Nhịp đập Thị trường 11/05: Thanh khoản HOSE thấp nhất kể từ 2020

Nhịp đập Thị trường 11/05: Thanh khoản HOSE thấp nhất kể từ 2020

Với giá trị giao dịch chỉ gần 11.5 ngàn tỷ đồng, 11/05 là ngày có thanh khoản thấp nhất tại HOSE kể từ năm 2020 (10.8 ngàn tỷ đồng trong ngày 31/12/2020).

Thị trường kết phiên tại vùng điểm số cao nhất ngày. VN-Index tăng 7.97 điểm, VN30-Index tiến 4.36 điểm, HNX đi lên 3 điểm. Tuy nhiên, mặt trái là thanh khoản ở mức rất thấp.

Sự thiếu hào hứng của giới giao dịch diễn ra giữa bối cảnh VN-Index đã sụt gần 13% kể từ đầu tháng 4/2022 đến nay, bất chấp hai ngày tăng giá gần nhất. Tình trạng hiện nay của thị trường trái ngược hoàn toàn với sự lạc quan của giới chuyên gia từ CTCK khi dự báo về năm 2022 cách đây mấy tháng, lúc mà các mức mục tiêu thường được xác định ở vùng 1,600-1,700 điểm cho VN-Index.

Trở lại với phiên 11/05, pha ngược dòng của cổ phiếu bất động sản, ngân hàng đã chèo chống thị trường thoát khỏi một ngày giao dịch buồn - tức là tránh được cảnh thanh khoản thấp mà điểm số cũng rớt.

Tuy vậy, ngành được cho là nhiệt kế của thị trường là chứng khoán vẫn không tỏ ra tích cực. Dù các mã vốn hóa nhỏ tăng giá, nhóm cổ phiếu đầu ngành như SSI, VCI, VND, HCM chỉ xuất hiện màu vàng hoặc đỏ vào kết phiên.

Cổ phiếu thủy sản và thực phẩm – đồ uống rớt giá. Trong đó, nhóm bộ ba vốn hóa lớn nhất là MSNVNMSAB sụt đáng kể. MSN là mã kéo lùi mạnh nhất đối với VN-Index.

Hôm nay, khối ngoại không còn mua ròng nhưng cũng chẳng bán ròng đáng kể (48 tỷ đồng).

14h: Lội ngược dòng nhờ ngân hàng, bất động sản

Thị trường hồi phục trong phiên chiều khi ngân hàng và bất động sản lấy lại sắc xanh. Các chỉ số đại diện như VN-Index, VN30-Index, HNX-Index đều đã tăng điểm tính đến 13h57.

Tuy nhiên, thanh khoản chưa được cải thiện. Giá trị giao dịch tại HOSE chỉ đạt gần 8.5 ngàn tỷ đồng vào thời điểm 13h58. Thanh khoản thị trường không cho thấy dấu hiệu cải thiện dù thời gian giao dịch đã trôi qua phần lớn.

Cổ phiếu VHM lội ngược dòng và tăng giá 1%. Trong khi đó, mức giảm của VIC đã co lại so với phiên sáng. Một số mã bất động sản có diễn biến nổi bật như DIG, L14CEO tăng kịch trần, VRE tăng 4.45%.

Trong khi đó, MSN vẫn tiêu cực, giảm 2.5% và là cổ phiếu kéo lùi mạnh nhất đối với VN-Index.

Đến 14h02, khối ngoại tăng giá trị bán ròng trong ngày lên mức 181 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào VNM, DXG, MSN, HAH.

Phiên sáng: Hụt hơi 

Thị trường kết thúc phiên sáng tại mức giảm khá sâu dưới tham chiếu. VN-Index đánh mất 11.95 điểm và VN30-Index sụt 16.8 điểm, tuy nhiên, HNX-Index tăng 1.25 điểm.

MSN, VHM, VIC, GAS lần lượt là các mã kéo giảm VN-Index nhiều nhất trong phiên sáng. Chiều ngược lại, VRE, EIB, CTGPGV là những mã đóng góp tích cực nhất cho chỉ số.

