GEG tăng 14% lãi cả năm dù quý 4 giảm mạnh vì không còn thu nhập thanh lý tài sản cố định

GEG tăng 14% lãi cả năm dù quý 4 giảm mạnh vì không còn thu nhập thanh lý tài sản cố định

Năm 2022, CTCP Điện Gia Lai (HOSE: GEG) tăng mạnh về doanh thu, đạt hơn 2 ngàn tỷ đồng. Lãi sau thuế tăng 14%.

Kết quả kinh doanh quý 4 và cả năm 2022 của GEG

Theo BCTC hợp nhất quý 4/2022, doanh thu GEG đạt gần 496 tỷ đồng, tăng 12%. Giá vốn tăng tương đối mạnh, đạt 275 tỷ đồng, chênh lệch 23% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi khấu trừ, lãi gộp của doanh nghiệp chỉ tăng 1%, đạt 220.7 tỷ đồng. Biên lãi gộp giảm từ 49% xuống còn hơn 45%, tương ứng 100 đồng doanh thu mang lại 45 đồng lợi nhuận gộp.

Doanh thu hoạt động tài chính trong kỳ tăng mạnh lên gần 24 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ. Chi phí tài chính tăng 18%, lên 178 tỷ đồng. Khoản lãi từ công ty liên doanh, liên kết giảm nhẹ còn 11.3 tỷ đồng, trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 15% lên hơn 47 tỷ đồng. Lợi nhuận thuần của GEG vì thế còn 30.5 tỷ đồng, giảm 35% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, GEG ghi nhận khoản lỗ khác 9.1 tỷ đồng (cùng kỳ lãi hơn 92 tỷ đồng). Hệ quả, lãi sau thuế quý 4 chưa tới 1/5 những gì làm được cùng kỳ.

Kết quả khả quan quý 1 và 3 giúp GEG hoàn thành mục tiêu kinh doanh cả năm

Theo doanh nghiệp lý giải, nguyên nhân chính dẫn đến bước lùi trên là do quý 4/2021, Doanh nghiệp ghi nhận khoản thu nhập 97 tỷ đồng từ việc thanh lý nhượng bán tài sản cố định từ thương vụ chuyển nhượng nhà máy Ayun Hạ. Quý 4/2022, khoản thu này không còn nữa, cộng thêm chi phí tài chính tăng gần 27 tỷ đồng do nợ vay tăng lên khiến lợi nhuận giảm mạnh.

Dẫu vậy, nhờ kết quả khả quan từ quý 1 và 3 nên lũy kế cả năm, GEG vẫn tăng trưởng dương. Cụ thể, doanh thu tăng 52%, lên hơn 2 ngàn tỷ đồng; lãi trước và sau thuế đạt lần lượt gần 407 tỷ đồng và 371 tỷ đồng, tương ứng tăng 10% và 14%. Kết quả này cũng giúp doanh nghiệp hoàn thành mục tiêu doanh thu và vượt 18% kế hoạch lợi nhuận đặt ra tại ĐHĐCĐ 2022.

Tổng tài sản của GEG thời điểm cuối tháng 12/2022 đạt 17.1 ngàn tỷ đồng, tăng 37% so với đầu năm. Doanh nghiệp nắm giữ gần 334 tỷ đồng tiền mặt và các khoản tương đương, tăng 33%. Tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn 6-12 tháng tăng mạnh lên 491 tỷ đồng, đầu năm chỉ có 5.7 tỷ đồng. Phải thu ngắn hạn gần như đi ngang, ghi nhận 750 tỷ đồng. Hàng tồn kho cuối kỳ tăng 6%, đạt 155 tỷ đồng.

Với một doanh nghiệp ngành điện, tài sản dài hạn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tổng tài sản, cuối năm 2022 tăng 34% so với đầu năm, đạt gần 15 ngàn tỷ đồng. Đáng chú ý, chi phí xây dựng cơ bản dở dang tăng mạnh lên gần 4.9 ngàn tỷ đồng, phần lớn từ dự án điện gió Tân Phú Đông 1 (chiếm 4.4 ngàn tỷ đồng).

Nguồn: BCTC hợp nhất quý 4/2022 của GEG

Về nguồn vốn, nợ ngắn hạn ghi nhận hơn 2 ngàn tỷ đồng, gấp 2.3 lần đầu năm. Trong đó, khoản phải trả người bán ngắn hạn tăng mạnh lên hơn 1.2 ngàn tỷ đồng, gấp 4 lần đầu năm, phần lớn là khoản cho khách hàng là CTCP Tập đoàn PC1 và đối tác từ Trung Quốc. Nợ vay ngắn hạn cuối kỳ tăng hơn 62%, lên 663 tỷ đồng, gồm các khoản vay từ nhiều ngân hàng thương mại.

Nguồn: BCTC hợp nhất quý 4/2022 của GEG

Nợ vay dài hạn tăng 38%, lên 9.2 ngàn tỷ đồng (điểm thường thấy ở các doanh nghiệp ngành điện). Trong đó, dự nợ trái phiếu khoảng 1.2 ngàn tỷ đồng, gồm 1 lô trái phiếu của VCB (phát hành năm 2018) và 2 lô từ TCB (phát hành năm 2021). 

Nợ vay trái phiếu của GEG tại thời điểm kết thúc năm 2022
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 4/2022 của GEG

Hồng Đức

FILI