Vì sao chứng khoán Mỹ rớt thảm trong giai đoạn vừa qua?

Vì sao chứng khoán Mỹ rớt thảm trong giai đoạn vừa qua?

Thị trường chứng khoán Mỹ đã có sự khởi đầu tệ hại trong những tháng đầu năm 2022.

S&P 500, chỉ số được coi là chuẩn mực chính cho hiệu suất thị trường chứng khoán Mỹ, đã giảm 13.3% trong suốt tháng 4, mức giảm mạnh nhất trong 4 tháng kể từ năm 1939. Chỉ số này tiếp tục giảm vào tháng 5 và giảm 16% từ đầu năm đến nay tính đến cuối ngày thứ Ba, đang tiến gần đến ngưỡng 20% ​​mà một số nhà đầu tư xem là sự xác nhận của thị trường giá xuống.

Đối với Nasdaq Composite, vốn thiên về cổ phiếu công nghệ hơn, sự sụt giảm này còn nghiêm trọng hơn, khi giảm khoảng 25% cho đến thời điểm này trong năm nay.

Điều gì đang ảnh hưởng đến cổ phiếu trong năm nay?

Chỉ số S&P 500 khởi đầu năm nay bằng việc tăng hơn gấp đôi so với mức thấp nhất của nó vào tháng 03/2020, nhưng rồi đợt tăng đó đã đảo ngược gần như ngay lập tức khi lịch chuyển sang năm 2022 chưa được bao lâu.

Yếu tố chính được các nhà đầu tư và nhà phân tích viện dẫn cho sự yếu kém của thị trường là sự thay đổi chính sách tại Cục Dự trữ Liên bang (Fed). Khi đại dịch diễn ra, Ngân hàng trung ương Mỹ đã đưa ra các chính sách khẩn cấp để ổn định nền kinh tế mà các nhà đầu tư cho rằng cũng khuyến khích việc mua cổ phiếu và các tài sản rủi ro khác. Tuy nhiên, vào đầu năm 2022, Fed đã báo hiệu rằng họ đang hướng tới chính sách tiền tệ thắt chặt hơn để giảm nạn lạm phát đang gia tăng, và đó là một thay đổi đáng kể đối với môi trường đầu tư.

Tại sao sự thay đổi chính sách của Fed ảnh hưởng đến cổ phiếu?

Hồi tháng 3, Fed đã nâng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2018 khi tăng 25 điểm cơ bản. Đầu tháng này, Ngân hàng trung ương Mỹ đã tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản - động thái lớn nhất trong 22 năm - và Chủ tịch Fed, Jerome Powell, báo hiệu những đợt tăng tương tự có thể xảy ra sau đó.

Các quyết định đã ảnh hưởng đến cổ phiếu theo một số cách. Mặc dù chứng khoán đã tăng trong nhiều chu kỳ tăng lãi suất trước đây của Fed, nhưng một số nhà đầu tư lo ngại rằng lạm phát tăng cao và giá hàng hóa cao ngất ngưởng có thể buộc Ngân hàng trung ương Mỹ phải thắt chặt hơn nữa, và điều này có khả năng ảnh hưởng đến tăng trưởng, đẩy nền kinh tế vào suy thoái.

Đồng thời, kỳ vọng về chính sách thắt chặt hơn của Fed đã đẩy lợi suất trái phiếu vốn không hấp dẫn trước đây tăng lên. Lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng gần gấp đôi trong năm nay lên 3%, lần đầu tiên cao hơn mức cao nhất kể từ cuối năm 2018, khi Fed sắp kết thúc chu kỳ thắt chặt cuối cùng.

Với lợi suất tăng, trái phiếu là một khoản đầu tư cạnh tranh hơn đối với cổ phiếu, với lợi tức trái phiếu kho bạc 10 năm cao khoảng gấp đôi mức cổ tức của chỉ số S&P 500.

Lợi tức trái phiếu cao hơn đặc biệt làm giảm sức hấp dẫn của công nghệ và các lĩnh vực tăng trưởng cao khác, vốn được đánh giá cao về dòng tiền tiềm năng và mất đi sự hấp dẫn khi lợi suất trái phiếu tăng. Các nhà đầu tư nói rằng tác động đó đã được phản ánh trong sự sụt giảm lớn hơn bình thường, khi chỉ số tăng trưởng Russell 1000 giảm 24% trong năm nay.

Điều gì khác có thể góp phần làm cho cổ phiếu yếu đi?

Ngoài sự thay đổi của Fed, cuộc chiến Nga-Ukraine đã làm gia tăng thêm sự bất ổn kinh tế. Ví dụ, tình trạng hỗn loạn đã gây ra một cú sốc về nguồn cung, khiến giá dầu và các hàng hóa khác bị đẩy lên cao, đồng thời gây ra những lo ngại đặc biệt về nền kinh tế châu Âu.

Các yếu tố khác đã gây ra biến động chứng khoán gần đây bao gồm lo ngại về nền kinh tế Trung Quốc. Những đợt phong tỏa ở nước này để kiểm soát COVID-19 đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất ở đó.

Nhà đầu tư đang tìm kiếm những dấu hiệu nào?

Nhà đầu tư muốn thấy các dấu hiệu cho thấy lạm phát của Mỹ đang đạt đỉnh để Fed có thể không thực hiện những hành động mạnh tay hơn.

Một số nhà đầu tư đang xem xét các chỉ báo kỹ thuật, chẳng hạn như liệu S&P 500 có thể giữ được các mức quan trọng hay không, cũng như những ngày có khối lượng giảm đặc biệt lớn để không còn người bán, hay chỉ số biến động CBOE đạt những mức cao nhất định.

Nhã Thanh (Theo Reuters)

FILI