dưới là mức 1,055 điểm. Tuy nhiên, điểm tích cực của thị trường vẫn là khối lượng giao dịch vẫn được duy trì ở mức cao (trên mức trung bình 20 phiên) thể hiện dòng tiền vẫn đang được giữ ở mức ổn định và đây là cơ sở để kỳ vọng lực cầu sẽ nhanh chóng trở lại quanh mức hỗ trợ 1,060 điểm.

Tiếp tục tích lũy

CTCK BIDV (BSC): Thị trường tiếp tục tích lũy trong vùng 1,060-1,070 điểm và kết phiên tại mốc 1,064.63 điểm, tăng nhẹ gần 3 điểm so với phiên 24/05. Số mã tăng nhiều hơn số mã giảm, 10/19 ngành tăng điểm, cho thấy dòng tiền vẫn đang có xu hướng luân chuyển giữa các ngành và tập trung vào một số mã nhất định thuộc từng ngành. Về giao dịch của khối ngoại, phiên 25/05 khối này bán ròng trên sàn HOSE và mua ròng trên sàn HNX. BSC kỳ vọng thị trường sẽ bật tăng sau khi xu hướng tích lũy này kết thúc.

 

Dưới vùng kháng cự 1,070 điểm

CTCK Đông Á (DAS): Thị trường chung đang đi ngang khi VN-Index vẫn giao dịch dưới vùng kháng cự 1,070 điểm, nhà đầu tư có thể quan tâm nhóm cổ phiếu có điều kiện thuận lợi khi Chính phủ thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công hay nhóm thiếu yếu như điện, năng lượng.

Giằng co

CTCK Asean (Aseansc): Khả năng thị trường sẽ cần phải tích lũy thêm trước khi có xu hướng rõ ràng hơn. Dự báo trong phiên giao dịch tới (26/05), sự giằng co có thể sẽ diễn ra giữa lực mua tại hỗ trợ 1,055-1,060 điểm và lực bán tại kháng cự 1,065-1,070 điểm, trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày.

Dòng tiền vẫn ở mức ổn định

CTCK Tiên Phong (TPS): Hiện tại, chỉ số chung vẫn đang vận động trong kênh giá hẹp với cận trên là mức 1,080 điểm (đỉnh liền kề và đường SMA 200 ngày) và cận dưới là mức 1,055 điểm. Tuy nhiên, điểm tích cực của thị trường vẫn là khối lượng giao dịch vẫn được duy trì ở mức cao (trên mức trung bình 20 phiên) thể hiện dòng tiền vẫn đang được giữ ở mức ổn định và đây là cơ sở để kỳ vọng lực cầu sẽ nhanh chóng trở lại quanh mức hỗ trợ 1,060 điểm.

Rủi ro ngắn hạn có chiều hướng tăng dần

CTCK Yuanta Việt Nam (Yuanta): Thị trường có thể sẽ tiếp tục đi ngang quanh mức hiện tại và nhịp điều chỉnh vẫn có thể xảy ra trong phiên kế tiếp (26/05). Đồng thời, thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích lũy ngắn hạn cho nên các chỉ số có thể sẽ biến động hẹp với thanh khoản thấp trong vài phiên tới, nhưng Yuanta đánh giá rủi ro ngắn hạn có chiều hướng tăng dần cho nên kịch bản điều chỉnh vẫn có thể sẽ còn xảy ra trong những phiên tới. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý thay đổi không đáng kể cho thấy nhà đầu tư chưa hành động rõ ràng với diễn biến thị trường hiện tại.

Xu hướng đi ngang sẽ duy trì

CTCK Agribank (Agriseco): Đồ thị kỹ thuật hình thành cây nến Doji xanh từ vùng hỗ trợ mạnh 1,055-1,060 điểm (điểm hội tụ giữa 3 đường MA20, MA50 và MA100). Tuy nhiên, thanh khoản không đột biến cho thấy lực cầu vẫn đang quan sát. Dự báo xu hướng đi ngang sẽ duy trì trong phiên cuối tuần (26/05). Agriseco khuyến nghị Nhà đầu tư tiếp tục lướt sóng theo dòng tiền với các nhóm như dầu khí và khu công nghiệp, bên cạnh đó có thể giải ngân vào nhóm kỳ vọng KQKD quý 2 tăng trưởng so với cùng kỳ như nhóm nhiệt điện, chăn nuôi và công nghệ.

 

Khang Di

FILI