Cục diện nào cho ngành taxi khi tỷ phú Phạm Nhật Vượng tham gia vào thị trường

Cục diện nào cho ngành taxi khi tỷ phú Phạm Nhật Vượng tham gia vào thị trường

Ông Phạm Nhật Vượng tham gia vào mảng taxi thông qua CTCP Di chuyển Xanh và Thông minh (Green and Smart Mobility – GSM) với số vốn điều lệ đăng ký ban đầu 3,000 tỷ đồng, đầu tư tối thiểu 10,000 xe taxi điện và cho thuê, cũng như 100,000 xe máy điện. Số lượng lớn xe này sẽ chia nhỏ thị phần taxi vốn đang rất khó khăn.

10,000 taxi điện của GSM có nhiều ưu điểm so với taxi truyền thống. Thứ nhất, xe mới, công nghệ mới, lý tưởng cao đẹp của mảng xe điện, kích thích khách hàng trải nghiệm.

Thứ hai, giá cước có thể rất hấp dẫn giai đoạn đầu. Bài toán quay ngược lại như lúc Grab, Uber đổi tiền lấy thị phần.

Thứ ba, cơ chế trả lương hấp dẫn sẽ hút tài xế từ taxi công nghệ và truyền thống. Hiện nay các hãng taxi cũng đang thiếu nhân lực do giá xăng tăng và doanh thu sụt giảm làm giảm thu nhập của tài xế, rất nhiều tài xế đã đổi nghề. Cơ chế trả lương 11 triệu đồng cộng với 25% doanh số có thể là ảnh hưởng mạnh đến hệ thống tài xế của taxi truyền thống và công nghệ.

Thứ tư, khả năng chịu lỗ “chưa thể ước lượng”. Điều này ngay cả Grab cũng không chịu đựng được. Vì đơn giản có thể hãng taxi này cũng chỉ là một công cụ quảng cáo cho VinFast giúp tăng trải nghiệm khách hàng. Chuyện GSM chịu lỗ để VinFast giảm lỗ tiến đến có lãi là một chiến lược khôn ngoan về tài chính trong tổng thể đại cục. Cổ đông Vingroup sẽ hưởng lợi từ điều này thông qua phần góp trong VinFast. 

Như vậy có thể thấy, các hãng taxi truyền thống lẫn công nghệ, gồm những ông lớn như Vinasun, Grab sẽ bị ảnh hưởng về thị phần, doanh số, nhân sự trong thời gian tới.

Mặc dù có những lợi thế trên nhưng không hẳn GSM sẽ tạo ra lợi nhuận, hoặc đánh bại ngay được các mô hình hiện có. GSM là người mới trong ngành taxi. Ngành này đòi hỏi tính chi tiết khá nhiều. Rất khó để tin GSM có thể thành công về mặt tài chính ngay lập tức. Do đó, có sơ sở để kỳ vọng rằng, với thực trạng hiện nay nếu VinFast chưa bật nhanh, các hãng taxi có thể cầm cự 3 - 5 năm.

Trong một giả định khác, nếu GSM chọn thế đối đầu với các hãng taxi hiện tại, chưa chắc họ thành công, nguồn lực của các bên khả năng sẽ bị sụt giảm đáng kể trong cuộc chiến này. Thế trận, tất cả cùng thua (về mặt lợi nhuận) là điều có thể nhìn thấy trong mảng taxi.

Taxi điện của GSM

Hướng đi nào cho Vinasun cũng như những hãng taxi khác?

Mới đây GSM và Be Group - Công ty công nghệ Việt Nam với nền tảng tiêu dùng đa dịch vụ “be” chung tay ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư, hướng tới mục tiêu đưa ô tô điện và xe máy điện vào dịch vụ vận tải đầu tiên tại Việt Nam, mở ra một trang sử mới cho ngành giao thông xanh.

Đây có thể là hướng ra cho các công ty taxi và GSM. Nếu các bên cùng ngồi lại hướng tới một ngành taxi xanh cho quốc gia. Dù vậy, việc chuyển đổi từ xe xăng qua xe điện là một quá trình rất khó nghịch đảo, ngay các công ty taxi truyền thống hay taxi công nghệ cũng rất khó thoát ra được xu thế này.

Với hơn 70,000 taxi truyền thống cũng như số lượng không ít hơn các taxi công nghệ, GSM có lẽ muốn họ trở thành khách hàng của mình hơn là đối thủ. GSM cần gia tăng trải nghiệm khách hàng sử dụng xe điện nhanh nhất qua mảng taxi, nhưng đi kèm đó sẽ là chi phí chưa thể ước lượng.

Nếu đi theo hướng cung cấp, cho thuê xe, rót vốn vào các doanh nghiệp taxi sẵn có, GSM có thể sẽ có lợi nhuận ngay từ lúc bắt đầu hoạt động.

Các hãng taxi cũng không mất gì, mỗi năm họ đều phải tái xoay vòng đầu tư một số lượng xe mới. Giờ đây thay vì họ mua xe xăng thì sẽ chuyển sang thuê hoặc mua xe điện, để đổi lại việc bớt đi một đối thủ khổng lồ bước vào chiếm thị trường.

Từ thế lưỡng bại câu thương rất có thể sẽ chuyển thành đôi bên cùng có lợi. Ông Phạm Nhật Vượng sẽ có doanh nghiệp có lợi nhuận ngay từ lúc bắt đầu mà không phải dồn lực thêm vào những cuộc chiến không cần thiết.

Một quốc gia mà du lịch là một trong những ngành trọng điểm với một chiến lược xanh hoá toàn bộ taxi, có lẽ sẽ đặt một dấu ấn không nhỏ trên bình diện thế giới, như một công cụ thu hút du khách. Điều này có thể có lợi cho mảng du lịch.

Nếu một quá trình đã được xác định là khó nghịch đảo thì tại sao không để nó diễn ra càng nhanh càng tốt.

Ngày 27/03/2023, Công ty TNHH Đồng Thúy - đơn vị sở hữu thương hiệu Lado Taxi đã ký kết hợp đồng thuê và mua số lượng lớn xe ô tô điện với CTCP Di chuyển Xanh và Thông minh (GSM) và Công ty TNHH Kinh doanh Thương mại và Dịch vụ VinFast, nhằm mở rộng hoạt động kinh doanh taxi điện tại Lâm Đồng, Bình Định và các khu vực khác.

Lado Taxi là một trong những doanh nghiệp vận tải hành khách tiên phong đưa ô tô điện VinFast vào hoạt động. Để đầu tư và mở rộng dịch vụ taxi điện lên quy mô lớn, Lado Taxi đã quyết định đặt mua 40 xe VF e34 từ VinFast, bổ sung vào đội xe điện VF e34 đã đi vào vận hành chuyên nghiệp. Đồng thời, Lado Taxi cũng đã ký hợp đồng thuê 300 xe VF e34 và 200 xe VF 5 Plus thông qua Công ty GSM. Thời hạn thuê là 42 tháng kể từ ngày ký hợp đồng chính thức, có thể được gia hạn tuỳ vào nhu cầu sử dụng thực tế.

Với quy mô lên đến hơn 600 taxi điện, cùng với Taxi Xanh SM, Lado Taxi trở thành doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực vận tải hành khách xanh, thân thiện với môi trường và người dùng tại Việt Nam.

Trần Vương

FILI