Chuyên gia SSI: Thông tư 02 là liều thuốc quý cho các ngân hàng đến nửa cuối 2024

Chuyên gia SSI: Thông tư 02 là liều thuốc quý cho các ngân hàng đến nửa cuối 2024

Trong chương trình Gõ cửa tháng mới của Chứng khoán SSI, các chuyên gia của công ty đã có những chia sẻ xoay quanh câu chuyện lợi nhuận của ngành ngân hàng cũng như triển triển vọng của ngành này trong thời gian tới.

Chương trình có sự góp mặt của ông Trương Minh Phương Duy - Chuyên gia Phân tích ngành ngân hàng từ SSI Research và host là bà Hoàng Việt Phương - Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư.

Talkshow gõ cửa tháng mới từ SSI Research

“Chẩn đoán” sức khỏe các ngân hàng trong quý 1/2023

Với tình hình kết quả kinh doanh các ngân hàng Việt Nam đã công bố, bà Phương cho biết tăng trưởng tín dụng quý 1/2023 của các ngân hàng SSI theo dõi chỉ ở mức 4.2% kể từ cuối 2022, cùng kỳ năm trước là 7.2%.

Điều này cũng không có gì ngạc nhiên khi nhìn vào con số lợi nhuận trước thuế mà các ngân hàng công bố trong nhóm chúng tôi theo dõi, có sự phân hóa rất rõ. Nhóm Big4 ngân hàng, lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng này tăng trưởng tích cực 19% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng nhóm TMCP tư nhân lại có bức tranh khác là giảm 14.3%.

Có một lý do ở đây là do liên quan đến trường hợp VPB. Quý 1 năm trước, VPB có ghi nhận khoản lợi nhuận bất thường từ phí nhận trước của bancassurance. Nếu loại bỏ ảnh hưởng của khoản này đi, thì lợi nhuận của các Ngân hàng TMCP tư nhân chỉ giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ”.

Còn theo ông Duy đánh giá, bức tranh chung của các ngân hàng quý 1/2022 là NIM co lại và nợ xấu đang tăng lên. Cụ thể, NIM đã giảm khoảng 18 điểm cơ bản so với quý 4/2022, trong khi đó nợ xấu và nợ nhóm 2 tăng lần lượt 24% và 41% so với cuối năm 2022. Việc nợ xấu tăng lên đã được dự báo trước, khi lãi suất cho vay vẫn còn neo ở mức cao sẽ ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của người đi vay.

Tuy nhiên, các ngân hàng trong quý 1 chưa trích dự phòng tương xứng với mức tăng của tỷ lệ nợ xấu, nên tỷ lệ bao phủ nợ xấu hiện tại giảm mạnh so với cuối năm 2022. Trong nửa cuối 2023, kỳ vọng tình hình sẽ được cải thiện.

NIM và tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng niêm yết. Ảnh chụp màn hình.

Chúng ta cũng không nên quá bi quan với tình hình hiện tại, chúng tôi tin rằng NHNN và Chính phủ sẽ điều hành CSTT linh hoạt hơn và đưa mặt bằng lãi suất cho vay về mức hấp dẫn hơn, hỗ trợ các doanh nghiệp phục vụ mục đích sản xuất kinh doanh. Kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ khởi sắc hơn nửa cuối 2023, làm NIM sinh lời và chất lượng tài sản ổn định hơn”.

Cuối cùng, bà Phương “chẩn đoán” sức khỏe các ngân hàng hiện tại vẫn còn khá tốt. Đối với 15 ngân hàng niêm yết, bao gồm TMCP nhà nước và TMCP tư nhân, lợi nhuận trước thuế quý 1 giảm là 3.7% so với cùng kỳ. Trong khi đó, nhìn toàn bộ trên HOSE thì mức giảm lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng công bố (tính đến 09/05) có mức giảm 18%.

Thông tư 02 là liều thuốc quý cho các ngân hàng đến nửa cuối 2024

Ông Duy cho biết, chưa năm nào Chính phủ và NHNN ban hành nhiều Thông tư và Nghị định đến vậy. Ông Duy nhìn nhận Thông tư 02 được NHNN ban hành hồi tháng 4 vừa rồi đóng vai trò rất quan trọng cho triển vọng nền kinh tế cũng như triển vọng ngành ngân hàng trong thời gian tới, vì giúp cho ngân hàng và doanh nghiệp tìm được tiếng nói chung trong việc đưa ra lịch trình trả nợ phù hợp trong tình hình kinh tế hiện tại.

Chia sẻ chi tiết hơn về tác động, ông Duy nhận thấy Thông tư 02 mang hơi hướng như các thông tư được ban hành trong thời kỳ COVID-19 là cơ cấu nợ nhưng giữ nguyên nhóm nợ, nhưng các ngân hàng phải trích lập dự phòng cho các khoản nợ này. Song song đó, Thông tư 02 sẽ giúp cho doanh nghiệp và người đi vay nói chung có thêm thời gian chờ đợi nền kinh tế phục hồi cũng như tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, cải thiện dòng tiền, sau đó trả nợ cho ngân hàng sau. Còn đối với ngân hàng, Thông tư này sẽ giúp ngân hàng giảm áp lực lên bảng cân đối kế toán bằng cách trì hoãn sự tăng lên của tỷ lệ nợ xấu và giảm bớt áp lực trích lập dự phòng. Những điểm tích cực này có thể kéo dài sang nửa cuối năm 2024.

Đánh giá trong ngắn hạn, bà Phương cho biết trong quý 2 kết quả kinh doanh các ngân hàng vẫn còn có thể tiếp tục gặp những khó khăn như NIM co hẹp, trích lập dự phòng nợ xấu có thể tăng, nhưng có thể kỳ vọng một vài quý sau nợ xấu dần ổn định trở lại.

Kha Nguyễn

FILI