Bức tranh kinh doanh doanh nghiệp niêm yết 2022: Nhiều kỷ lục, vui buồn lẫn lộn

Bức tranh kinh doanh doanh nghiệp niêm yết 2022: Nhiều kỷ lục, vui buồn lẫn lộn

2022 là năm của những kỷ lục được xác lập trên “đường đua” các doanh nghiệp niêm yết. Tuy nhiên, không phải “kỷ lục” nào cũng mang lại niềm vui.

Theo dữ liệu của VietstockFinance, tính đến ngày 31/12/2022 có 1,072 doanh nghiệp niêm yết (ngoại trừ nhóm chứng khoán, ngân hàng và bảo hiểm) công bố kết quả kinh doanh năm 2022, với 908 doanh nghiệp có lãi và 164 doanh nghiệp lỗ.

Có 493 doanh nghiệp tăng lãi, 366 doanh nghiệp lãi giảm, 89 doanh nghiệp lãi chuyển lỗ, 49 doanh nghiệp có lỗ chuyển lãi, 42 doanh nghiệp tăng lỗ và 33 doanh nghiệp giảm lỗ.

Theo đó, tổng doanh thu và lợi nhuận ròng của 686 doanh nghiệp trên đạt hơn 3.7 triệu tỷ đồng và gần 245 ngàn tỷ đồng, lần lượt tăng 18% và giảm 4% so với năm 2021.

 “Câu lạc bộ” lãi ngàn tỷ

Vững chãi ngôi đầu bảng xếp hạng là “ông lớn” bất động sản Vinhomes (HOSE: VHM) với lãi ròng hơn 28.6 ngàn tỷ đồng, dù con số này giảm 26% so với năm trước.

Xếp ngay sau là hai đại diện trong lĩnh vực dầu khí, PV GAS (UPCoM: GAS) và Lọc hóa dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR). Năm 2022, ngành dầu khí thắng lớn giữa bối cảnh nguồn cung thiếu hụt vì xung đột Nga - Ukraine đẩy giá dầu biến động mạnh, thậm chí chạm mức cao kỷ lục.

Riêng GAS ghi nhận kết quả kinh doanh kỷ lục kể từ khi thành lập. Doanh thu đạt hơn 100 ngàn tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ 2021 và lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ gần 14.8 ngàn tỷ đồng, tăng 71%. Trung bình, PV Gas lãi hơn 1.25 ngàn tỷ đồng mỗi tháng trong năm vừa qua.

BSR cũng công bố doanh thu cao nhất từ trước đến nay, đạt hơn 167 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 65%. Lãi ròng gấp hơn 2.1 lần cùng kỳ, đạt hơn 14.4 ngàn tỷ đồng.

Ngược lại, ông lớn ngành sữa Vinamilk (HOSE: VNM) chứng kiến doanh thu và lợi nhuận giảm do tác động của thị trường từ việc đứt gãy chuỗi cung ứng và áp lực tỷ giá tăng cao. Vinamilk kết thúc năm với khoản lãi hơn 8.5 ngàn tỷ đồng, giảm 19%. Đây là mức lợi nhuận thấp nhất kể từ năm 2015 của Công ty.

Nguồn: VietstockFinance

Ngành thép chưa hết lao đao giữa bối cảnh giá thép và sản lượng tiêu thụ đồng loạt giảm trong quý 4/2022. Doanh nghiệp có thị phần lớn nhất cả nước là Tập đoàn Hòa Phát (HOSE: HPG) lỗ gần 2 ngàn tỷ đồng, đánh dấu quý lỗ nặng nhất từ trước đến nay. Doanh thu của “vua thép” cũng giảm 42% so với quý 4/2021.

Nguồn: VietstockFinance

Lũy kế năm 2022, Hòa Phát ghi nhận 142 ngàn tỷ đồng doanh thu và gần 8.5 ngàn tỷ đồng lãi ròng, thấp hơn 75% so với con số năm trước đó.

