Quỹ đầu tư 12 tỷ đô sắp ra mắt quỹ ETF cho thị trường Việt Nam

Quỹ đầu tư 12 tỷ đô sắp ra mắt quỹ ETF cho thị trường Việt Nam

Gã khổng lồ quản lý tài sản của Hồng Kông vừa ra mắt quỹ ETF tập trung đầu tư vào 30 tập đoàn hàng đầu của đất nước hình chữ S.

Theo chiến lược lấy mẫu đại diện, quỹ ETF sẽ không mô phỏng 100% chỉ số tham chiếu, mà chỉ chọn ra một số đại diện nhất định trong chỉ số, nhưng vẫn đảm bảo tính mô phỏng gần nhất với chỉ số tham chiếu.

Ngày 19/09, Công ty quản lý tài sản CSOP Asset Management (CSOP) – vốn đang quản lý 12 tỷ USD tài sản – vừa thông báo niêm yết chứng chỉ quỹ CSOP FTSE Vietnam 30 ETF trên Sở giao dịch chứng khoán Hồng Kông. Quỹ này sẽ đầu tư 100% tài sản vào các cổ phiếu Việt Nam và theo chiến lược lấy mẫu đại diện (representative sampling) mô phỏng lại chỉ số FTSE Vietnam 30 Index.

Với giá niêm yết ở mức 7.8 HKD, các chứng chỉ quỹ CSOP FTSE Vietnam 30 ETF sẽ bắt đầu giao dịch vào ngày 20/09/2022. Đến nay, quỹ đã nhận được khoản đầu tư ban đầu là 6.5 triệu USD.

FTSE Vietnam 30 Index bao gồm những thành phần nào?

FTSE Vietnam 30 Index bao gồm 30 doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất của Việt Nam trên sàn HOSE, với các lĩnh vực như bất động sản, hàng tiêu dùng, tài chính và công nghiệp. Tỷ trọng tối đa cho mỗi cổ phiếu ở mức 10%.

Theo cập nhật tại ngày 29/07/2022, 4 cổ phiếu hàng đầu của FTSE Vietnam 30 Index bao gồm MSN (10.96%), VIC (10%), VHM (9.83%) và VNM (8.53%). 10 cổ phiếu hàng đầu chiếm hơn 71% danh mục của FTSE Vietnam 30.

Xét về lĩnh vực, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong chỉ số này là bất động sản (34.69%), thực phẩm, đồ uống và thuốc lá (22.39%), ngân hàng (9.11%) và hàng hóa và dịch vụ công nghiệp (8.78%).

Vì sao lại nhắm đến đất nước hình chữ S?

CSOP cho biết lập ETF này là để tận dụng đà tăng trưởng nhanh chóng của nền kinh tế đang lên như Việt Nam.

Nhờ môi trường nội địa lẫn toàn cầu thuận lợi, GDP Việt Nam đã tăng trưởng 15 lần trong 25 năm qua. Việt Nam cũng là quốc gia Đông Nam Á duy nhất còn duy trì tăng trưởng kinh tế dương trong 2 năm gần đây bất chấp sự hoành hành của dịch COVID-19.

Góp phần thúc đẩy kinh tế cũng như thị trường cổ phiếu của Việt Nam là dòng vốn FDI cuồn cuộn, môi trường chính trị ổn định cùng với các chính sách đổi mới. Ngoài ra, đất nước hình chữ S cũng sở hữu tỷ lệ dân số vàng.

Dòng vốn FDI đã đều đặn chảy vào kể từ khi Việt Nam gia nhập vào WTO trong năm 2007. Dòng vốn này tiếp tục cuộn trào với tỷ lệ tăng trưởng kép (CAGR) lên tới 8% (tính trên vốn đăng ký). Việt Nam cũng lọt vào tầm ngắm của nhiều ông lớn như Apple, LG, và Panasonic như một nơi để đa dạng hóa sản xuất khỏi Trung Quốc.

Để kích thích kinh tế, Việt Nam cũng khởi động nhiều chính sách hỗ trợ phát triển, như ưu đãi thuế thu nhập cho các doanh nghiệp sản xuất (từ tháng 1/2015).

Từ góc nhìn nhân khẩu học, Việt Nam có gần 100 triệu dân trong độ tuổi 15-60. Dân số trẻ cùng với tỷ lệ đô thị hóa thấp mang lại tiềm năng rất lớn cho các nhà đầu tư. Cũng vì thế, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo Việt Nam sẽ là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ở Đông Nam Á.

Theo CSOP, ETF là cách tốt nhất để khai thác thị trường Việt Nam khi xét tới các hạn chế về đầu tư trong nước và rủi ro cao hơn.

Ding Chen, CEO của CSOP, nhận định: “Với chuyên môn quản lý quỹ ETF đã được kiểm chứng qua thời gian, CSOP tự tin đưa ra sản phẩm ETF nhắm tới thị trường Việt Nam cho các nhà đầu tư Hồng Kông. Chúng tôi muốn mang thêm nhiều quỹ ETF mới tới châu Á – nơi thị trường ETF phát triển nhanh nhất, với các phương án tiết kiệm chi phí để đa dạng hóa danh mục”.

CSOP Asset Management khởi đầu là công ty quản lý tài sản nước ngoài do một công ty ở Trung Quốc thành lập trong năm 2008. Tập trung chủ yếu vào đầu tư tại Trung Quốc, CSOP quản lý các quỹ đầu tư công ty đại chúng và quỹ tư nhân, cũng như cung cấp các dịch vụ tư vấn đầu tư cho các nhà đầu tư châu Á và toàn cầu. Tính tới ngày 31/08/2022, CSOP quản lý hơn 12 tỷ USD.

Vũ Hạo

FILI