Định hướng vươn tầm thế giới của Savimex
Với 37 năm trong ngành gỗ và hơn 20 năm trên thị trường chứng khoán, trải qua quá trình tái cơ cấu, Savimex vẫn gắn liền với sứ mệnh mang lợi ích cho khách hàng bằng những sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao, mang đến lợi nhuận cho nhà đầu tư. Công ty cũng định hướng lọt vào top 10 công ty đồ gỗ hàng đầu trong khu vực châu Á và vươn tầm thế giới.
Được thành lập năm 1985, Savimex (CTCP Hợp tác Kinh tế và Xuất nhập khẩu Savimex, HOSE: SAV) ban đầu có tên là Công ty hợp tác kinh tế và xuất nhập khẩu với Lào (Saigon–Vientianne import export company, viết tắt là Savimex). Savimex bắt đầu kinh doanh bằng hoạt động hợp tác với Lào để khai thác gỗ xuất khẩu và cung cấp hàng công nghiệp tiêu dùng ở TP.HCM và Lào.
Theo nhu cầu thị trường và thị hiếu người tiêu dùng, Savimex dần mở rộng thị trường sang Liên Xô, Nhật, Singapore, Hồng Kông, Đài Loan… với sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là ván sàn, gỗ tròn, gỗ xẻ… nhập khẩu chủ yếu là hóa chất, máy móc, thiết bị. Năm 1992, Savimex hợp tác với Công ty Japan Nippon Furniture (JNF) tiếp nhận dây chuyền sản xuất gỗ tinh chế sang Nhật Bản.
Không còn gói gọn trong khai thác đồ gỗ, Savimex đánh dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp của mình khi thành lập nhà máy Savi - Kỹ nghệ gỗ (Saviwoodtech), hợp tác với công ty Marunaka và thành lập trung tâm xây dựng và phát triển nội thất vào năm 1993.
Đến năm 1995, SAVIDECOR ra đời giúp Savimex lấn sân sang lĩnh vực thiết kế, trang trí nội thất và sản xuất đồ gỗ nội thất chất lượng cao, cung cấp cho thị trường trong nước.
Hiện, các sản phẩm của Savimex tập trung vào nội thất khách sạn, bàn kệ học sinh, đồ nội thất gia dụng, tủ bếp… Thị trường nội địa tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, Nha Trang, Đà Nẵng, Cần Thơ… Doanh thu xuất khẩu chiếm khoảng 90% tổng doanh thu, còn lại 10% là doanh thu nội địa. Thị trường xuất khẩu chính gồm Mỹ, Nhật Bản; Thị trường khác: EU, Hàn Quốc.
Savimex còn có một số đơn vị trực thuộc kinh doanh, sản xuất ở nhiều lĩnh vực khác nhau gồm SAVIHOMES, SAVIPACK, CHAMPA-SAVI, SAVIDECOR.
Bên cạnh lĩnh vực sản xuất đồ gỗ nội thất, Savimex còn sở hữu hàng loạt các dự án bất động sản được đánh giá là còn nhiều tiềm năng phát triển hoặc kinh doanh trong tương lai như: Cao ốc Nguyễn Phúc Nguyên; khu dân cư Phú Thuận, chung cư Ngọc Lan, dự án Đào Trí (đều ở quận 7); khu dân cư Tân Thới Hiệp; khu dân cư Bình Trị Đông. Riêng dự án Đào Trí, Savimex đã hoàn tất việc chuyển nhượng và thu tiền dự án.
Hưởng ứng chủ trương của Nhà nước, TP.HCM về cổ phần hóa tạo sức bật mới cho doanh nghiệp, thuận lợi trong việc huy động vốn ngoài Nhà nước, cùng với quyết tâm của HĐQT huy động vốn phát triển các ngành chủ lực: Gỗ xuất khẩu, bất động sản, bao bì, trang trí nội thất các khách sạn, chung cư lớn... nên Savimex đã quyết định niêm yết sớm khi thị trường chứng khoán còn non trẻ.
Năm 2002, Savimex trở thành công ty thứ 14 chính thức đặt chân lên sàn chứng khoán Việt Nam với hơn 4 triệu cp đăng ký tại thời điểm đó, tương ứng với số vốn điều lệ 40.6 tỷ đồng. Và theo BCTC quý 1, đến 31/03/2022, vốn điều lệ của Savimex đã được nâng lên hơn 160 tỷ đồng.
