Khu vực châu Á chỉ còn 2 thị trường giữ được sắc xanh từ đầu năm 2022

Khu vực châu Á chỉ còn 2 thị trường giữ được sắc xanh từ đầu năm 2022

Chỉ còn 2 chỉ số chứng khoán ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương giữ được sắc xanh từ đầu năm đến nay, và cả hai đều ở Đông Nam Á.

Tính đến đóng cửa phiên 18/05, chỉ số Straits Times Index của Singapore vẫn còn tăng 3.25% so với đầu năm. Theo nhận định của Morgan Stanley, chứng khoán Singapore là một “vịnh tránh bão trong lúc thị trường toàn cầu biến động mạnh”.

“Thị trường toàn cầu đang đối mặt với nhiều cơn gió ngược từ sự suy giảm tăng trưởng khi các biện pháp kích cầu được rút lại, lãi suất được nâng lên khi các ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ, và lạm phát tăng do những cú sốc nguồn cung gây ra bởi các sự kiện ở Ukraine và Trung Quốc”, trích từ báo cáo của Morgan Stanley. “Bất chấp triển vọng toàn cầu bấp bênh, các điều kiện kinh tế vĩ mô của Singapore dường như vẫn tương đối vững chắc. Tăng trưởng GDP có thể giảm tốc, nhưng vẫn đang cao hơn so với xu hướng nhờ tiến trình mở cửa trở lại nền kinh tế trong năm nay”.

Ngoài ra, chỉ số Jakarta Composite của chứng khoán Indonesia vẫn còn tăng 3.22% từ đầu năm.

Cả Straits Times và Jakarta Composite đều vượt trội so với các chỉ số khác trong khu vực, khi các thị trường khác đồng loạt rớt mạnh trong năm nay. Trung Quốc là một trong những thị trường giảm mạnh nhất.

Chỉ số Shenzhen Component của chứng khoán Trung Quốc đại lục đã giảm hơn 24% từ đầu năm. Shanghai Composite Index của Trung Quốc đại lục cũng giảm khoảng 15% trong cùng khoảng thời gian.

Hiện có một số yếu tố đằng sau đợt giảm điểm mạnh của thị trường Trung Quốc, từ khả năng siết giám sátđối với những lĩnh vực như công nghệ, cho tới mối lo về gián đoạn chuỗi cung ứng khi nước này phải chống chọi với đợt bùng dịch Covid-19 nghiêm trọng nhất kể từ đầu năm 2020.

Chỉ số Kospi của chứng khoán Hàn Quốc và Taiex của Đài Loan – hai thị trường có nhiều công ty xuất khẩu lớn hương lợi trong giai đoạn đầu của đại dịch - đều giảm hơn 10% từ đầu năm đến nay.

“Có nhiều lý do khiến một số thị trường ở Đông Nam Á vượt trội hơn các thị trường khác từ đầu năm đến nay”, chiến lược gia Chetan Seth của Nomura nhận định. Ông Chetan đề cập đến các yếu tố như hưởng lợi từ sự mở cửa trở lại của nền kinh tế và những thị trường như Indonesia và Malaysia hưởng lợi từ giá hàng hoá cơ bản tăng cao.

“Trong bối cảnh nhà đầu tư lo ngại về rủi ro địa chính trị và sự giảm tốc kinh tế toàn cầu, chứng khoán Đông Nam Á nói chung tốt hơn, vì khu vực này có mức độ kết nối thương mại ít hơn với phần còn lại của thế giới,nhất là nếu so với khu vực Bắc Á”, ông Chetan phát biểu.

Winnie Wu, Chuyên gia của Bank of America, cho rằng sự vượt trội của cổ phiếu ngân hàng là một yếu tố khác phía sau sự vượt trội của chứng khoán Đông Nam Á.

“Với môi trường lãi suất tăng và xu hướng dịch chuyển từ cổ phiếu tăng trưởng sang cổ phiếu giá trị, cổ phiếu ngân hàng đang vượt trội ở Đông Nam Á”, ông Wu nói. “Singapore, Indonesia và Australia là những thị trường có tỷ trọng tương đối cao của cổ phiếu tài chính, và đều là những thị trường đang vượt trội. Ở những thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc, cổ phiếu tài chính chiếm tỷ trọng thấp hơn”.

Cũng từ đầu năm, chỉ số S&P 500 của thị trường chứng khoán Mỹ đã giảm 18.2%. Chỉ số MSCI All Country World Index của chứng khoán thế giới giảm 17.6%.

Trong phiên ngày 19/05, chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm hơn 3%, với cổ phiếu công nghệ Tencent lao dốc 8.1% sau khi công bố lợi nhuận quý 1 giảm một nửa so với cùng kỳ.

Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 2.6%, còn Topix hạ 2.13%. Kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản tăng 12.5% trong tháng 4/2022, dữ liệu từ Bộ Tài chính Nhật Bản cho thấy trong ngày 19/05. Con số này thấp hơn dự báo tăng 13.8% từ các chuyên gia kinh tế, theo Reuters.

“Một mặt, nhà đầu tư lo ngại về lạm phát và tác động bào mòn lợi nhuận của doanh nghiệp. Nhưng mặt khác, họ cũng lo ngại về cơ hội tăng trưởng”, Mark Konyn, Giám đốc đầu tư tại AIA, cho hay.

Vũ Hạo (Theo CNBC)

FILI