Bức tranh lợi nhuận quý 1 của khối công ty chứng khoán

Bức tranh lợi nhuận quý 1 của khối công ty chứng khoán

Thị trường chứng khoán rớt sâu từ đỉnh kỷ lục đã kéo lợi nhuận của các công ty chứng khoán (CTCK) trong quý 1/2023 xuống mức thấp so với thời hoàng kim 1 năm trước. Tuy vậy, nếu so với quý 4/2022, lợi nhuận của CTCK cũng có sự hồi phục đáng kể.

Tự doanh là trụ cột lợi nhuận

Theo số liệu của VietstockFinance, tổng lợi nhuận quý 1/2023 của 76 công ty chứng khoán đạt hơn 3 ngàn tỷ đồng, giảm hơn 56% so với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, kết quả này tăng 115% so với quý liền trước.

Lợi nhuận của khối CTCK qua từng quý
Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance

Nếu so với cùng kỳ, hầu hết các CTCK đều ghi nhận kết quả kém hơn năm trước do môi trường kinh doanh chứng khoán thay đổi mạnh. Quý 1 năm trước, VN-Index giao dịch ở vùng đỉnh 1,500 điểm. Giao dịch bình quân ở 2 sàn niêm yết đạt trên 30 ngàn tỷ đồng/phiên. Môi trường thuận lợi đã tạo nền cao cho lợi nhuận của khối CTCK.

Sau những biến động trong các quý còn lại của năm 2022, tới quý 1/2023, điều kiện kinh doanh của khối CTCK không còn duy trì sự tích cực như trước. Những vụ án lớn liên quan tới trái phiếu doanh nghiệp hay thao túng cổ phiếu làm ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư cùng môi trường lãi suất cao và sự bất định của nền kinh tế đã kéo thị trường chứng khoán về mức thấp. Quý 1/2023, VN-Index chỉ loanh quanh mức 1,000 điểm.

Thanh khoản thị trường cũng về nền thấp hơn so với cùng kỳ (giá trị giao dịch bình quân sàn HOSEHNX chỉ đạt gần 11 ngàn tỷ đồng/phiên) từ đó đưa lợi nhuận của CTCK về mức nền thấp. Điều này được thể hiện rõ nét thông qua doanh thu môi giới và cho vay của CTCK. Cụ thể, mảng môi giới đem về doanh thu hơn 2 ngàn tỷ đồng, giảm 36% so với quý trước và 64% so với cùng kỳ.

Lãi từ các khoản cho vay, phải thu cũng giảm về còn gần 3.1 ngàn tỷ đồng, giảm 24% so với quý trước và 60% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, lợi nhuận CTCK hồi phục đáng kể so với quý 4/2022, phần nhiều nhờ kết quả ở mảng tự doanh. Nguyên chính đến từ việc danh mục tự doanh của các CTCK tăng cùng với nhịp hồi diễn ra vào cuối quý 4/2022 và quý 1/2023.

Mảng tự doanh quý 1/2023 đem lại lợi nhuận gần 2.4 ngàn tỷ đồng, thấp hơn cùng kỳ gần 7%. Nếu so với quý trước thì lãi tự doanh tăng hơn 600%.

Danh mục cổ phiếu hồi phục giúp CTCK ghi nhận lợi nhuận từ tự doanh trong khi quý 4/2022 phải báo lỗ hàng loạt. Nhờ vậy, dù môi giới và cho vay gặp khó nhưng lợi nhuận vẫn hồi phục mạnh.

Mảng tự doanh hồi phục giúp lợi nhuận quý 1/2023 của CTCK tăng so với quý trước
Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance

Trong quý 1, lợi nhuận Chứng khoán VPBank (VPBanksc) tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước và lọt vào top công ty chứng khoán có lợi nhuận lớn nhất. Trong khi đó, Chứng khoán SSI vươn lên vị trí dẫn đầu lợi nhuận quý 1 với lãi sau thuế gần 503 tỷ đồng.

Ngược lại, vẫn có một số công ty chứng khoán duy trì tăng trưởng lợi nhuận so với cùng kỳ. Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương (VCBS) báo lãi hơn 105 tỷ đồng, tăng 37%; Chứng khoán BIDV (BSC) báo lãi gần 97.7 tỷ đồng, tăng 17%, Chứng khoán DNSE báo lãi gần 48 tỷ đồng, tăng 89%.

Top 20 CTCK về lợi nhuận quý 1/2023
Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance

Quý 1, có 14 CTCK báo lỗ. Chứng khoán Everest (EVS) dẫn đầu nhóm này với mức lỗ hơn 35 tỷ đồng. Xếp ngay sau là Chứng khoán Phố Wall (WSS), lỗ hơn 18 tỷ đồng.

CTCK báo lỗ trong quý 1/2023
Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance

2 mảng màu trong kế hoạch kinh doanh 2023 của các CTCK

Trước bối cảnh kinh tế và thị trường chứng khoán dự báo còn bất ổn, kế hoạch năm 2023 của các CTCK cũng đặt ra ở 2 thái cực.

Không ít CTCK đặt kế hoạch đầy triển vọng với lợi nhuận tăng so với năm 2022. Chứng khoán Đầu tư Tài chính Việt Nam (VIG) đặt kế hoạch tham vọng với mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2023 gấp 19 lần mức thực hiện năm 2022, đạt 50 tỷ đồng. Nhưng phải lưu ý là năm 2022, Công ty đạt kế hoạch tới 170 tỷ đồng và chỉ thực hiện được gần 1.6%.

Theo sau, Chứng khoán BIDV (BSCđặt chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế 565 tỷ đồng, tăng 279% so với thực hiện năm 2022.

Là cái tên mới nổi trong nhóm CTCK, năm 2023, VPBanksc lên kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng 197%, lên hơn 1,608 tỷ đồng.

Dù không đặt kế hoạch lợi nhuận tăng bằng lần, Chứng khoán Phú Hưng (PHS) cũng nằm trong nhóm có tham vọng tăng trưởng cao khi dự kiến lãi trước thuế năm 2023 là 145 tỷ đồng, cao hơn 97%.

Ông lớn trong ngành là SSI cũng ấp ủ mục tiêu tăng trưởng trong năm 2023 với doanh thu 6,917 tỷ đồng, tăng 9% so với năm ngoái; lợi nhuận trước thuế 2,540 tỷ đồng, tăng 20%.

Tuy nhiên, vẫn có các CTCK thận trọng đặt kế hoạch lợi nhuận đi lùi, điển hình như Chứng khoán FPT (FPTS) dự kiến lãi trước thuế giảm 34% so với năm trước, xuống 420 tỷ đồng.

Lãi đậm trong năm 2022 song Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) lại không tự tin với triển vọng năm 2023 khi dự kiến lãi trước thuế giảm 22%, về 2,386 tỷ đồng.

Dự báo thanh khoản năm 2023 giảm hơn một nửa, Chứng khoán HSC đặt kế hoạch lợi nhuận năm 2023 giảm 16%, về 901 tỷ đồng. Doanh thu dự kiến đạt 2,338 tỷ đồng, giảm 18% so với năm ngoái.

Theo tài liệu họp đã công bố, Chứng khoán Vietcap (trước là Bản Việt, VCI) lên kế hoạch kinh doanh năm 2023 với mục tiêu doanh thu hoạt động đạt 3,246 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1,000 tỷ đồng. So với kết quả thực hiện năm trước, chỉ tiêu doanh thu giảm 12% trong khi chỉ tiêu lợi nhuận giảm 6%.

Kế hoạch kinh doanh năm 2023 của một số CTCK
Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance

Chí Kiên

FILI