Campuchia kỳ vọng xuất khẩu gạo sang châu Âu tăng 40% trong năm 2023

Campuchia kỳ vọng xuất khẩu gạo sang châu Âu tăng 40% trong năm 2023

Từ đầu năm nay, các nước khu vực châu Âu nổi lên là những khách hàng mua gạo chính của Campuchia. Với tín hiệu này, Vương quốc đang kỳ vọng xuất khẩu gạo sang khu vực sử dụng chung đồng Euro có thể tăng đến 40% trong năm nay, theo Khmer Times.

Dựa trên dữ liệu xuất khẩu tăng trong tháng 1/2023, Chủ tịch Liên đoàn Gạo Campuchia (CRF) Chan Sokheang  cho biết: “Chúng tôi kỳ vọng xuất khẩu gạo sang thị trường châu Âu sẽ tăng từ 35 - 40% trong năm 2023”.

Theo CRF, xuất khẩu gạo sang thị trường châu Âu chiếm khoảng 48% tổng lượng gạo xuất khẩu của Campuchia trong tháng 1/2023. 20 quốc gia trong khu vực kinh tế chung này đã nhập khẩu 17,795 tấn gạo và mang lại 13.44 triệu USD doanh thu cho Vương quốc.

Chủ tịch Sokheang cho biết: “Hiện thị trường châu Âu đã bắt đầu công nhận chất lượng và sự thống nhất về chất lượng của gạo. Chúng tôi đang xuất hàng cho họ. Tôi nghĩ rất có nhiều người châu Á hiện đang sống ở các nước châu Âu và họ bắt đầu thích gạo Campuchia. Gạo của chúng tôi chất lượng tốt và có hương thơm. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tuân thủ các tiêu chuẩn về dư lượng hóa chất của châu Âu”.

Năm 2019 và 2020, Campuchia đã xuất khẩu lần lượt 203,280 tấn và 203,861 tấn gạo sang châu Âu. Tuy nhiên, sang năm 2021, tổng lượng gạo xuất khẩu sang thị trường này đã giảm còn 168,063 tấn trước khi tăng lên 221,709 tấn trong năm 2022.

Trên thị trường thế giới, Vương quốc đã xuất khẩu hơn 36,900 tấn gạo trong tháng 1/2023. Tổng kim ngạch xuất khẩu gạo đạt khoảng 28.83 triệu USD.

Trung Quốc (bao gồm Hồng Kông và Macau), đứng sau châu Âu về nhập khẩu gạo Campuchia. Trong tháng 1/2023, cường quốc này đã nhập khẩu 15,045 tấn gạo, chiếm 41% tổng xuất khẩu gạo của Vương quốc; kim ngạch nhập khẩu khoảng 11.50 triệu USD.

Theo thống kê của CRF, suốt trong tháng đầu năm nay, Campuchia đã xuất khẩu gạo sang 34 quốc gia. Trong số đó, xuất khẩu sang Mỹ, Australia, New Zealand, Nga, Canada, Ả Rập Xê Út, Gabon là 2,189 tấn và thu về 2.53 triệu USD.

Tại khu vực ASEAN, cả Malaysia và Singapore đã nhập khẩu 1,871 tấn gạo của nước bạn với tổng kim ngạch nhập khẩu là 1.09 triệu USD. Trong đó, Malaysia đã nhập khẩu 1,748 tấn.

CRF cho biết thêm, trong tháng 1/2023, Campuchia đã thu về tổng cộng 92 triệu USD từ xuất khẩu gạo và thóc. Trong đó, khối lượng thóc đã xuất khẩu sang các nước láng giềng là 252,714 tấn.

Theo dữ liệu của CRF, trong năm 2022, Campuchia đã xuất khẩu 637,004 tấn gạo sang 59 thị trường trên thế giới, tăng 3.2% so với năm 2021. Kim ngạch xuất khẩu đạt 414 triệu USD.

Trong những năm tới, Vương quốc đặt mục tiêu xuất khẩu 1 triệu tấn gạo mỗi năm. Để đạt được mức mục tiêu đó, quốc gia Đông Nam Á này cần xuất khẩu gấp đôi khối lượng gạo đã xuất khẩu trong năm 2022. Campuchia cũng lên kế hoạch đạt doanh thu xuất khẩu gạo khoảng 800 triệu USD/năm và hơn 1 tỷ USD từ các sản phẩm giá trị gia tăng làm từ gạo.

Về phía CRF, họ sẽ khuyến khích nông dân gia tăng sản lượng nông nghiệp, đặc biệt là gạo thơm có nhu cầu thị trường cao hơn và có mức giá tốt.

Theo CRF, Chính phủ Campuchia đã tìm cách mở cửa các thị trường mới thông qua các Hiệp định thương mại tự do (FTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện (CEPA) và các biên bản ghi nhớ (MoU) với một số quốc gia.

Theo Bộ Nông nghiệp Vương quốc, ngành nông nghiệp  đóng góp 24.4% vào tổng sản phẩm quốc nội trong năm 2021. Nông nghiệp là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của quốc gia Đông Nam Á này.

Khai Tâm (Theo Khmer Times)

FILI