Dầu WTI  giảm 3% do lo ngại kinh tế Mỹ suy thoái

Dầu WTI  giảm 3% do lo ngại kinh tế Mỹ suy thoái

Giá dầu giảm khoảng 3% vào ngày thứ Tư (22/6), khi nhà đầu tư lo ngại rằng việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất có thể khiến nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái, làm tổn hại nhu cầu nhiên liệu.

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Tư, hợp đồng dầu Brent lùi 2.91 USD (tương đương 2.5%) xuống 111.74 USD/thùng. Hợp đồng này đã chạm mức đáy trong phiên là 107.03 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 19/5/2022.

Hợp đồng dầu WTI mất 3.33 USD (tương đương 3%) còn 106.19 USD/thùng, sau khi chạm mức đáy trong phiên là 101.53 USD/thùng, đây cũng là mức thấp nhất kể từ ngày 11/5/2022.

Nhà đầu tư đánh giá vào ngày thứ Tư rằng việc nâng lãi suất để hạ nhiệt lạm phát tăng nóng có thể làm đình trệ phục hồi kinh tế như thế nào.

Tuy nhiên, giá dầu đã xóa bớt mức giảm trong phiên sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell cam kết “tập trung bao quát” vào việc giảm lạm phát và nhắc lại rằng chính sách nâng lãi suất liên tục của ngân hàng trung ương sẽ là phù hợp, với tốc độ tùy thuộc vào triển vọng kinh tế.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi Quốc hội nước này thông qua lệnh tạm ngừng thu thuế xăng liên bang trong 3 tháng để hỗ trợ đối phó với giá xăng cao kỷ lục và hỗ trợ tạm thời đối với người dân Mỹ trong mùa hè này.

Trong khi giá xăng thấp hơn có thể thật sự thúc đẩy nhu cầu nhiên liệu và hỗ trợ giá dầu thô, chuyên gia phân tích Stephen Brennock của PVM cho biết nhà đầu tư lo ngại chính quyền ông Biden có thể thực hiện thêm nhiều biện pháp để hạ nhiệt giá năng lượng cao.

Các nhà lập pháp của cả 2 đảng lớn đều bày tỏ sự phản đối đối với việc tạm ngưng thu thuế xăng liên bang.

Nhà Trắng đã yêu cầu giám đốc điều hành của 7 công ty dầu khí tham gia cuộc họp vào ngày 23/6 để thảo luận cách thức tăng năng suất và giảm giá xăng xuống khoảng 5 USD/gallon.

Dữ liệu của chính phủ cho thấy năng suất lọc dầu tại Mỹ giảm trong năm 2021,giảm năm thứ 2 liên tiếp, khi việc ngừng hoạt động các nhà máy ảnh hưởng đến khả năng sản xuất xăng và dầu diesel.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết 2.4 ngàn tỷ USD sẽ được đầu tư vào ngành năng lượng toàn cầu trong năm nay bao gồm mức chi kỷ lục cho năng lượng tái tạo, nhưng không đủ để thu hẹp chênh lệch nguồn cung và giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

An Trần (theo CNBC)

FILI