Thị trường tiền ảo tuần qua: Đang tăng ổn thì gặp "cơn ác mộng" từ Fed

Thị trường tiền ảo tuần qua: Đang tăng ổn thì gặp "cơn ác mộng" từ Fed

Thị trường tiền ảo tắt hẳn đà tăng ngay sau bài phát biểu kéo dài 8 phút của Chủ tịch Fed.

Bitcoin bất ngờ giảm 6% xuống sát ngưỡng 20,000 USD vào sáng ngày 27/08 (giờ Việt Nam), sau khi duy trì sắc xanh trong cả tuần qua. Trong 7 ngày qua, Bitcoin giảm hơn 4%.

Các đồng tiền ảo khác còn giảm mạnh hơn, với Ethereum giảm gần 11% trong 24 giờ qua, còn Solana lao dốc 9% và Dogecoin giảm 8%. Hầu hết đều giảm mạnh ngay sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell tái khẳng định cam kết chống lạm phát. Vốn hóa thị trường tiền ảo cũng rớt ngưỡng 1,000 tỷ USD.

Với việc Fed quyết liệt nâng lãi suất, thị trường tiền ảo và tài sản rủi ro sẽ chịu nhiều áp lực trong thời gian tới.

Top 10 đồng tiền ảo lớn nhất

Nguồn: CoinMarketCap

Cơn ác mộng từ Fed

Trong bài phát biểu được nhiều người mong chờ ở Jackson Hole (Mỹ), ông Powell xác nhận Fed sẽ dùng “các công cụ một cách quyết liệt” để kìm hãm lạm phát, đồng thời khẳng định: “Chúng tôi phải tiếp tục hành động cho tới khi nhiệm vụ hoàn tất”.

Thậm chí với 4 đợt nâng lãi suất liên tiếp với tổng cộng 2.25 điểm phần trăm, ông Powell cho biết vẫn chưa phải là lúc để ngừng nâng mặc dù lãi suất chuẩn có lẽ đã ở quanh phạm vi trung lập – tức không kích thích nhưng cũng không kìm hãm tăng trưởng.

“Lãi suất cao hơn, tăng trưởng chậm hơn và các điều kiện trên thị trường lao động suy yếu sẽ kéo giảm lạm phát. Tuy nhiên, chúng cũng mang lại một số đau đớn cho hộ gia đình và doanh nghiệp”, ông nói trong bài phát biểu chuẩn bị từ trước. “Đây là cái giá của việc giảm lạm phát. Tuy nhiên, việc không thể khôi phục lại sự ổn định về giá cả sẽ gây ra nỗi đau còn lớn hơn thế nhiều”.

Ông Powell cho biết Fed không chỉ chú ý tới dữ liệu của 1 hoặc 2 tháng, mà còn xa hơn thế. Họ sẽ tiếp tục nâng lãi suất cho tới khi lạm phát về gần hơn với mục tiêu dài hạn 2%.

“Chúng tôi dự định thắt chặt chính sách tiền tệ đến mức đủ để đưa lạm phát trở lại 2%”, ông nói. Nhìn về tương lai, vị lãnh đạo Fed nói thêm rằng “để khôi phục ổn định giá cả, NHTW có thể cần phải duy trì lập trường chính sách theo hướng kìm hãm (restrictive policy) trong một thời gian. Lịch sử đã đưa ra nhiều cảnh báo về việc nới lỏng chính sách quá sớm”.

Jeffrey Roach, Chuyên gia kinh tế trưởng tại LPL Financial, cho biết: “Về cơ bản, Powell nói rõ rằng ngay bây giờ, chống lại lạm phát quan trọng hơn là hỗ trợ tăng trưởng”.

Các nhận định trên được đưa ra sau khi xuất hiện các dấu hiệu cho thấy lạm phát đã đạt đỉnh, nhưng chưa có tín hiệu sẽ giảm đáng kể.

Hai chỉ số theo dõi lạm phát là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) dường như không thay đổi quá nhiều trong tháng 7/2022, mặc dù giá năng lượng đã giảm mạnh.

Cùng lúc đó, một số lĩnh vực trong nền kinh tế đang giảm tốc. Đáng chú ý nhất là thị trường nhà ở đang giảm rất mạnh và các chuyên gia kinh tế cho rằng đà tăng về số lượng việc làm có khả năng hạ nhiệt.

Tuy nhiên, ông Powell cho biết Fed không chỉ chú ý tới dữ liệu của 1 hoặc 2 tháng, mà còn xa hơn thế. Họ sẽ tiếp tục nâng lãi suất cho tới khi lạm phát về gần hơn với mục tiêu dài hạn 2%.

Vũ Hạo

FILI