Thế giới Di động báo doanh thu giảm 25% trong 2 tháng đầu năm, không công bố lợi nhuận

Thế giới Di động báo doanh thu giảm 25% trong 2 tháng đầu năm, không công bố lợi nhuận

Trong bối cảnh sức mua yếu, CTCP Đầu tư Thế giới Di động (HOSEMWG) ghi nhận doanh thu thuần giảm mạnh trong 2 tháng đầu năm, trong đó hai chuỗi quan trọng ĐMX và TGDĐ lao dốc 32%.

Cụ thể, MWG ghi nhận doanh thu thuần ở mức 19 ngàn tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ và chỉ mới đạt 14% kế hoạch doanh thu.Trong đó, 51% doanh thu đến từ chuỗi Điện máy xanh (ĐMX), 25.5% từ chuỗi Thế giới Di động (TGDĐ) và Topzone, 21.7% đến từ chuỗi Bách hóa xanh (BHX).

Đáng chú ý, lần này, công ty không công bố lợi nhuận sau thuế như những lần trước.

Trong 2 tháng đầu năm, tổng doanh thu của hai chuỗi TGDĐ và ĐMX giảm 32% so với cùng kỳ. Theo MWG, lý do một phần đến từ việc so với mức nền cao của 2 tháng đầu năm 2022 (giai đoạn nhu cầu dồn nén đối với sản phẩm công nghệ, điện máy sau dịch Covid).

MWG cho biết: “Sức mua sản phẩm ICT và điện máy nói chung đều đang giảm mạnh so với cùng kỳ và diễn ra ở hầu hết các nhãn hàng. Trong đó, các sản phẩm ghi nhận sụt giảm doanh thu nhiều nhất là máy tính bảng, máy tích xách tay và Tivi (do Tivi đã hưởng lợi từ các sự kiện thể thao vào quý 4 năm trước)”.

Các sản phẩm ICT và Tivi chiếm tỷ trọng lớn trong doanh số từ kinh doanh online của TGDĐ và ĐMX. Do đó, doanh thu online cũng sụt giảm 42% so với cùng kỳ.

* MWG đặt kế hoạch lãi ròng 4.2 ngàn tỷ đồng năm 2023, đóng cửa chuỗi Bluetronics

MWG sẵn sàng hy sinh lợi nhuận để chia sẻ khó khăn với khách hàng

“Nhóm khách hàng trung cao cấp vẫn có khả năng chỉ trả nhưng đang có tâm lý thận trọng, trì hoãn trong quyết định chi tiêu đối với sản phẩm lâu bên và giá trị cao do suy giảm niềm tin tiêu dùng”, MWG cho biết. “Nhóm khách hàng có nhu cầu thực ở phân khúc thu nhập thấp đang gặp khó khăn hơn trong việc tiếp cận vay tiêu dùng qua hình thức mua trả góp”.

Trong bối cảnh đó, ông lớn bán lẻ Việt Nam cho biết sẵn sàng hy sinh lợi nhuận để chia sẻ những khó khăn khi khách hàng đang có tâm lý thắt chặt chi tiêu, chủ động đưa ra nhiều lựa chọn mua sắm linh hoạt, tăng cường giảm giá khuyến mãi để thu hút khách hàng, bao gồm cả nhóm người tiêu dùng nhạy cảm về giá cả.

Theo MWG, điều này ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh trong ngắn hạn nhưng là sự đầu tư cần thiết để giúp TGDĐ & ĐMX gia tăng thị phần và tiếp tục tăng trưởng khi nhu cầu tiêu dùng phục hồi trở lại.

Người mua tạp hóa nhắm tới hàng giá thấp hơn

Với chuỗi BHX, doanh thu lũy kế 2 tháng đầu năm tăng 6% so với cùng kỳ. Doanh thu online tăng 26% và chiếm 3.6% trên tổng doanh thu của BHX

Doanh thu bình quân đạt hơn 1.2 tỷ đồng/cửa hàng/tháng, tăng 30% so với mùa Tết 2022. Do BHX không hoạt động đủ 30 ngày/tháng trong tháng 1 và doanh thu trung bình quy đổi trên cơ sở chuẩn hóa đạt hơn 1.3 tỷ đồng/cửa hàng.

“Các mặt hàng thiết yếu cũng đang bị ảnh hưởng bởi xu hướng tiết kiệm chi tiêu của người tiêu dùng thông qua việc mua các sản phẩm cùng công dụng với mức giá thấp hơn. Do đó, giá trị hóa đơn trong mùa Tết năm nay chỉ bang khoảng 85% so với cùng kỳ”, MWG cho biết

Sau tái cấu trúc, BHX đang cho thấy sự bền bỉ trong giai đoạn thị trường khó khăn khi tổng số lượng hóa đơn vẫn tăng trưởng khoảng 25% so với cùng kỳ, dù rằng chuỗi chỉ hoạt động với hơn 1700 cửa hàng (giảm khoảng 20% so với tháng 2/2022).

Hàng tồn kho giảm 30% so với cuối quý 4, không còn khoản đầu tư trái phiếu

MWG cho biết đã chủ động kiểm soát chặt chẽ tồn kho từ quý 4/2022 để giảm chi phi tài chính và rủi ro giảm giá hàng hóa. Đến cuối tháng 2/2023, giá trị hàng tồn kho tại MWG đã giảm hơn 30% so với thời điểm cuối quý 4/2022, tạo dư địa cho việc kiểm soát chi phí tài chính tốt hơn.

Đáng chú ý, MWG đã hoàn tất thu 100% vốn và lãi đối với trái phiếu đầu tư khi đến hạn. Hiện tại MWG không phát hành trái phiếu và không còn bất kỳ khoản đầu tư vào trái phiếu nào trên bảng cân đối kế toán.

Dạo trước, việc ông lớn bán lẻ này đầu tư vào trái phiếu cũng khiến giới đầu tư lo ngại trong bối cảnh xuất hiện nhiều thông tin tiêu cực trên thị trường trái phiếu.

Sau đó, MWG đã phải lên tiếng giải thích với các cổ đông rằng “100% trái phiếu hoàn toàn không có mối quan hệ nào với các doanh nghiệp/tập đoàn và các ngân hàng/công ty chứng khoán đang được điều tra hay nhắc đến gần đây trên các phương tiện thông tin đại chúng liên quan đến các sai phạm trong phát hành trái phiếu”.

Nguồn: Tài liệu của MWG

Năm 2023, MWG đặt mục tiêu 135 ngàn tỷ đồng doanh thu và 4.2 ngàn tỷ đồng lãi sau thuế, tăng lần lượt 1.2% và 2.4% so với kết quả năm 2022. 

Bên cạnh đó, Công ty sẽ không chia ESOP cho năm 2022 do kết quả kinh doanh không đạt mức tăng trưởng 10%.

* MWG không chia ESOP 2022, dự báo sức mua hồi phục từ quý 3/2023

Vũ Hạo

FILI

  • Mới