Ngân hàng và bất động sản vẫn là những ngành đè nặng lên thị trường. Dù diễn biến của các nhóm cổ phiếu trong từng ngành ít nhiều đã bớt tiêu cực.

Tiêu điểm trong sáng nay là thanh khoản thị trường ở mức rất thấp. Kết phiên sáng, HOSE chỉ đạt giá trị giao dịch vỏn vẹn 5.8 ngàn tỷ đồng, HNX là 613 tỷ đồng.

Tại MSN, xuất hiện khối giao dịch thỏa thuận đáng chú ý trị giá 168 tỷ đồng, tương ứng 1.46 triệu cp sang tay tại mức giá 115,000 đồng/cp.

Khối ngoại không còn giữ đà mua ròng như hai phiên trước đó (09-10/05). Tổng thể tam sàn trong sáng nay, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 77 tỷ đồng.

11h: Dòng tiền mất hút

Thanh khoản thị trường dường như biến mất trong phiên sáng nay. Giá trị giao dịch tại sàn HOSE đang ở mức mà rất lâu rồi giới quan sát mới lại thấy.

4.8 ngàn tỷ đồng là giá trị giao dịch tại sàn chứng khoán lớn nhất nước – HOSE – tính đến 10h58. Trong khi đó, riêng đối với nhóm VN30 thì con số chỉ là 1.3 ngàn tỷ đồng và tại HNX là 519 tỷ đồng. Dường như chẳng ai còn thiết tha giao dịch sau khi chứng kiến những biến động tiêu cực của thị trường suốt một tháng qua. Và không chỉ có thế, một tương lai bất định vẫn đang chờ đón thị trường giữa bối cảnh những rủi ro từ các yếu tố quốc tế ngày càng dâng cao.

Cổ phiếu ngành thủy sản và bảo hiểm chìm trong sắc đỏ. Các mã đầu ngành như VHC (-2.45%), IDI (-2.7%) và BVH (-2.5%) đều giảm đáng kể.

Điểm đáng chú ý trong phiên sáng là sự suy giảm được nhìn thấy tại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn ngành bán lẻ - hàng tiêu dùng. Đây là nhóm cổ phiếu có sức chống chịu tốt trong đợt biến động mạnh từ đầu tháng 4 đến nay. Tính đến 10h53, MWG giảm 1.4%, MSN sụt 2.9%, trong khi VNMSAB giảm nhẹ.

Thực tế là sắc đỏ cũng chiếm thế chủ đạo trên bình diện chỉ số ngành. Tuy vậy, những ngành vốn hóa lớn là bất động sản và ngân hàng không quá tiêu cực nên chỉ số đại diện thị trường VN-Index chỉ đánh rơi 8 điểm tính đến 10h55.

Khởi đầu cầm chừng

Thị trường khởi đầu cầm chừng. Các chỉ số đại diện như VN-Index, VN30-Index, HNX-Index dao động quanh tham chiếu.

Đáng chú ý là nhóm ngành chứng khoán đón nhận sắc xanh đồng loạt ngay đầu giờ giao dịch. Tính đến 9h31, toàn bộ các mã đều tăng giá, ngoại trừ VCIVDS.

Cổ phiếu xây dựng và dầu khí cũng thể hiện bộ mặt tích cực. Một số gương mặt nổi bật có REE, (+4%), VCG (+2.3%), PC1 (+2.1%) và PVS (+4.1%), PVD (+2.4%), PVC (+6.8%).

Ngành bất động sản tương đối khả quan khi cổ phiếu tăng giá chiếm phần lớn, tuy nhiên, việc bộ đôi “họ Vin” giảm giá kéo lùi thành tích của toàn bộ ngành. Tính đến 9h35. VIC giảm 1.6% và VHM giảm 1.3%. Hai mã này đồng thời cũng là hai cổ phiếu tạo áp lực lớn nhất lên VN-Index. Trong khi đó, NVL (+1.9%) lại là mã đóng góp nhiều điểm số nhất cho chỉ số.

Đến 9h38, VN-Index (-3.34 điểm) bắt đầu có dấu hiệu suy yếu. Trong khi đó, VN30-Index cũng đã giảm 7 điểm.

Thừa Vân

FILI