Bảo hiểm Bưu điện ghi nhận lãi ròng quý 1 tăng 7%

Bảo hiểm Bưu điện ghi nhận lãi ròng quý 1 tăng 7%

Kết thúc quý 1/2023, dù lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm giảm 49% nhưng Tổng CTCP Bảo hiểm Bưu điện (HNX: PTI) vẫn ghi nhận lợi nhuận ròng tăng 7% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 41 tỷ đồng.

Trong quý 1, doanh thu phí bảo hiểm gốc của PTI giảm 18% so với cùng kỳ còn hơn 1,545 tỷ đồng, nhưng nhờ hoàn nhập dự phòng gần 188 tỷ đồng nên PTI có doanh thu phí bảo hiểm tăng 3%, đạt hơn 1,756 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí nhượng tái bảo hiểm giảm 11%, còn gần 474 tỷ đồng, giúp doanh thu thuần kinh doanh bảo hiểm tăng 10%, đạt hơn 1,431 tỷ đồng.

Tuy nhiên, chi phí kinh doanh bảo hiểm tăng mạnh hơn doanh thu, tăng 11% lên gần 1,417 tỷ đồng, khiến lợi nhuận gộp giảm 49% còn hơn 14 tỷ đồng.

Mặt khác, hoạt động tài chính có lợi nhuận tăng 21% so cùng kỳ, đạt hơn 86 tỷ đồng, chủ yếu nhờ lãi tiền gửi có kỳ hạn gần 74 tỷ đồng, tăng 24%.

Bên cạnh đó, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 18%, còn hơn 46 tỷ đồng, do chi phí dịch vụ mua ngoài và chi phí khác bằng tiền lần lượt giảm 47% và 48%.

Như vậy, dù lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm giảm 49%, PTI vẫn ghi nhận lợi nhuận ròng tăng 7%, đạt hơn 41 tỷ đồng, nhờ hoạt động tài chính tăng lãi và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm.

Tính đến ngày 31/03/2023, tổng tài sản của PTI đạt gần 8,798 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm. Đáng chú ý, tiền với các khoản tương đương tiền giảm đến 83% còn gần 42 tỷ đồng, đầu tư tài chính ngắn hạn giảm 20% còn 3,102 tỷ đồng. Trong đó, đầu tư tài chính ngắn hạn giảm do PTI ghi nhận giá trị trái phiếu và chứng chỉ tiền gửi giảm.

Ở chiều ngược lại, đầu tư tài chính dài hạn tăng mạnh, gấp 5.4 lần đầu năm, lên hơn 1,770 tỷ đồng, chủ yếu do tăng tiền gửi có kỳ hạn từ 54 tỷ đồng lên gần 1,019 tỷ đồng.

Nợ phải trả cũng tăng 6% so với đầu năm, lên hơn 6,945 tỷ đồng. Khoản mục làm tăng nợ chủ yếu đến từ phải trả về hợp đồng bảo hiểm tăng 17% lên gần 594 tỷ đồng và phát sinh mới dư nợ vay ngắn hạn 300 tỷ đồng.

Khang Di

FILI