Theo báo cáo kết quả của đợt phát hành cổ phiếu để tăng vốn được công bố ngày 08/06/2022, Savimex đã phát hành hơn 2.34 triệu cp thưởng cho cổ đông với tỷ lệ 15% (100 cp sẽ được thưởng 15 cp). Qua đó, nâng số lượng cổ phiếu lên 18.36 triệu cp (17.97 triệu cp đang lưu hành và 395,770 cp quỹ). Như vậy, vốn điều lệ sẽ được tăng lên gần 184 tỷ đồng.
“Chúng tôi không gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn đầu niêm yết”, Tổng Giám đốc Savimex – ông Lim Hong Jin cho biết. Về mặt công bố thông tin, tùy từng giai đoạn, Công ty tuân thủ theo Luật Chứng khoán và các Thông tư, quy định về công bố thông tin. Trong hoạt động kinh doanh xuất khẩu, tính chất minh bạch trong số liệu là thông tin cần thiết của một doanh nghiệp. Nhờ đó, Savimex đã tiếp cận khá với tệp khách hàng ổn định ở các thị trường Âu, Mỹ.
“Niêm yết cũng giúp Savimex thuận lợi hơn trong việc huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu và trái phiếu. Bên cạnh đó, dựa trên kết quả kinh doanh minh bạch, Công ty huy động vốn thông qua tín dụng cho thuê về các phương án đầu tư máy móc thiết bị dài hạn”, Tổng Giám đốc Lim Hong Jin nói thêm.
Sau khi niêm yết, Savimex cũng đón nhận nhiều nhà đầu tư tổ chức như Viet Nam Property Holding (SAMVPH) của Louis Nguyễn, Satra, Quỹ đầu tư Việt Nam (của ngân hàng BIDV), Quỹ tầm nhìn SSI, PXP (Viet nam Fund LTD), CTCP BDS Điện lực Sài Gòn Vina (Land Sai Gon), Hong Long LTD...
Tính đến 28/02/2006, Nhà nước vẫn sở hữu 20% vốn tại Savimex. Bên cạnh đó, còn có CTCP Chứng khoán TPHCM (HSC) sở hữu 7.29%, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) sở hữu 5.34%, PXP Vietnam Fund, LTD sở hữu 9.79% và Wareham Group LTD sở hữu 14.09%.
Trải qua thời gian thay đổi cơ cấu cổ đông lớn. Đến năm 2014, cơ cấu sở hữu của Savimex có sự thay đổi lớn khi phần vốn Nhà nước được thoái hoàn toàn. Đồng thời, thông qua mua lại cổ phần sang tay từ một quỹ đầu tư, Tập đoàn ELAND từ Hàn Quốc đã nắm giữ 23.14% cổ phần tại Savimex. Tổng Giám đốc ELAND Việt Nam, người Hàn Quốc, cũng đồng thời nắm giữ vị trí cao nhất tại Savimex. Đây cũng là điểm khởi đầu cho quá trình tái cơ cấu của Savimex trong 2 năm 2014-2015.
Kể từ khi trở thành cổ đông lớn, ELAND đã hỗ trợ Savimex tái cơ cấu, cải thiện kết quả kinh doanh nhờ tập trung vào lĩnh vực cốt lõi là sản xuất đồ gỗ nội thất.
Tổng Giám đốc Lim Hong Jin chia sẻ thêm, ELAND cũng đã hỗ trợ về mặt nhân lực có kinh nghiệm trong ngành cũng như hệ thống máy móc dây chuyền tự động hiện đại để cải thiện năng suất của Savimex. Bên cạnh đó, nhờ việc có mạng lưới khắp nơi trên thế giới, ELAND đã giới thiệu nhiều khách hàng tiềm năng cho Savimex.
Theo báo cáo quản trị, tính đến 31/12/2021, Savimex có 2 cổ đông lớn gồm Công ty ELAND Asia (41.24%, hơn 6.6 triệu cp) và CTCP Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (21%, gần 3.3 triệu cp).
Giai đoạn 2007-2014, doanh thu của Savimex không có nhiều biến động và sụt giảm mạnh vào năm 2015. Kể từ khi có sự góp mặt của ELAND, doanh thu thuần của Savimex có sự cải thiện rõ rệt, nhất là trong năm 2018 (+27%) và 2019 (+23%). Giai đoạn này, doanh thu tại thị trường xuất khẩu và nội địa của Savimex đều có sự tăng trưởng, cụ thể tại thị trường Mỹ, Hàn Quốc, EU và một số thị trường khác duy trì ổn định.
