Chứng khoán Mỹ và châu Âu bị bán tháo, Dow Jones sụt 500 điểm

Chứng khoán Mỹ và châu Âu bị bán tháo, Dow Jones sụt 500 điểm

Chứng khoán Mỹ lẫn châu Âu đồng loạt giảm mạnh trong ngày 30/06, trong đó S&P 500 chuẩn bị khép lại nửa đầu năm tồi tệ nhất trong hơn 50 năm qua.

Tính tới lúc 21h45 ngày 30/06, Dow Jones giảm 505 điểm (tương đương 1.65%), S&P 500 sụt 1.8% và Nasdaq Composite lao dốc 2.6%. Sắc đỏ cũng bao trùm trên thị trường châu Âu, với Stoxx 600 sụt 2.17%, còn DAX lao dốc 2.74%.

Tại Mỹ, cổ phiếu bán lẻ liên quan tới nhà ở dẫn đầu đà giảm sau khi cổ phiếu của công ty nội thất cao cấp RH giảm 9% vì công bố cảnh báo lợi nhuận ảm đạm trong năm 2022. Wayfair và Williams-Sonoma cũng lao dốc 6% và 7%.

"Sự giảm tốc của kinh tế, cộng với triển vọng lợi nhuận nhạt nhòa và quá trình thắt chặt tiền tệ đang đè nặng lên thị trường cổ phiếu trong nhiều tháng qua", Adam Crisafulli, Chuyên gia tại Vital Knowledge, cho hay.

Cổ phiếu du thuyền tiếp tục lao dốc sau khi Morgan Stanley giảm một nửamục tiêu giá của cổ phiếu Carnival trong ngày 29/06. Cổ phiếu Carnival và Royal Caribbean sụt 6%, còn Norwegian Cruise rớt 7%.

Ngày 30/06 là ngày cuối cùng của quý 2/2022. Dow Jones và S&P 500 sắp ghi nhận quý tồi tệ nhất kể từ quý 1/2020 khi các đợt phong tỏa Covid-19 đẩy chứng khoán rớt không phanh. Chỉ số Nasdaq Composite giảm hơn 20% trong quý 2, là quý tệ nhất kể từ năm 2008.

Ngoài ra, S&P 500 cũng sắp ghi nhận nửa đầu năm tồi tệ nhất kể từ năm 1962. Các yếu tố như lạm phát, Fed nâng lãi suất, cuộc chiến Nga-Ukraine và Trung Quốc phong tỏa đang làm nảy sinh nỗi lo suy thoái toàn cầu.

"Chúng tôi không tin là chứng khoán đã chạm đáy và dự báo sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới. Nhà đầu tư nên giữ tỷ trọng tiền mặt cao tại thời điểm này", George Ball, Chủ tịch tại Sanders Morris Harris, cho hay. "Chúng tôi nhận thấy S&P 500 chạm đáy quanh mốc 3,100 điểm khi các biện pháp kiểm soát lạm phát của Fed có thể gây áp lực lên lợi nhuận doanh nghiệp".

 

Chỉ số giá tiêu dùng các nhân cốt lõi, thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), tăng 4.7% trong tháng 5/2022, Bộ Thương Mại Mỹ báo cáo vào ngày thứ Năm. Con số này thấp hơn 0.2% so với tháng trước, nhưng vẫn ở mức cao chưa từng thấy kể từ những năm 1980. Chỉ số này được dự báo cho thấy mức tăng 4.8% so với cùng kỳ năm trước trong tháng 5, theo Dow Jones.

Chỉ số PMI Chicago, theo dõi hoạt động kinh doanh trong khu vực, đạt 56 trong tháng 6, thấp hơn so với ước tính của StreetAccount là 58.3.

Fed đã hành động quyết liệt để cố gắng giảm lạm phát đang tăng cao, vốn đã vọt lên đỉnh 40 năm.

Chủ tịch Fed khu vực Cleveland, Loretta Mester, nói rằng bà ủng hộ việc nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản tại cuộc họp tháng 7 sắp tới của ngân hàng trung ương nếu các điều kiện kinh tế hiện tại vẫn diễn ra. Vào đầu tháng 6, Fed đã nâng lãi suất thêm 0.75 điểm phần trăm, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1994.

Một số người theo dõi trên Phố Wall lo ngại hành động quá quyết liệt sẽ khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái.

 

Vũ Hạo (Theo CNBC)

FILI