Bán mạnh chứng khoán, giới đầu tư chuyển sang tích trữ USD

Bán mạnh chứng khoán, giới đầu tư chuyển sang tích trữ USD

Các nhà đầu tư quốc tế bán mạnh cổ phiếu và trái phiếu, đồng thời chuyển sang tích trữ đồng USD giữa lúc thị trường biến động ngày càng mạnh.

Thông thường, nhà đầu tư thường chuyển lượng tiền mặt bán tài sản sang đồng nội tệ, nhưng lần này lại khác. Dữ liệu dòng vốn Mỹ cho thấy lượng tiền mặt bằng USD của nhà đầu tư nước ngoài đang ở gần mức kỷ lục trong bối cảnh nhà đầu tư bán tháo tài sản rủi ro cao.

“Đồng USD đang giữ vai trò là kênh phòng ngừa tình trạng lạm phát đình đốn trên toàn cầu (global stagflation)”, George Saravelos, Chiến lược gia tiền tệ tại Deutsche Bank, nhận định. Lạm phát đình đốn diễn ra khi tăng trưởng suy yếu giữa lúc lạm phát tăng mạnh.

Xu hướng này là một bằng chứng khác cho thấy các biện pháp kiểm soát lạm phát của NHTW đang làm đảo lộn các thị trường tài chính. Tuần trước, S&P 500 bước vào thị trường con gấu, tức giảm hơn 20% từ đỉnh, trong khi đồng USD nổi lên như “vĩnh tránh bão” của thế giới. Điều này có nghĩa thị trường tiền tệ từng yên bình nay lại biến động mạnh giữa lúc Fed và các NHTW thắt chặt chính sách tiền tệ.

Tính tới ngày 22/06, chỉ số đồng USD của WSJ – đo lường diễn biến đồng USD so với 16 đồng tiền khác – tăng 3% trong tháng này và tăng 12% trong giai đoạn 12 tháng.

Diễn biến của các đồng tiền trên thế giới

Đồng Franc Thụy Sĩ và Yên Nhật cũng được xem là kênh trú ẩn an toàn khi thị trường tài chính biến động mạnh. Tuy nhiên, chính sách tiền tệ của NHTW Nhật Bản – giữ nguyên lãi suất gần 0% – đã hủy hoại vị thế trú ẩn của đồng Yên Nhật. Trong khi đó, đồng Franc Thụy Sĩ vẫn còn đang đi ngang.

Nhiều chuyên gia quản lý tài sản thừa nhận đồng USD đang bị định giá cao tại mức hiện tại, nhưng họ không còn nhiều phương án nào khác. Họ nhìn chung đồng tình rằng chính sách tiền tệ và việc nhà đầu tư bán tháo tài sản rủi ro đang giữ đồng USD ở mức đỉnh nhiều thập kỷ, mặc dù nguy cơ suy thoái đang tăng.

“Xét về giá trị thực, với lạm phát cao, bạn hẳn sẽ kỳ vọng đồng USD giảm giá trong dài hạn, đó là về mặt lý thuyết. Tuy nhiên, bức tranh đang khá mù mờ”, Ugo Lancioni, Trưởng bộ phận quản lý tiền tệ tại Neuberger Berman, cho hay. Ông Lancioni kỳ vọng đồng USD suy yếu khi nỗi lo về tăng trưởng toàn cầu lắng xuống và căng thẳng địa chính trị hạ nhiệt.

Đồng USD tiếp tục tăng giá so với Yên Nhật sau khi NHTW Nhật Bản khẳng định lãi suất sẽ tiếp tục xoay quanh mức 0%. Thống đốc Haruhiko Kuroda cho biết lãi suất tăng có thể gây tổn thương cho nền kinh tế Nhật Bản, vốn đang có mức lạm phát thấp hơn so với các quốc gia khác, bao gồm Mỹ và Anh.

Đồng Bảng Anh hồi phục so với USD sau khi NHTW Anh nâng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản trong ngày 16/06, lần nâng thứ 5 liên tiếp. Các quỹ đầu cơ và nhà quản lý tài sản cho biết họ đang bán đồng Bảng vì NHTW nước này không tăng lãi suất đủ nhanh. Họ kỳ vọng lạm phát sẽ cắm rễ sâu hơn vào nền kinh tế Anh, qua đó làm chậm lại chi tiêu tiêu dùng.

Lạm phát Anh chạm mức 9.1% trong tháng 5/2022, là mức đỉnh 40 năm. Đồng Bảng Anh giảm hơn 11% so với USD trong năm qua.

Mark Dowding, Giám đốc đầu tư tại công ty BlueBay Asset Management, đang bán khống đồng Bảng Anh vì cho rằng đồng tiền này sẽ giảm vì rắc rối “lạm phát đình đốn sắp tới”.

“Chúng tôi nghĩ NHTW Anh đang hành động sai lầm và mọi thứ sẽ kết thúc trong nước mắt”, ông Dowding cho biết. “Kịch bản tệ nhất là thị trường mất lòng tin vào khả năng kiểm soát lạm phát của NHTW”. Ông Dowding cho biết ông đang đầu tư đồng USD.

Tuần này, nhà đầu tư sẽ rà soát dữ liệu thị trường nhà ở để tìm manh mối về tác động của lãi suất cao hơn. Các NHTW vẫn sẽ là tâm điểm chú ý trong thời gian tới. Phố Wall cũng chú ý tới giá dầu như là một cú sốc kế tiếp có thể đẩy đồng USD lên đỉnh cao mới.

Vũ Hạo (Theo WSJ)

FILI