SoftBank sắp bắt tay Samsung để thành lập liên minh chiến lược

SoftBank sắp bắt tay Samsung để thành lập liên minh chiến lược

Giám đốc điều hành SoftBank Masayoshi Son sẽ tới Seoul, Hàn Quốc vào tháng 10 để thảo luận với Samsung về mối quan hệ chiến lược giữa tập đoàn công nghệ hàng đầu Hàn Quốc này với nhà thiết kế chip Arm của Anh thuộc sở hữu của SoftBank.

Trong một tuyên bố ngày 22/09, ông Son nói: “Tôi dự định đến thăm Hàn Quốc. Tôi rất mong chờ chuyến thăm tới nơi này lần đầu tiên sau 3 năm. Tôi muốn nói chuyện với Samsung về một liên minh chiến lược với Arm”.

Phía Samsung cũng xác nhận chuyến thăm của ông Son và cho biết họ rất mong đợi tìm hiểu đề xuất liên quan đến Arm, dù chưa biết chi tiết. “Một liên minh chiến lược là một khái niệm mơ hồ và rộng lớn. Nếu ông ấy đề nghị bán Arm, chúng tôi sẽ phải xem xét dựa trên một cơ sở chung”, một giám đốc của Samsung cho hay.

Đây có thể là một sự thay đổi quan trọng trong chiến lược của ông Son, người mua Arm với giá 32 tỷ USD vào năm 2016 và tuyên bố tại thời điểm đó rằng chip là mảng cốt lõi trong tầm nhìn dài hạn của SoftBank. SoftBank từng cố gắng bán Arm cho hãng sản xuất chip Nvidia, nhưng năm nay, họ từ bỏ kế hoạch đó khi vấp phải sự phản đối của cơ quan quản lý cạnh tranh.

Sau đó, ông Son chuyển sang ý định IPO Arm ở Mỹ, một động thái kích hoạt chiến dịch vận động hành lang dữ dội từ chính phủ Anh nhằm đảm bảo thương vụ IPO này phải diễn ra ở London.

SoftBank và quỹ đầu tư công nghệ Vision Fund của tập đoàn đang phải chịu áp lực rất lớn trong năm nay khi thị trường chứng khoán sụt giảm và định giá cổ phiếu công nghệ lao dốc. Tháng 8, ông Son cho biết SoftBank đang trong chế độ phòng thủ, với việc giảm cổ phần tại Alibaba và rà soát việc bán các tài sản khác, bao gồm cả công ty cổ phần tư nhân Fortress.

Theo giới phân tích, tình hình tồi tệ của thị trường chứng khoán Mỹ hiện nay không thuận lợi cho kế hoạch IPO Arm. Samsung có thể quan tâm đến phương án mua lại Arm vì tập đoàn này vẫn còn yếu trong mảng chip không có đặc tính nhớ, nhưng sẽ rất khó để họ theo đuổi thoả thuận này một mình vì dễ gặp phải rào cản pháp lý tương tự như Nvidia.

“Với vị thế độc tôn của Arm trong thị trường chip không có đặc tính nhớ, việc được tiếp quản bởi một công ty nào đó sẽ khiến họ dễ bị đánh giá là độc quyền. Samsung có thể ít phải đối mặt với rào cản về quy định hơn Nvidia, song đây vẫn sẽ là gánh nặng cho công ty nếu theo đuổi thoả thuận này một mình, đặc biệt là khi xét đến vị thế của họ trên thị trường bán dẫn. Samsung có thể thành lập một liên doanh với Intel và các công ty khác để theo đuổi thoả thuận này”, James Lim, chuyên gia phân tích tại quỹ phòng hộ Dalton Investments, nói.

Kim Dung (Theo Financial Times)

FILI