Lạm phát tiêu dùng Trung Quốc chạm đỉnh 2 năm vì giá thịt heo

Lạm phát tiêu dùng Trung Quốc chạm đỉnh 2 năm vì giá thịt heo

Lạm phát tiêu dùng của Trung Quốc tăng mạnh hơn trong tháng 7/2022, chủ yếu là vì giá thịt heo tăng mạnh. Dù vậy, nhu cầu yếu ớt từ người tiêu dùng đã kìm hãm phần nào đà tăng của áp lực giá nói chung.

Tháng 7/2022, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2.7% so với cùng kỳ khi giá thịt heo tăng vọt 20.2%, dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia cho thấy trong ngày 10/08. Tuy vậy, con số này thấp hơn dự báo 2.9% của các chuyên gia tham gia cuộc thăm dò của Bloomberg.

Trong khi đó, lạm phát giá sản xuất (PPI) giảm về 4.2% trong tháng 7/2022, từ mức 6.1% của tháng trước đó khi giá hàng hóa hạ nhiệt.

Trái ngược với nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới, lạm phát tiêu dùng ở Trung Quốc vẫn còn tương đối thấp trong năm nay, khi các chính sách kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt và các đợt bùng phát dịch lẻ tẻ kìm hãm chi tiêu từ người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Những đợt bùng phát dịch bệnh, khủng hoảng bất động sản, cùng với những “cơn gió ngược” trên toàn cầu, khiến đà hồi phục của Trung Quốc trở nên mong manh. Trong đó, hoạt động sản xuất tại đất nước tỷ dân bất ngờ thu hẹp trong tháng 7 và doanh số bất động sản tiếp đà giảm.

Dù vậy, giá thịt heo tăng mạnh và bức tranh kinh tế hồng hào hơn được cho là sẽ thúc đẩy CPI trong năm nay và có thể cản trở khả năng tung thêm gói kích thích của Chính phủ. Cùng lúc đó, lạm phát lõi – loại trừ giá thực phẩm và năng lượng – vẫn còn yếu ở mức 0.8% trong tháng 7/2022. Điều này cho thấy áp lực lạm phát còn yếu và không khiến các nhà hoạch định chính sách quan ngại.

“Lạm phát nhiều khả năng vượt mức 3% trong 2 tháng tới vì mức nền thấp của năm trước và đà tăng của giá thịt heo”, Bruce Pang, Trưởng bộ phận nghiên cứu kiêm chuyên gia kinh tế tại Jones Lang LaSalle, cho hay. “Tuy nhiên, lạm phát lõi có thể vẫn thấp khi nhu cầu nội địa còn yếu ớt”.

 

Các nhà kinh tế đã hạ dự báo tăng trưởng năm nay của Trung Quốc bởi các điều kiện kinh tế đang xấu đi và Bắc Kinh không tỏ ra mấy mặn mà về một gói kích thích quy mô lớn.

 

Cuối tháng 7, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Trung Quốc từ mức 4.4% xuống còn 3.3%. IMF cho rằng rủi ro từ chính sách Zero COVID và đà lao dốc của thị trường bất động sản là nguyên nhân.

Tại cuộc họp được theo dõi sát vào cuối tháng trước, các nhà hoạch định chính sách hàng đầu Trung Quốc đã từ bỏ mục tiêu tăng trưởng khoảng 5.5% trong năm nay, đồng thời làm rõ rằng họ không có kế hoạch triển khai các biện pháp kích thích mạnh tay để thúc đẩy nền kinh tế.

Ông Bruce Pang, Chuyên gia kinh tế tại công ty dịch vụ bất động sản Jones Lang LaSalle, dự đoán rằng trong tương lai gần, khả năng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) hạ lãi suất là “rất thấp”.

 

 

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FILI