MWG đặt kế hoạch lãi ròng 4.2 ngàn tỷ đồng năm 2023, đóng cửa chuỗi Bluetronics

MWG đặt kế hoạch lãi ròng 4.2 ngàn tỷ đồng năm 2023, đóng cửa chuỗi Bluetronics

Thế giới Di động đang bước vào giai đoạn kinh doanh thách thức nhất trong nhiều năm qua khi môi trường lãi suất cao, vĩ mô biến động mạnh và sức cầu yếu. Dù vậy, ông lớn bán lẻ Việt Nam vẫn kỳ vọng nhu cầu sẽ phục hồi trở lại từ quý 3/2023 trong kịch bản tốt nhất.

Trong tài liệu vừa công bố trên website, MWG đã đưa ra những đánh giá có phần bi quan về năm 2023. “Tình hình vĩ mô không thuận lợi, sức cầu yếu, xu hướng tiêu dùng tiết kiệm cũng như chi phí doanh nghiệp tăng cao sẽ khó thay đổi nhanh chóng trong năm 2023”, đại gia bán lẻ Việt Nam cho biết.

MWG dự kiến đạt doanh thu thuần từ 135-150 ngàn tỷ đồng và lợi nhuận ròng từ 4.2-4.7 ngàn tỷ đồng trong năm 2023. Như vậy, trong kịch bản tốt nhất, Công ty ghi nhận doanh thu tăng 12.4% và lãi ròng tăng 14.6% so với năm 2022, còn trong kế hoạch tiêu cực hơn, con số này lần lượt là tăng 1.2% và 2.4%.

Kế hoạch này dựa trên giả định hoạt động sản xuất - tiêu dùng sẽ tích cực hơn, có dấu hiệu hồi phục trở lại trong kịch bản tốt nhất là từ giữa quý 3/2023 và trong kịch bản cơ sở từ quý 4/2023.

Thông tin trên được đưa ra khi chuỗi bán lẻ này vừa ghi nhận kết quả ảm đạm trong quý 4/2022, với lợi nhuận ròng giảm 60%. 

* MWG báo lãi giảm 79% trong tháng 12, đặt mục tiêu hòa vốn chuỗi BHX vào cuối năm 2023

Nhu cầu thiết bị ICT ảm đạm sau Tết, hàng tồn kho ngoài thị trường vẫn lớn

Trong năm nay, MWG dự kiến chuỗi Thế giới Di động (TGDĐ) và Điện máy Xanh (ĐMX) tiếp tục đóng vai trò mang lại dòng tiền chính cho công ty, đóng góp 75%-80% doanh thu. Ông lớn bán lẻ cũng lưu ý biên lợi nhuận gộp của hai chuỗi này có thể thấp hơn giai đoạn 2021-2022 do sức mua yếu và công ty triển khai chương trình khuyến mãi.

“2023 là năm không thật sự khả quan, nhất là trong 2 quý đầu năm. Tuy vậy, MWG vẫn đặt kỳ vọng hai chuỗi này sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức 2 con số trong năm 2023”, ông Đoàn Văn Hiểu Em, Thành viên HĐQT MWG, chia sẻ. “Trong bối cảnh khó khăn hiện tại, miếng bánh của thị trường không nở ra thêm và để tăng trưởng, MWG chỉ có thể đi lấy thị phần của bên khác”.

Ông Hiểu Em cũng chia sẻ thêm: “Hiện tình hình tồn kho ở các hãng đang khá cao, vì quý 4 và mùa Tết vừa rồi của các nhà bán lẻ đều không đạt được mức tăng trưởng như kỳ vọng. Thậm chí sau Tết, nhu cầu của thị trường cũng không sáng sủa hơn. Trong khi đó, tình hình tồn kho của MWG vẫn đang khá tốt ở mức 45 ngàn tỷ đồng”.

Với tình hình tồn kho cao, ông Hiểu Em cho rằng có khả năng các hãng sẽ phải mạnh tay xả hàng và điều này có thể tác động tới MWG. “Có thể chúng tôi phải theo thị trường để giữ doanh thu và sẽ ảnh hưởng tới biên lợi nhuận gộp của MWG trong ngắn hạn”, vị lãnh đạo MWG cho biết.

