Người trong cuộc kể lại quá trình "bank run" ở Silicon Valley Bank

Người trong cuộc kể lại quá trình "bank run" ở Silicon Valley Bank

Làn sóng rút tiền gửi ở Silicon Valley Bank (SVB) diễn ra nhanh hơn rất nhiều so với những gì mọi người biết.

Kể từ ngày giới chức Mỹ tiếp quản SVB (ngày 10/03), công chúng đã biết những khách hàng hoảng loạn đã rút 42 tỷ USD khỏi SVB trong ngày 09/03 vì lo ngại phần tiền gửi không được bảo hiểm có nguy cơ bị mất.

Tuy nhiên, con số trên chưa là gì so với lượng rút vốn của ngày kế đó, Michael Barr, Phó Chủ tịch phụ trách giám sát tại Fed, cho biết trong phiên điều trần trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ.

“Buổi sáng hôm đó, SVB cho chúng tôi biết rằng dựa trên yêu cầu của khách hàng, lượng vốn rút đi dự kiến rất lớn”, ông Barr nói. “Tổng cộng 100 tỷ USD dự kiến ra khỏi cửa SVB trong ngày hôm đó”.

Michael Barr, Phó Chủ tịch phụ trách giám sát tại Fed

Như vậy, lượng tiền rút ra trong 2 ngày lên tới 142 tỷ USD, chiếm 81% tổng lượng tiền gửi của SVB tại cuối năm 2022 (175 tỷ USD). Tốc độ rút tiền chóng mặt tại SVB cho thấy quá trình “bank run” diễn ra nhanh như thế nào trong thời đại mạng xã hội và ngân hàng trực tuyến.

* Khủng hoảng ngân hàng thời mạng xã hội khác xưa ra sao?

Trước đó, các nhà làm luật đã triệu tập giới chức ngân hàng Mỹ tới Washington để lý giải vì sao SVB và Signature Bank sụp đổ.

Ông Barr và các chuyên gia khác chỉ tới việc quản lý yếu kém của các giám đốc ngân hàng, đồng thời lưu ý cần phải có quy định nghiêm ngặt hơn với ngân hàng có tài sản hơn 100 tỷ USD. Các cựu CEO của hai ngân hàng này không tham gia vào cuộc điều trần.

Trên thực tế, các quan chức tại Fed đã bắt đầu cảnh báo với ban quản lý SVB về các rủi ro từ đà tăng của lãi suất trong tháng 11/2021, ông Barr cho biết. Ngân hàng này “không thể giải quyết” nỗi lo của Fed một cách kịp thời và tự đẩy mình vào tình trạng rút tiền hàng loạt trong tháng này.

Những ngày cuối cùng của SVB

Những ngày cuối cùng của SVB với tư cách là ngân hàng độc lập là một chuyến tàu lượn về cảm xúc. Sau khi ban lãnh đạo SVB “gây sốc” cho nhà đầu tư và khách hàng khi thông báo tăng vốn đột ngột cuối ngày 08/03, tình hình vẫn khá êm ả vào đầu ngày 09/03, ông Barr cho biết.

“Tuy nhiên, vào chiều ngày 09/03, dòng tiền bắt đầu rút khỏi SVB và vào đêm ngày hôm đó, chúng tôi biết rằng hơn 42 tỷ USD đã rút khỏi ngân hàng”, ông cho biết.

Các nhân viên Fed làm việc xuyên đêm trong ngày 09/03 để tìm cách giải cứu ngân hàng, tìm kiếm tài sản thế chấp để vay thêm hàng tỷ USD từ công cụ cửa sổ chiết khấu (discount window) của Fed để đáp ứng các yêu cầu rút tiền.

Trước khi SVB bị tiếp quản, các cơ quan điều hành vẫn tin rằng họ có thể giải quyết sự thiếu hụt vốn của ngân hàng này. Nhưng đó là trước khi họ nghe tin khách hàng muốn rút 100 tỷ USD tiền gửi.

“Họ không thể nào đáp ứng nghĩa vụ thanh toán cho người gửi tiền trong ngày hôm đó và phải bị đóng cửa”, ông Barr cho biết.

Vũ Hạo

FILI