Loạt “ông lớn” khác báo lãi khủng trong năm 2022 như Tập đoàn Vingroup (HOSE: VIC), Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP (UPCoM: VEA), Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (UPCoM: ACV)…

3 ông lớn ngành hóa chất gồm Đạm Phú Mỹ (HOSE: DPM), Đạm Cà Mau (HOSE: DCM) và Hóa chất Đức Giang (HOSE: DGC) công bố lợi nhuận bùng nổ hàng ngàn tỷ đồng trong năm 2022.

Riêng DPM lãi ròng gần 5.6 ngàn tỷ đồng, tăng 79%. Còn DGCDCM lãi lần lượt gần 5.6 ngàn tỷ và gần 4.3 ngàn tỷ đồng, cùng gấp 2.3 lần năm trước.

112 doanh nghiệp báo lãi bằng lần

Trong 493 doanh nghiệp công bố lãi tăng trưởng so cùng kỳ, có đến 112 doanh nghiệp lãi tăng bằng lần trong năm qua.

2022 chứng kiến làn sóng giá phân bón thế giới tăng đột biến, đặc biệt là những tháng đầu năm. Nhờ vậy, Đạm Hà Bắc (UPCoM: DHB) có cú "lội ngược dòng" sau nhiều năm lỗ lũy kế, lập kỷ lục gần 1.8 ngàn tỷ đồng lãi ròng trong năm 2022, gấp 287 lần so với con số khiêm tốn 6 tỷ đồng của năm 2021. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất của Công ty sau cổ phần hóa năm 2016. Cũng nhờ đó, Đạm Hà Bắc giảm lỗ lũy kế xuống dưới 3 ngàn tỷ đồng và còn âm vốn chủ sở hữu hơn 252 tỷ đồng.

CTCP Xây dựng Thương mại và Khoáng Sản Hoàng Phúc (UPCoM: HPM) cũng có kỳ kinh doanh khả quan. Kết thúc năm 2022, doanh thu thuần của HPM tăng gấp 21 lần, lên gần 91 tỷ đồng, giúp lợi nhuận ròng đạt hơn 21 tỷ đồng, gấp 71 lần năm 2021.

Điểm sáng trong bức tranh kinh doanh năm 2022 tới từ việc 59 doanh nghiệp chuyển lỗ sang lãi.

Tập đoàn Vingroup (HOSE: VIC) lãi ròng gần 8.4 ngàn tỷ đồng, trái ngược với kết quả lỗ hơn 2.5 ngàn tỷ đồng trong năm 2021.

Một doanh nghiệp cũng chuyển lỗ thành lãi là Tổng CTCP Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global - VGI) với lãi ròng 860 tỷ đồng trong khi năm 2021 lỗ gần 367 tỷ đồng. Dù lãi lớn, tính tới 31/12/2022, Viettel Global vẫn còn lỗ lũy kế hơn 3.9 ngàn tỷ đồng.

Ngậm ngùi với kết quả kém tích cực, có tới 169 doanh nghiệp thua lỗ năm 2022, “dẫn đầu” vẫn là các gương mặt quen thuộc như HVN, HNG, VVN hay NOS. Đây cũng là những doanh nghiệp lận đận lỗ trong năm 2021.

Thua lỗ triền miên, chưa có lối thoát

 

Những tưởng khi Việt Nam bước qua mùa dịch bệnh, bức tranh kinh doanh của Vietnam Airlines (HOSE: HVN) sẽ tươi sáng trở lại, nhưng thực tế lại khác.

Quý 4, hãng hàng không quốc gia tiếp tục lỗ gần 2.7 ngàn tỷ đồng dù doanh thu tăng rất mạnh. Cả năm 2022, HVN lỗ hơn 10.4 ngàn tỷ đồng, dù doanh thu gấp 2.5 lần cùng kỳ, đạt 70.5 ngàn tỷ đồng.

Theo lý giải của HVN, kết quả thua lỗ là do thị trường quốc tế phục hồi chậm, chi phí nhiên liệu tăng mạnh, xung đột Nga - Ukraine, các biến động về tỷ giá và lãi suất tăng.

Đến cuối năm 2022, lỗ lũy kế của hãng hàng không bông sen vàng vượt 34 ngàn tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm hơn 10 ngàn tỷ đồng. HVN đang phải đối mặt với nguy cơ hủy niêm yết trên HOSE.


