Các hãng xe điện đốt tiền mặt, lỗ lớn

Các hãng xe điện đốt tiền mặt, lỗ lớn

Theo các báo cáo kết quả kinh doanh quý 3/2022, mỗi chiếc xe điện mà Lucid Group Inc. hay Rivian Automotive Inc. bán ra, họ lỗ hàng trăm nghìn đôla do chi phí sản xuất và giá nguyên vật liệu thô cao ngất ngưởng.

Thua lỗ nặng, cổ phiếu lao dốc

Báo cáo kết quả kinh doanh quý 3/2022 từ các hãng sản xuất xe điện trong hai tuần qua cho thấy họ đang đốt tiền mặt với tốc độ nhanh chóng và phải vật lộn để đạt được mục tiêu về giao hàng.

Chi phí doanh thu của Lucid tăng mạnh lên 492.5 triệu USD trong quý 3/2022, từ mức 3.3 triệu USD của cùng kỳ năm ngoái. Khoản lỗ của công ty này cũng ngày càng lớn do khách hàng huỷ đơn đặt hàng vì lo sợ thời gian chờ đợi lâu.

Mới niêm yết được hơn một năm và được hậu thuẫn bởi Quỹ Đầu tư công của Arab Saudi, Lucid đã chứng kiến giá trị thị trường giảm 2/3 trong năm nay, xuống còn khoảng 20 tỷ USD từ mức kỷ lục 95 tỷ USD của tháng 11/2021. Công ty này cho biết họ có đủ tiền mặt để duy trì hoạt động ít nhất tới quý 4/2023 và đang phải tìm cách huy động khoảng 1.5 tỷ USD thông qua việc bán cổ phiếu.

Giá cổ phiếu của các công ty xe điện giảm mạnh, thua lỗ nặng

Trong khi đó, hãng xe điện Arrival của Anh cảnh báo vào tuần trước rằng họ có thể không có đủ tiền mặt để duy trì hoạt động kinh doanh cho đến cuối năm 2023, và có thể phải cắt giảm nhân sự. Hiện tại, công ty này vẫn chưa bắt đầu sản xuất hàng loạt.

Canoo Inc. cũng cho biết vào tháng 05/2022 rằng họ nghi ngờ rất lớn về khả năng duy trì hoạt động liên tục. Vào cuối tháng 09/2022, công ty này có 6.8 triệu USD tiền mặt và các khoản tương đương tiền, giảm mạnh từ mức 415 triệu USD vào một năm trước đó.

Tiền mặt là vua

Nhiều công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực xe điện ghi nhận khoản lỗ lớn trong quý 3/2022 và cảnh báo rằng chi phí vẫn cao do lạm phát gia tăng và khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu. Chỉ một năm trước đó, sau thành công của Tesla – hiện là nhà sản xuất xe điện giá trị nhất thế giới, một số công ty đã niêm yết cổ phiếu với định giá cao.

Tesla đã sống sót qua điều mà CEO Elon Musk khi đó gọi là “địa ngục sản xuất”. Họ đã vượt qua được tình trạng tắc nghẽn nguồn cung nhờ thoả thuận cung cấp pin với các nhà cung cấp chính, đồng thời tăng cường sản xuất chiếc Model 3 thành công vang dội của họ.

Tuy nhiên, công ty này cũng phải đối mặt với nhiều thách thức khi họ gần như là nhà sản xuất xe điện thuần tuý duy nhất và vấp phải sự cạnh tranh từ các nhà sản xuất ô tô lâu đời như General Motors và Volkswagen.

Trong quý 3/2022, Tesla báo cáo doanh thu đạt 3.3 tỷ USD.

“Trong lĩnh vực xe điện, giai đoạn đầu là giai đoạn đốt tiền, và rất khó để vượt qua khó khăn”, chuyên gia phân tích George Gianarikas của Canaccord Genuity cho biết.

Theo đánh giá của giới phân tích, các công ty sản xuất xe điện phải tìm cách tiết kiệm tiền nếu họ muốn tồn tại lâu hơn trong môi trường kinh tế ảm đạm hiện nay. Tất nhiên, các hãng cũng đã thực hiện nhiều biện pháp khác nhau để làm điều này.

Rivian đang chuyển sang giao phần lớn ô tô trên khắp nước Mỹ bằng đường sắt. Lucid cũng đang xem đây là một lựa chọn.

Lordstown Motors đã phải cắt giảm sản lượng. Nhà sản xuất xe tải điện này vừa bán 1/5 cổ phần cho “gã khổng lồ” công nghệ Foxconn trong tháng 11/2022. Năm ngoái, họ cũng đã bán nhà máy ở Ohio cho công ty Đài Loan (Trung Quốc) này, một thoả thuận mà họ bắt buộc phải thực hiện do nhu cầu gọi vốn để bắt đầu sản xuất xe bán tải Endurance.

Tuy nhiên, việc tăng sản lượng cuối cùng sẽ giúp giảm chi phí trên mỗi chiếc xe điện được bán ra. Vì vậy, việc hạn chế sản xuất có thể đe doạ con đường dẫn đến lợi nhuận của họ, giới phân tích cho hay.

Dù vậy, vẫn có một số công ty sản xuất xe điện có vị thế tốt hơn để tiếp tục tồn tại.

Rivian, được hậu thuẫn bởi Amazon.com và Ford Motor, có 13.8 tỷ USD tiền mặt vào cuối tháng 09/2022. Họ cũng có hợp đồng cung cấp 100,000 xe tải giao hàng chạy bằng điện cho Amazon. Nhưng giá vốn hàng bán của Rivian là khoảng 220,000 USD mỗi xe so với giá bán trung bình là 81,000 USD trong quý 3/2022, CFRA ước tính.

Ông Gianarikas của Canaccord cho biết có thể rút ra những bài học từ thời kỳ bong bóng dotcom vào những năm 90, đó là: Không phải công ty nào có kế hoạch kinh doanh tốt nhất cũng đều thành công. “Vấn đề là công ty nào có bảng cân đối kế toán tốt nhất”.

Kim Dung (Theo Reuters)

FILI