Ngoài ra, trong năm 2018 Công ty cũng phát triển thị phần trong nước khi doanh thu nội địa tăng đến 31% so với năm 2017. Trong năm này, Savimex cũng đã đầu tư nhiều thiết bị hiện đại với hệ thống dây chuyển sản xuất tiên tiến, có thể sản xuất được những sản phẩm với nhiều chi tiết phức tạp.
Cũng từ năm 2018, dưới sự lèo lái của TGĐ Lim Hong Jin, Savimex đã chuyển hướng kinh doanh từ các thị trường truyền thống như Nhật, Korea, Mỹ sang phát triển thêm thị trường EU và UK để đa dạng hóa và không bị phụ thuộc vào bất cứ thị trường nào. Kết quả là năm 2021, thị trường UK và EU đã chiếm khoảng 30% doanh thu của Savimex.
Cơ cấu doanh thu cũng có sự thay đổi. Giai đoạn trước năm 2017, doanh thu từ gỗ xuất khẩu vẫn chiếm tỷ trọng cao, trên 70%, trong khi doanh thu từ gỗ nội thất và bất động sản đầu tư giảm rõ rệt, chỉ chiếm từ 5-20%. Do trong thời gian này, Công ty chủ yếu tập trung giảm thiểu các chi phí phát sinh, tập trung thu hồi công nợ tại các dự án đã kinh doanh, khai thác và sử dụng có hiệu quả.
Năm 2020, có thể thấy được mặt hàng gỗ nội thất tiếp tục là mặt hàng cốt lõi và ngày càng được Savimex đầu tư khi doanh thu được đóng góp chính từ gỗ nội thất, chiếm trên 90%, tiếp sau đó là bao bì và bán, cho thuê bất động sản.
Năm 2021, Savimex có thêm sự đóng góp từ mảng kinh doanh bất động sản đầu tư trong cơ cấu doanh thu, chủ yếu đến từ việc dự án Đào Trí, quận 7 hoàn tất chuyển giao và tập trung thu hồi công nợ còn lại của các dự án.
Từ năm 2021, Savimex tập trung tăng doanh số ở mảng nội thất xuất khẩu, do đó Công ty dừng bán hàng bao bì cho khách hàng ngoài và chỉ tập trung xưởng Savipack phục vụ cho nội bộ ở nhà máy. Trong quý 1/2022, doanh thu bán nội thất gỗ vẫn chiếm chủ đạo với tỷ trọng 96% doanh thu, ghi nhận gần 265 tỷ đồng.
Giai đoạn trước năm 2013, lợi nhuận ròng của Savimex có dấu hiệu đi xuống, đỉnh điểm là năm 2014-2015 báo lỗ. Đây thời điểm chuyển giao khi ELAND vừa đầu tư vào Savimex.
Tổng Giám đốc Lim Hong Jin cho biết: “Một trong những vấn đề phát sinh khi đó đến từ việc khó kiểm soát số liệu hàng tồn kho, dẫn đến tồn kho quá hạn và không xuất hàng được cho khách rất nhiều, tình trạng công nợ kéo dài dẫn đến dòng tiền không ổn định, năng suất sản xuất tại xưởng rất thấp…”.
Cơ cấu lợi nhuận giai đoạn này cũng thay đổi với tỷ trọng lợi nhuận từ hoạt động tài chính và hoạt động khác chiếm tỷ trọng lớn trong khi lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh thấp. Tỷ trọng lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh đóng góp vào lợi nhuận trước thuế năm 2014 là 74.12%, con số này trong các năm sau đó được duy trì ở mức rất cao, trên 90% và tăng dần.
