Lĩnh vực tài chính vi mô của Campuchia tăng hơn 20% trong năm 2022

Lĩnh vực tài chính vi mô của Campuchia tăng hơn 20% trong năm 2022

Theo báo cáo của Hiệp hội Tài chính vi mô Campuchia (CMA), lĩnh vực tài chính vi mô của Vương quốc trong năm 2022 ghi nhận mức tăng trưởng hơn 20% (về phương diện cho vay lẫn tiền gửi) so với năm 2021, Khmer Times đưa tin.

Chia sẻ với Khmer Times gần đây, Giám đốc Bộ phận Truyền thông của CMA, ông Kaing Tongngy, cho biết: “Tính đến quý 3/2022, danh mục các khoản cho vay đạt 9.135 tỷ USD (tăng 23.8% so với cùng kỳ năm 2021) với hơn 2 triệu tài khoản khách hàng. Tổng tiền gửi tại 5 tổ chức tài chính vi mô nhận tiền gửi (MDIs) cũng tăng lên 4.686 tỷ USD (tăng 20.1%) với 2.66 triệu người gửi tiền”.

Theo Giám đốc Tongngy, sang năm 2023, dù đối mặt với những tình huống bất ổn nhưng lĩnh vực tài chính vi mô của Campuchia vẫn sẽ mạnh mẽ. Hoạt động cho vay và nhận tiền gửi sẽ ghi nhận tốc độ tăng trưởng như năm 2022.

Ông nói thêm: “Nền kinh tế mới nổi như Campuchia đang rất cần tín dụng để thúc đẩy tăng trưởng. Kế hoạch phục hồi kinh tế quốc gia cũng đã hướng mục tiêu đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Thế nên, các ngân hàng và tổ chức tài chính vi mô (MFI) cần điều chỉnh các sản phẩm của họ để hỗ trợ các SME. Không như nhiều quốc gia khác, nguồn vốn của lĩnh vực tư nhân Campuchia phụ thuộc nhiều vào lĩnh vực tài chính. Mức tăng trưởng 23.6% là tín hiệu khả quan cho thấy sự tham gia nhiệt tình của lĩnh vực tài chính vi mô vào việc hỗ trợ lĩnh vực tư nhân”.

Về phía CMA, Tổng thư ký Phal Vandy cho hay: “Lĩnh vực tài chính vi mô của Campuchia vẫn vững mạnh dù đối mặt với những cú sốc từ bên ngoài. Lĩnh vực này đã phát triển thêm các dịch vụ, sản phẩm phù hợp với tình hình thực tế. Chính phủ đã mở lại các hoạt động kinh tế - xã hội và đưa ra các chiến lược hỗ trợ để giảm thiểu rủi ro”.

Theo ông Phal Vandy, những vấn đề hiện nay của kinh tế toàn cầu như chiến sự ở Ukraine, giá năng lượng gia tăng và lạm phát cũng như vấn đề lãi suất cũng có một số tác động đến lĩnh vực tài chính vi mô của Campuchia. Tuy nhiên, ông cho rằng “những tác động đó đều có thể kiểm soát được”.

Tổng thư ký CMA nói thêm “Các MFI thành viên của CMA không nâng lãi suất cho vay vì không muốn gây thêm áp lực cho người dân. Trong khi Mỹ đã cam kết nâng lãi suất vào năm tới, các MFI của CMA không có kế hoạch như vậy”.

Trong suốt 2 năm qua, lĩnh vực tài chính vi mô của Campuchia đã bị ảnh hưởng đáng kể do đại dịch Covid-19. Điều này cũng ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của Vương quốc. Tuy vậy, cuộc khủng hoảng cũng đã mang lại cơ hội nhằm chuyển đổi lĩnh vực này để bắt kịp với công nghệ không ngừng phát triển.

Khai Tâm (Theo Khmer Times)

FILI