Dầu WTI lao dốc gần 7%

Dầu WTI lao dốc gần 7%

Giá dầu giảm khoảng 6% xuống đáy 4 tuần vào ngày thứ Sáu (17/6) do lo ngại rằng việc các ngân hàng trung ương lớn nâng lãi suất có thể làm trì trệ kinh tế toàn cầu và làm giảm nhu cầu năng lượng.

Cũng góp phần gây áp lực cho giá dầu, đồng USD trong tuần này đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 12/2002, làm dầu trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua đang sử dụng  những đồng tiền khác.

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng dầu Brent lùi 6.69 USD (tương đương 5.6%) xuống 113.12 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI mất 8.03 USD (tương đương 6.8%) còn 109.56 USD/thùng.

Đó là mức đóng cửa thấp nhất của dầu Brent kể từ ngày 20/5/2022 và là mức thấp nhất của dầu WTI kể từ ngày 12/5/2022. Đây cũng là phiên giảm mạnh nhất của dầu Brent từ đầu tháng 5 và là phiên tồi tệ nhất của dầu WTI kể từ cuối tháng 3/2022.

Tuần qua, hợp đồng dầu Brent giảm lần đầu tiên trong 5 tuần, dầu WTI giảm lần đầu tiên trong 8 tuần.

Thị trường Mỹ sẽ tạm dừng hoạt động vào ngày thứ Hai (20/6) do nghỉ lễ Juneteenth (19/6).

Các ngân hàng trung ương trên toàn cầu, vốn đã nhanh chóng nới lỏng chính sách tiền tệ trong thời gian đại dịch để tránh suy thoái, hiện đang thắt chặt chính sách để kiểm soát lạm phát.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong tuần này đã nâng lãi suất Mỹ thêm 75 điểm cơ bản, mạnh nhất trong hơn 20 năm.

Các hợp đồng xăng và dầu diesel tương lai tại Mỹ cũng giảm 4% do lo ngại giá xăng cao vọt sẽ làm giảm nhu cầu.

Các công ty năng lượng Mỹ trong tuần này đã bổ sung 4 giàn khoan khi Tổng thống Mỹ Joe Biden chỉ trích các nhà sản xuất kiếm lợi từ giá cao thay vì sản xuất nhiều hơn để thúc đẩy sản lượng.

Trong khi đó, Nga dự báo kim ngạch xuất khẩu dầu sẽ tăng trong năm 2022 bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây và cấm vận của châu Âu, Bộ trưởng Năng lượng Nga cho biết vào ngày thứ Sáu.

Sự biến động của thị trường đã tăng lên đáng kể từ khi xung đột Nga – Ukraine diễn ra vào ngày 24/02/2022.

An Trần (Theo CNBC)

FILI