Kinh nghiệm phân tích kỹ thuật năm 2022 (Kỳ 2)

Kinh nghiệm phân tích kỹ thuật năm 2022 (Kỳ 2)

Bốn góc phần tư của Relative Rotation Graphs giúp nhà đầu tư nhận biết được xu hướng tương đối của từng loại tài sản để vạch ra chiến lược giao dịch phù hợp. Những tài sản nằm ở góc Improving và Leading nên được chú ý để có được một danh mục sinh lời cao hơn thị trường chung.

* Kinh nghiệm phân tích kỹ thuật năm 2022 (Kỳ 1)

Biểu đồ Sức mạnh giá RRG cần được sử dụng nhiều hơn

Sức mạnh giá RRG sẽ giúp nhà đầu tư tìm được các cổ phiếu mạnh hơn thị trường chung (outperform). Chúng tăng nhiều hơn khi thị trường tăng (bull market) và giảm ít hơn khi thị trường giảm (bear market).

Ngoài ra, Sức mạnh giá RRG cũng giúp né tránh các cổ phiếu yếu hơn thị trường chung (underperform) vốn có đặc tính là tăng ít hơn khi thị trường tăng và giảm nhiều hơn khi thị trường giảm.

Các trạng thái cơ bản như sau:

Tăng trưởng (Leading): Giá nằm trong góc phần tư tăng trưởng khi VS-RS và VS-Mom đều nằm trên 100. Chỉ số VS-RS > 100 cho thấy cổ phiếu đang mạnh hơn thị trường chung (outperform) và VS-Mom > 100 có nghĩa là xu hướng này vẫn đang được đẩy cao hơn nữa. Nếu cổ phiếu của nhà đầu tư đang nằm trong nhóm này thì cần tiếp tục nắm giữ.

Suy yếu (Weakening): Giá nằm trong góc phần tư suy yếu khi VS-RS nằm trên 100 nhưng VS-Mom đã rơi xuống dưới 100. Khi đó, cổ phiếu vẫn còn mạnh nhưng xu hướng tăng đang bị đình trệ hoặc mất dần sức mạnh so với giai đoạn trước. Việc chốt lời các cổ phiếu dạng này là cần thiết.

Giảm giá (Lagging): Giá nằm trong góc phần tư giảm giá khi VS-RS và VS-Mom đều dưới 100. Điều này cho thấy sức mạnh giá và động lượng tăng trưởng đều rất yếu. Nhà đầu tư nên tránh mua những cổ phiếu thuộc nhóm này vì chúng đang yếu hơn thị trường chung (underperform).

Tích lũy (Improving): Giá nằm ở góc phần tư tích lũy khi VS-RS dưới 100, nhưng VS-Mom di chuyển trên 100. Chỉ số VS-RS < 100 cho biết sức mạnh giá vẫn còn yếu nhưng VS-Mom > 100 có nghĩa là xu hướng giảm đang yếu đi và có khả năng đảo ngược. Đây là nhóm cần đưa vào danh mục quan sát vì rất dễ chuyển sang trạng thái tăng giá (leading).

Dưới đây là một ví dụ khá kinh điển trong giai đoạn 6 tháng cuối năm 2022 của hai ngành bất động sản và ngân hàng. Rõ ràng, với sự thể hiện của ngành bất động sản trong những tháng qua (gần như liên tục nằm trong trạng thái Lagging) thì nhà đầu tư cần tránh xa cổ phiếu thuộc ngành này để hạn chế thua lỗ.

Ngược lại, ngành ngân hàng đang thể hiện bộ mặt tươi sáng với hầu hết thời gian ở trong trạng thái Leading nên là ngành đáng để chú ý hơn.

Biểu đồ RRG của ngành bất động sản và ngân hàng - Nguồn: VietstockFinance

Bộ phận Phân tích Kỹ thuật, Phòng Tư vấn Vietstock

FILI