Kết quả kinh doanh quý 1/2022 Trong quý 1/2022, doanh thu thuần của Savimex ghi nhận hơn 274 tỷ đồng, giảm nhẹ 3% so với cùng kỳ nhưng cải thiện đáng kể sau khi kinh tế mở cửa trở lại. Doanh thu xuất khẩu tăng trưởng đến 30% với gần 258 tỷ đồng và hàng bán bị trả lại giảm rõ rệt chỉ còn gần 10 triệu đồng trong khi cùng kỳ là hơn 430 triệu đồng. Do đó, dù các khoản chi phí gia tăng như chi phí bán hàng (+19%) và chi phí quản lý doanh nghiệp (+70%). Savimex vẫn ghi nhận lợi nhuận sau thuế hơn 12.8 tỷ đồng trong quý đầu năm, tăng 24% so với cùng kỳ. Tính đến 31/03/2022, tổng tài sản ghi nhận hơn 578 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm 3%. Trong đó, phải thu ngắn hạn giảm 7%, chỉ còn gần 125 tỷ đồng, hàng tồn kho giảm 3% còn hơn 107 tỷ đồng, chủ yếu là nguyên vật liệu (chiếm 69%). |
Trước bối cảnh đó, Savimex đã nỗ lực trong việc tái cơ cấu nhằm kéo giảm các khoản phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho được thu hẹp để giúp tăng cường thanh khoản.
“Dựa vào tình hình thực tế tại thời điểm đó, Công ty cũng đã thực hiện một số chiến lược trọng điểm để vực dậy như: Rà soát nguồn lực phù hợp tại các vị trí chủ chốt, kiểm soát định mức các loại nguyên phụ liệu chính để cấp phát và kiểm soát giá thành chính xác cho từng loại sản phẩm, đánh giá lại các khách hàng tiềm năng và từ đó có kế hoạch nhận đơn hàng mới để phù hợp với dây chuyền sản xuất của Savimex, sắp xếp lại dây chuyền sản xuất và tiến đến thay thế máy móc thiết bị theo hướng tự động hóa…”, Tổng Giám đốc Lim Hong Jin chia sẻ thêm.
Nhờ những chiến lược đó, sau giai đoạn tái cơ cấu, lợi nhuận của Savimex được cải thiện và tăng dần từ năm 2016 đến nay. Nhất là năm 2020, Công ty ghi nhận mức tăng trưởng đến 92%, ghi nhận 48 tỷ đồng lợi nhuận ròng. Có thể nói, Savimex cũng được hưởng lợi nhờ dịch bệnh khi các doanh nghiệp cho nhân viên làm việc ở nhà, khiến nhu cầu về nội thất nhà ở tăng cao, đặc biệt các sản phẩm từ gỗ, tạo điều kiện thuận lợi cho Công ty tăng cường xuất khẩu, đáp ứng nhu cầu của khách hàng, qua đó giúp doanh thu thuần của Công ty tăng lên.
Thời điển hiện tại, Savimex đã lấn sân sang các mảng khác như đầu tư thi công, trang trí nội - ngoại thất, mua bán địa ốc, xây dựng… Trong đó, hoạt động kinh doanh cốt lõi vẫn là đồ gỗ nội thất.
Tổng Giám đốc Lim Hong Jin chia sẻ, Savimex đang tập trung phát triển thương hiệu MOHO, thương hiệu bán lẻ nội thất trong nước. Về lâu dài, định hướng của Công ty vẫn phát triển ngành nghề cốt lõi là nội thất đồ gỗ nên chưa có dự định mở rộng sản xuất sang lĩnh vực khác.
Ngành gỗ đang ở giai đoạn vừa phục hồi sản xuất sau thời gian dài đình trệ do dịch COVID-19 vừa phải tích cực tìm hướng mới để gia tăng giao thương. Để hạn chế tối đa các rủi ro, Tổng Giám đốc Savimex cho biết Công ty đã lên kế hoạch cẩn trọng, tìm hiểu về tình hình biến động giá cả thế giới để có kế hoạch sản xuất hợp lý, an toàn. Ngoài ra, Công ty còn cân đối tình hình đơn hàng hàng tháng và hàng quý để chuẩn bị nguồn nguyên liệu thích hợp tương ứng từng thời điểm.
Dài hơi hơn cho kế hoạch 3-5 năm, Savimex sẽ tập trung duy trì các khách hàng hiện có; phát triển và tìm kiếm thêm khách hàng mới, thị trường mới; tìm kiếm thêm nguồn nguyên liệu trong nước để chủ động và hạn chế phụ thuộc vào nguồn nhập từ nước ngoài.
“Trong khoảng 10 năm nữa, Savimex định hướng là 1 trong 10 công ty đồ gỗ hàng đầu trong khu vực châu Á và vươn tầm thế giới”, Tổng Giám đốc Lim Hong Jin cho biết.
Cát Lam