* Quý buồn hiu hắt của những ông lớn kinh doanh điện thoại, laptop, điện máy

Kỳ vọng chuỗi Bách hóa Xanh có lãi từ quý 4/2023

Trong khi đó, chuỗi Bách hóa Xanh (BHX) dự kiến đóng góp 20-25% doanh thu cho MWG. Đáng chú ý, MWG sẽ thay đổi cách thức vận hành kho vận để đảm bảo chất lượng hàng hóa, giảm hao hụt, hủy hàng tươi sống và tạo dư địa tăng biên lợi nhuận gộp.

Đây cũng là chuỗi được MWG tập trung tái cơ cấu trong năm 2022, với việc giảm bớt lượng cửa hàng và thay đổi cách trưng bày hàng hóa. Sau tái cơ cấu, chuỗi BHX ghi nhận doanh thu cải thiện đáng kể và được kỳ vọng sẽ đóng góp lợi nhuận cho MWG từ quý 4/2023.

Đóng cửa Bluetronics, hạn chế mở rộng các chuỗi mới

Trong năm 2023, MWG cho biết sẽ chủ động dọn dẹp, thu hẹp chuỗi AVASport và Bluetronics do đánh giá không có tiềm năng đóng góp doanh thu/lợi nhuận đáng kể trong tương lại để giảm gánh nặng cho MWC trong năm 2023.

Với chuỗi Bluetronics, đây là chuỗi bán sản phẩm điện thoại, điện máy hoạt động tại Campuchia từ năm 2017 và từng được kỳ vọng là bước đệm cho tham vọng mở rộng ra Đông Nam Á của MWG. Tuy nhiên, đến nay, chuỗi này vẫn chưa mang lại kết quả khả quan, với khoản lỗ thuế lũy kế hơn 600 tỷ đồng.

Về Bluetronics, ông Hiểu Em đánh giá đây không phải là mô hình quá tệ và đã được điều chỉnh lại để phù hợp với thị trường Campuchia. “Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng thị trường Campuchia quá nhỏ và chính sách thuế cũng khá phức tạp. Nếu tuân thủ đúng theo chính sách bán hàng và chính sách thuế này, MWG phải bán giá cao hơn thị trường khoảng 10-15%. Nếu phải giảm giá 10-15% để đua với thị trường, chuỗi sẽ không có lợi nhuận. Còn nếu bán đúng theo giá nhập từ hãng, nhà cung cấp và cộng với tiền thuế, MWG sẽ khó cạnh tranh".

Do đó, đến cuối năm 2022, MWG quyết định đóng cửa chuỗi này tại Campuchia và dự kiến đến quý 1/2023 sẽ hoàn tất, đồng thời sẽ dồn nguồn lực sang chuỗi điện máy Era Blue ở Indonesia.

Về thị trường Indonesia, ông Hiểu Em đánh giá đây là thị trường "rất lớn", thậm chí có thể gấp đôi so với thị trường Việt Nam, đồng thời hành vi mua sắm của người dân Indonesia cũng khá tương tự Việt Nam. Vị lãnh đạo của MWG lưu ý tỷ trọng tiêu dùng cho điện thoại và điện máy ở Indonesia là 80% và 20%, trong khi ở Việt Nam lại khá cân bằng.

Đối với các chuỗi mới như An Khang và AVAKids, dù đánh giá là thị trường lớn, nhưng hiện các chuỗi này chưa có lợi nhuận. Do đó, MWG sẽ tạm ngưng mở rộng và tập trung giữ những cửa hàng có biên lợi nhuận dương.

Bước vào giai đoạn kinh doanh đầy thách thức, MWG cho biết sẽ tập trung kiểm soát chi phí chặt chẽ về hoạt động nhân sự, chi phí thuê và kiểm soát hàng tồn kho.

* Bách hóa Xanh đang kinh doanh ra sao?

Vũ Hạo

FILI