Hai tổ chức tài chính Campuchia kêu gọi người dân gửi tiền tiết kiệm

Hai tổ chức tài chính Campuchia kêu gọi người dân gửi tiền tiết kiệm

Trước bối cảnh nền kinh tế đối mặt với tình trạng lạm phát gia tăng, Hiệp hội Tài chính vi mô Campuchia (CMA) gần đây kêu gọi người dân hãy gửi tiền mặt hoặc vàng vào tài khoản tiết kiệm để hưởng lãi. Động thái này của CMA được một số chuyên gia kinh tế tán thành.

Theo Chuyên gia kinh tế Ngeth Chou, việc người dân gửi tiền tiết kiệm sẽ mang lại lợi ích cho nền kinh tế quốc gia. Bên cạnh đó, việc có đủ lượng người gửi tiết kiệm sẽ có tác dụng tích lũy, góp phần làm giảm tỷ lệ lạm phát.

Vị Chuyên gia này nói: “Việc gửi tiền tiết kiệm có lợi cho nền kinh tế. Nếu người dân giữ tiền tại nhà, tiền có thể dễ bị mất. Nếu họ để dành tiền dưới bất cứ hình thức nào đó thì chúng lại không được chi tiêu để kích thích tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, lạm phát có thể sẽ khiến đồng tiền bị mất giá. Tuy nhiên, nếu người dân gửi tiền tại ngân hàng họ sẽ có lãi. Chẳng hạn, lạm phát có thể khiến giá trị đồng tiền giảm 4% nhưng nếu họ gửi tiền tiết kiệm với mức lãi suất 6% họ vẫn có lời”.

Theo ông Chou, hiện hệ thống ngân hàng của Campuchia đã được hiện đại hóa hoàn toàn dưới sự giám sát của Ngân hàng Trung ương Campuchia (NBC). Thế nên, ông khuyến khích người dân hãy tin tưởng và gửi tiền vào hệ thống tài chính trong nước.

Chuyên gia kinh tế Ky Sereyvath tại Học viện Hoàng gia Campuchia cũng công nhận việc người dân gửi tiền tiết kiệm vào các ngân hàng hoặc tổ chức tài chính vi mô (MFI) sẽ mang lại lợi ích cho nền kinh tế Vương quốc. Điều này cũng giúp làm giảm việc chi tiêu bốc đồng của người dân cho những chi phí không cần thiết.

Ông nói: “Nếu người dân cầm tiền trong tay, họ có thể sẽ chi tiêu vào những thứ không cần thiết. Điều đó không giúp họ giàu thêm được. Và theo học thuyết kinh tế, tiết kiệm tương ứng với đầu tư. Thế nên, khi người dân có tiền tiết kiệm thì khoản tiền đó cuối cùng được chuyển đến tay người khác để đầu tư chúng”.

Về phía CMA, phát ngôn viên Kaing Tongngy hôm 12/10 cho rằng động thái CMA kêu gọi người dân gửi tiền tiết kiệm gần đây không có nghĩa là các ngân hàng và MFI thiếu tiền mặt. Campuchia vẫn là điểm đến hấp dẫn đối với các khoản đầu tư tài chính quốc tế.

Ông Tongngy nói: “Chúng tôi đưa ra thông điệp này là vì chúng tôi nhận thấy rằng lãi suất toàn cầu tăng làm gia tăng vốn nước ngoài. Thế nên, chúng tôi cũng nhận thấy lãi suất tiền gửi trong nước tăng. Trên thực tế, các ngân  hàng nhà nước của Mỹ đã nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Và chúng ta đều biết, USD là đồng tiền dự trữ được sử dụng để tất toán các khoản nợ trong thương mại quốc tế. Chính vì thế, lãi suất tại Mỹ tăng sẽ làm biến động lãi suất toàn cầu”.

Ngoài việc hối thúc người dân gửi tiền tiết kiệm, ông Tongngy cũng lưu ý việc một số ngân hàng đang bắt đầu nâng lãi suất cho vay, nhất là những ngân hàng phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn nước ngoài.

Ông nói: “Riêng các thành viên CMA, chúng tôi xác định là không nâng lãi suất tín dụng hoặc lãi suất cho vay trong bối cảnh hiện tại, ngay cả khi chúng tôi nâng lãi suất tiền gửi. Chúng tôi sẵn sàng chịu áp lực vì chi phí tăng chứ không để khách hàng gánh áp lực này. Chúng tôi hy vọng đây sẽ là một phần đóng góp của chúng tôi vào việc khôi phục sinh kế của người dân và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh Covid-19”.

Ông Tongngy cho biết thêm, tính đến quý 2/2002, tổng số sư tiền gửi tại các MFI thành viên của CMA đạt 4.65 tỷ USD, tăng 247 triệu USD so với quý 1/2022.  Tổng số sư tiền gửi của toàn lĩnh vực tài chính và ngân hàng là 50 tỷ USD.

Khai Tâm (Theo Phnom Penh Post)

FILI