Nguồn: VietstockFinance

Chung cảnh trầy trật là CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HNG), trở thành doanh nghiệp bết bát nhất sàn chứng khoán trong quý 4/2022 khi lỗ nặng nhất với gần 2.8 ngàn tỷ đồng, đánh dấu quý thứ 7 lỗ liên tiếp và cũng là quý lỗ nặng nhất kể từ khi niêm yết vào 2015.

Cả năm 2022, HNG lỗ khủng gần 3.7 ngàn tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế đến cuối năm lên gần 6.8 ngàn tỷ đồng.

Nhiều “ông lớn” ngấm đòn

 

Dù ngành hàng không phục hồi mạnh mẽ sau COVID-19, Vietjet (HOSE: VJC) cũng đối mặt thua lỗ tương tự HVN. Doanh thu gấp ba lần năm trước, VJC lần đầu báo lỗ gần 2.2 ngàn tỷ đồng trong năm 2022 do giá vốn quá cao và chi phí tài chính tăng vọt.

Thép Pomina (HOSE: POM) có một năm kinh doanh khó khăn và thua lỗ nặng nề dù đã cố gắng tiết giảm chi phí và ngừng hoạt động lò cao. Cả năm 2022, POM đem về gần 13 ngàn tỷ đồng doanh thu, giảm 8% và lỗ ròng gần 1.2 ngàn tỷ đồng, trong khi năm trước đó lãi hơn 182 tỷ đồng.

Tương tự VJCPOM, có tới 89 doanh nghiệp khác cũng chuyển lãi sang lỗ trong năm 2022.

Trong hơn 10 năm niêm yết, 2022 là năm Tập đoàn Đức Long Gia Lai (HOSE: DLG) lỗ nhiều thứ 2 chỉ sau năm 2020, với mức lỗ gần 897 tỷ đồng, trong khi năm trước lãi gần 17 tỷ đồng. Kết quả năm 2022 đẩy số lỗ lũy kế của DLG tại thời điểm 31/12/2022 lên hơn 1.7 ngàn tỷ đồng.

Cái tên “hot” nhất thị trường chứng khoán những tháng cuối năm là “kỳ lân” công nghệ CTCP VNG (UPCoM: VNZ). Sau loạt phiên giá cổ phiếu liên tục khoác áo tím, trở thành cổ phiếu đắt nhất thị trường chứng khoán Việt Nam. Thế nhưng, kết quả kinh doanh của VNZ không thật sự khả quan. Năm 2022, VNZ lỗ ròng hơn 858 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi hơn 414 tỷ đồng. Đây là số lỗ kỷ lục trong lịch sử hoạt động của Công ty.

Nguồn: VietstockFinance

Với việc ghi nhận lỗ thêm 858 tỷ đồng trong năm 2022, tính tới 31/12/2022, lợi nhuận sau thuế lũy kế chưa phân phối của VNZ chỉ còn hơn 5.3 ngàn tỷ đồng so với đầu năm ghi nhận hơn 6.6 ngàn tỷ đồng.

Lợi nhuận “bay màu”

Tuy không đến mức thua lỗ, nhiều doanh nghiệp ghi nhận mức lợi nhuận giảm mạnh.

Dẫn đầu là Đầu tư Nhà Đất Việt (HNX: PVL) với mức lãi “tí hon” trong năm 2022 - chưa đầy 60 triệu đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 17 tỷ đồng. PVL cho biết lợi nhuận giảm chủ yếu do doanh thu giảm cộng thêm chi phí tài chính tăng cao do các khoản lỗ và trích lập dự phòng đầu tư.

Giá vật tư đầu vào tăng cao (giá than tăng gấp đôi cùng kỳ) lại cộng thêm nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng giảm đã khiến Viglacera Hạ Long (HNX: VHL) chỉ thu 170 triệu đồng lợi nhuận (năm 2021 lãi 44 tỷ đồng). Đây cũng là mức lãi thấp nhất từ trước tới nay.

Ngoài ra, còn rất nhiều doanh nghiệp ghi nhận lãi giảm như Lắp máy - Thí nghiệm Cơ điện (HNX: LCD), CTCP ILA (UPCoM: ILA), Đầu tư DNA (HNX: KSD)…

Thế Mạnh

FILI